Nhằm thu thập ý kiến của các doanh nghiệp để đề xuất thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại Việt Nam, ngày 06/3 tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD) phối hợp với Câu Lạc Bộ Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA) tổ chức hội thảo “Định hướng giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam”.
|
Quang cảnh Hội thảo (ảnh: AGROINFO)
|
Sau 5 năm triển khai Đề án Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao theo Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012, đến nay cả nước có 29 khu NNCNC đã đi vào hoạt động như mô hình rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lâm Đồng; sản xuất nấm tại Vĩnh Phúc; trồng chè tại Thái Nguyên...
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư rất khiêm tốn trên tổng số hàng nghìn DN nông nghiệp. Một trong những nguyên nhân chính là các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn để đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, trong khi nguồn vốn ưu đãi lại rất khó tiếp cận và NNCNC lại là lĩnh vực cần nhiều vốn và thời gian thu hồi lâu.
|
TS Nguyễn Anh Phong (AGROINFO) trình bày tại Hội thảo (ảnh: AGROINFO)
|
Trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều vấn đề và ý kiến đến từ các doanh nghiệp, khối ngân hàng cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước đã được tiếp nhận và tổng hợp về thực trạng phát triển NNCNC tại Việt Nam hiện nay đã được đưa ra như: Tín dụng và lãi suất vay vốn đầu tư dự án NNCNC; Xác định quy chuẩn và tiêu chí của doanh nghiệp NNCNC; Đất đai cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; Các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng vào NNCNC…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Thông báo số 08/TB -VPCP ngày 06/01/2017 về các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Xây dựng nền Công nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, cũng như trong phát biểu khởi động xây dựng khu NNCNC tại tỉnh Hà Nam vừa qua, đã nhấn mạnh dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đâu tư NNCNC và giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế, bố trí ngân sách thực hiện. |
AGROINFO