IFC và Lộc Trời giúp nông dân sản xuất lúa gạo bền vững

07/03/2017

Thông qua chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam, dự kiến có khoảng 4.000 hộ nông dân sẽ được tập huấn các tập quán canh tác mới, qua đó, giúp họ trồng lúa đạt chất lượng cao và bền vững...

Chương trình trên được thực hiện với sự hỗ trợ của IFC - thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn Lộc Trời, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế (SRP- Sustainable Rice Platform).

Khoảng 4.000 hộ nông dân sẽ được tập huấn canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa.

Thông cáo báo chí của Tập đoàn Lộc Trời gửi đến TBKTSG Online vào hôm nay, 7-3, cho biết sự hợp tác này nhằm giúp nông dân mở rộng việc áp dụng các tiêu chuẩn và tập quán canh tác nông nghiệp bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo của tập đoàn này.

“Đồng thời, sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế, gia tăng lợi nhuận một cách bền vững và cải thiện đời sống nông dân”, thông cáo báo chí của Lộc Trời cho biết.

Trong hai năm tới, IFC sẽ giúp Lộc Trời triển khai cho khoảng 4.000 hộ nông dân thực hiện sản xuất lúa gạo theo đúng bộ tiêu chuẩn của SRP. Còn các nhà khoa học đến từ IRRI sẽ tham gia điều phối về mặt kỹ thuật.

Tại hội thảo “Triển khai bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế tại Việt Nam” do Tập đoàn Lộc Trời tổ chức vào đầu năm 2016, cho biết bộ tiêu chuẩn của SRP gồm có 46 tiêu chí, được đo lường theo rất nhiều các chỉ số khác nhau, trong đó, đặc biệt chú trọng đến các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo đó, đối với yếu tố về kinh tế, phải đảm bảo được năng suất và giá thành, trong khi yếu tố môi trường thì chú trọng kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp. Còn với yếu tố xã hội, bộ tiêu chí này tập trung đảm bảo các vấn đề như an toàn thực phẩm và sức khoẻ cho người lao động…

Ngoài ra, bộ tiêu chí của SRP còn kiểm soát các yếu tố khác, bao gồm cả vấn đề nữ quyền và nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em...

Đối với người nông dân, khi áp dụng bộ tiêu chuẩn SRP sẽ mang lại cho họ nhiều lợi ích như hướng đến việc thực hành canh tác hiệu quả; tiếp cận được chuỗi cung ứng minh bạch hơn; thu nhập được nâng cao.

Nói về vấn đề này, trong thông cáo báo chí, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, kỳ vọng dự án sẽ giúp cho đơn vị này xây dựng  thành công một thương hiệu gạo có chất lượng cao, qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tổng lãnh sự Canada tại Việt Nam Richard Bale, cho biết ông đánh giá cao sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân nhằm tăng cường sự phát triển kinh tế bền vững, toàn diện. “Sáng kiến này sẽ có lợi cho hàng ngàn nông dân trên khắp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, vị này cho biết.

Hiện tại, Tập đoàn Lộc Trời đang xây dựng mô hình chuỗi lúa gạo khép kín ở Việt Nam với khoảng 25.000 nông hộ tham gia.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn


Tin khác