Kỳ vọng gì với xuất khẩu nông sản 2017?

10/01/2017

Xuất khẩu ngành nông nghiệp vẫn đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỉ USD, tăng hơn 6% so với năm 2016. Có những gam màu sáng, tạo tiền đề cho triển vọng sáng sủa năm 2017.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2016 và triển khai kế hoạch 2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng ba điểm sáng lớn mà ngành đạt được năm 2016 là tăng trưởng được phục hồi sau sáu tháng tăng trưởng âm (tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt khoảng 1,2%); xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỉ USD; vấn đề an toàn thực phẩm có sự chuyển biến căn bản, rõ nét, được cả hệ thống chính trị, xã hội đánh giá cao.

Năm 2017, Bộ NN&PTNT tiếp tục chọn là năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Xuất khẩu thanh long đã vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ -Nguyễn Nam

Vật vã từ đáy...

Có hai căn cứ để khẳng định rằng những kết quả xuất nhập khẩu của ngành nông nghiệp là kết quả của những nỗ lực vượt bậc, dù bị tác động rất lớn bởi những biến động của giá cả thế giới.

Thứ nhất, như các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy nếu so với cùng kỳ năm 2015, chỉ số giá hàng nông sản thế giới 11 tháng đầu năm chỉ giảm 0,6%.

Đây tuy là mức giảm không đáng kể, nhưng giá nông sản thế giới đã giảm năm thứ năm liên tiếp cho nên so với năm 2011, tổng mức giảm đã đạt kỷ lục 28%, trong đó riêng giá ngũ cốc “rơi tự do” 40,8%.

Suốt chiều dài lịch sử 66 năm có số liệu thống kê về chỉ số giá hàng hóa thế giới, đây mới chỉ là lần thứ hai giá hàng nông sản giảm dài kỷ lục 5 năm như giai đoạn 1997-2001, còn mức giảm cũng gần tương tự.

Trên quy mô toàn cầu, cũng như hầu hết các loại hàng hóa khác, giá hàng nông sản suốt 5 năm qua đã giảm ngày càng sâu hơn. Điều này đương nhiên đồng nghĩa với việc xuất khẩu càng nhiều hàng nông sản thì thua thiệt càng lớn.

Thứ hai, là quốc gia đã tăng rất nhanh xuất khẩu hàng nông sản ra thị trường thế giới trong hơn một thập kỷ trở lại đây, đương nhiên chúng ta cũng phải gánh chịu những tác động đặc biệt lớn này.

Các tính toán từ số liệu thống kê của nước ta cho thấy trong khi kim ngạch xuất khẩu bảy mặt hàng nông sản chủ yếu có số liệu thống kê về lượng và giá trị 11 tháng đầu năm 2016 đạt 11,5 tỉ USD, nhưng nếu quy về giá cùng kỳ năm 2015 thì là gần 12 tỉ USD, tức là chúng ta bị thua thiệt về giá 450 triệu USD, bằng 3,9% kim ngạch thực tế.

Thế nhưng nếu quy về giá cùng kỳ năm 2011, kim ngạch xuất khẩu “rổ hàng nông sản” này phải là hơn 15,5 tỉ USD, tức là chúng ta đã bị thua thiệt về giá “khủng” tới hơn 4 tỉ USD, bằng 34,8% kim ngạch thực tế. Trong đó cao su chính là mặt hàng thua thiệt về giá đặc biệt “khủng” với gần 3 tỉ USD, bằng 182% kim ngạch xuất khẩu thực tế.

Chính vì vậy để đạt được mức tăng khiêm tốn 5,7% nói trên, ngoài cơ may duy nhất điều nhân được giá nên đã tăng khá về lượng và tăng mạnh về giá trị, chúng ta phải “tăng siêu tốc” xuất khẩu rau quả bình quân hơn 31%/năm trong sáu năm qua, đồng thời tăng mạnh khối lượng xuất khẩu cà phê, hồ tiêu... bù phần thua thiệt rất lớn về giá.

Đến kỳ vọng "thoát đáy"

Tuy nhiên tới thời điểm này, có hai căn cứ sau đây để cho rằng năm 2017 sẽ “dễ thở” hơn đối với xuất khẩu hàng nông sản.

Thứ nhất, tuy giá hàng nông sản xuất khẩu năm 2016 nói chung vẫn còn ở mức rất thấp khiến chúng ta thua thiệt rất lớn như nói trên, nhưng ngay trong bộn bề khó khăn đó cũng đã bộc lộ tín hiệu “thoát đáy” khá rõ ràng.

Cụ thể, nếu như giá cao su hai tháng đầu năm 2016 đứng ở mức đáy chỉ với hơn 1.100 USD/tấn, thì sau đó đã nhúc nhích tăng và hai tháng gần đây đã đạt hơn 1.300 USD, rồi 1.469 USD/tấn. Hoặc giá cà phê trong ba tháng đầu năm chạm đáy chỉ dưới 1.700 USD/tấn, nhưng ba tháng gần đây đã đạt gần 2.000 USD, rồi hơn 2.000 và 2.169 USD/tấn.

Tương tự, đối với mặt hàng chè, trong khi giá xuất khẩu trong ba tháng đầu năm chạm đáy chỉ với trên dưới 1.500 USD/tấn thì ba tháng gần đây đã tăng lên 1.700 - 1.900 USD/tấn...

Rõ ràng, những động thái này của giá cả chính là nguồn động lực để xuất khẩu hàng nông sản những tháng cuối năm vừa qua tăng tốc mạnh hơn và nếu như đà tăng này được tiếp tục duy trì trong năm 2017, cũng đồng nghĩa với việc nguồn động lực này tiếp tục được nuôi dưỡng.

Thứ hai, trên bình diện toàn cầu, dự báo gần đây nhất của các định chế tài chính quốc tế cũng cho thấy giá hàng nông sản năm 2016 nói chung đã ở mức đáy và năm 2017 sẽ nhích lên.

Chẳng hạn, theo dự báo gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu tính theo giá cố định năm 2010, sau 5 năm liên tiếp giảm và chạm đáy ở mức 89,2 điểm phần trăm năm 2016, năm 2017 sẽ là năm đầu tiên giá hàng nông sản thế giới nhích lên 90,5 điểm phần trăm, tăng nhẹ so với năm 2016.

Điều này có nghĩa là theo định chế tài chính quốc tế này, chu kỳ giá hàng nông sản giảm “sốc” bình quân tới 15,7%/năm kéo dài trong 5 năm 2012-2016 vừa qua đã kết thúc và năm 2017 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng kéo dài đến năm 2025, nhưng nhịp tăng trong cả chu kỳ này cũng sẽ rất chậm, chỉ đạt 1,6%/năm.

Tuy nhiên trong khi giá của các nhóm hàng lương thực và thực phẩm, dầu mỡ động thực vật, nông sản nguyên liệu đều tăng khá cao thì riêng giá của nhóm hàng đồ uống vẫn còn tiếp tục giảm trong những năm tới, tuy rằng mức giảm không nhiều.

Rõ ràng những động thái của giá cả thế giới này sẽ ảnh hưởng khác nhau đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng nông sản của nước ta, nhưng ảnh hưởng tác động tích cực sẽ là xu thế chủ đạo.

Nói tóm lại, năm 2016 dù là năm thứ năm liên tiếp phải đối mặt với những khó khăn trong xuất nhập khẩu hàng nông sản nhưng nhờ những nỗ lực vượt bậc, chúng ta vẫn gặt hái không ít thành công. Còn năm 2017, với những tín hiệu khả quan hơn, hi vọng thành công còn lớn nữa và sẽ góp phần lớn hơn vào việc tăng thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư khu vực nông thôn.

Tạo thuận lợi hơn cho tích tụ đất nông nghiệp

Năm 2017, toàn ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 2,5-2,8%, nâng số mặt hàng có giá trị xuất khẩu từ 1 tỉ USD lên 11 mặt hàng (tăng một mặt hàng so với năm 2016). Đặc biệt, 2017 sẽ là năm bản lề để tiến tới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, liên kết theo chuỗi và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, phát triển sản phẩm đặc trưng của mỗi khu vực theo hướng “mỗi làng xã một sản phẩm”. 

Trong đó ĐBSCL chuyển cơ cấu sản xuất từ lúa - thủy sản - trái cây sang thủy sản - trái cây - lúa, phát triển mạnh rau, hoa, trái cây công nghệ cao. Các địa phương khó khăn về nguồn nước (Tây Bắc, Nam Trung bộ, Tây nguyên) cũng sẽ chuyển đổi cây trồng. Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 7,3 tỉ USD.

Tại hội nghị tổng kết năm 2016 của ngành nông nghiệp vừa được tổ chức ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ tháo gỡ mạnh mẽ những rào cản thể chế trói buộc để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật đất đai theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tăng hạn mức, tài sản thế chấp (cho phép doanh nghiệp được sử dụng tài sản là nhà lưới, nhà kính được hình thành trong quá trình đầu tư làm tài sản thế chấp). - L.Anh

Sau những nỗ lực cán ngưỡng 2 tỉ USD không thành, xuất khẩu hàng rau quả năm nay tiếp tục tăng bùng nổ 28% và đạt khoảng 2,4 tỉ USD, chiếm chỗ của mặt hàng gạo để trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ tư trong 11 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của nước ta hiện nay.

Đây là năm thứ sáu liên tiếp xuất khẩu nhóm hàng này tăng bùng nổ với nhịp tăng bình quân 31,2%/năm. Tuy chưa phải là nhịp tăng cao kỷ lục bởi nó thuộc về mặt hàng “vàng trắng” cao su hồi đầu thập kỷ trước với 42,6%/năm, nhưng có thể coi là kỷ lục vì tăng trưởng cao trong sáu năm liên tiếp.

Rõ ràng trong điều kiện xuất khẩu hàng nông sản nói chung ngày càng khó khăn với quy mô lớn và tăng nhanh như vậy, rau quả có vai trò rất quan trọng trong việc kéo lùi nhịp độ tụt dốc xuất khẩu hàng nông sản chung. Mặc dù vậy, đây là mảng thị trường mà chúng ta vẫn còn nhiều bất cập không nhỏ.

Trước hết, chúng ta đang “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” chính là thị trường Trung Quốc. Nếu như đến năm 2014 tỉ trọng xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn dưới ngưỡng 30% nhưng năm 2015 tăng vọt lên 65%, còn năm nay gần như chắc chắn vượt qua ngưỡng 70%. Rõ ràng vấn đề đặt ra không chỉ là nếu thị trường này “hắt hơi, sổ mũi” thì rau quả sẽ điêu đứng.

Tiếp theo, tuy mang danh chung là rau quả xuất khẩu, nhưng tuyệt đại bộ phận vẫn chỉ là các loại quả, còn phân nhóm hàng rau vẫn chỉ rất “hẻo” ở mức hơn 100 triệu USD. Không những vậy, ngay cả trong các loại quả, chuối chúng ta từng xuất khẩu cách nay nửa thế kỷ và là thị trường quả lớn nhất của thế giới thì vẫn chưa phát triển.

Cuối cùng, dù đã trải qua nhiều thập kỷ xuất khẩu nhưng công nghiệp chế biến vừa mang lại giá trị gia tăng cao, vừa chia sẻ gánh nặng cho xuất khẩu rau quả tươi của chúng ta vẫn còn quá èo uột.

 

Theo Tuổi trẻ cuối tuần


Tin khác