Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Cần miễn thuế 10 năm cho vùng khó khăn

19/01/2017

Năm 2016, nói như Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, được coi là năm “bùng nổ” của các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp. Vậy xu thế đầu tư vào nông nghiệp sẽ được tiếp diễn như thế nào, PV Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard).

Nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục là xu hướng được các doanh nghiệp hướng đến trong thời gian tới. 

Năm 2016 được coi là năm đột phá của ngành nông nghiệp khi có rất nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực này. Ông có thể cho biết thực trạng và xu thế đầu tư vào nông nghiệp hiện nay?

- Năm 2017 vẫn còn những thách thức mà nền nông nghiệp phải xử lý. Thứ nhất là câu chuyện sản xuất nhỏ lẻ manh mún. Thứ hai là câu chuyện về biến đổi khí hậu, thời tiết thiên tai khắc nghiệt, cú sốc biến đổi khí hậu của năm 2016.

Chúng ta nói hạn hán xâm nhập mặn lịch sử nặng nhất trong 90 - 100 năm qua, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng chưa chắc đây đã là ảnh hưởng nặng nhất mà có thể sẽ có các trận hạn mặn nặng hơn. Thứ ba, chúng ta đứng trước áp lực hội nhập quốc tế, cạnh tranh mạnh mẽ, không những đưa sản phẩm ra nước ngoài, ngay cả thị trường trong nước cũng có nhiều cạnh tranh hơn.

Ngành nông nghiệp đang thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp toàn ngành và từng lĩnh vực, câu chuyện chính là làm sao đưa được tái cơ cấu vào thực tiễn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NNPTNT, chúng ta phân ra 3 trục sản phẩm. Thứ nhất, trục sản phẩm chủ lực quốc gia là những sản phẩm có năng lực cạnh tranh lớn trên thế giới, các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD, chúng ta phải làm sao tạo ra được chuỗi giá trị hoàn chỉnh có DN lớn đầu tàu vào dẫn dắt, gắn kết với các DN địa phương, gắn kết với nông dân để làm sao đưa sản phẩm ra phân phối toàn cầu. Thứ hai, những sản phẩm có mức độ cạnh tranh cấp vùng, cấp địa phương, các tỉnh cần có gắng tạo ra các sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt đến 500 triệu USD. Nhóm sản phẩm thứ ba là sản phẩm đặc sản của vùng miền, tuy nhỏ nhưng có lãi rất cao, chúng ta cần đẩy mạnh mô hình mỗi làng một sản phẩm. Mô hình này Quảng Ninh làm rất tốt, cần nhân rộng ra các tỉnh khác.

Bên cạnh đó, phải tìm cách đưa câu chuyện tái cơ cấu nông nghiệp vào thực tiễn, làm sao tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, kéo được các tổ chức nông dân vào cuộc để chúng ta có quy mô sản xuất lớn hơn, sản phẩm đồng bộ hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn. Đó là những vấn đề đặt ra cho năm nay.

“Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi để chúng ta duy trì năng lực cạnh tranh tốt, đảm bảo năng suất, đảm bảo hiệu quả, đảm bảo sản phẩm đó an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, có rất nhiều DN đã đưa ra các sáng kiến cho hướng áp dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp bền vững”. - TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

Thưa ông, để ngành nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ trong năm 2017, chúng ta cần có những đòn bẩy nào từ các chính sách cụ thể?

- Hiện nay, các cơ quan của Đảng, Nhà nước cũng đang xem xét rất kỹ lưỡng để có những thay đổi chính sách phù hợp nhằm tạo ra môi trường kinh doanh tốt thu hút được DN vào đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành nông nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao thu hút được ngày càng nhiều DN và địa phương vào cuộc để xây dựng chuỗi giá trị, từ sản phẩm chủ lực quốc gia cho đến chuỗi sản phẩm có lợi thế cấp vùng cũng như chuỗi đặc sản ở các địa phương. Chúng ta cần nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhà nước kiến tạo, các bộ ngành phối hợp cùng vào cuộc mạnh mẽ để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn cho DN phát triển.

Rất nhiều DN hiện muốn đầu tư vào nông nghiệp, nhưng lại than phiền về chính sách để lôi kéo DN đầu tư vào chưa đủ. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?

- Xu hướng đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian gần đây là một số DN lớn, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào nông nghiệp tạo ra làn sóng mới, trào lưu mới được các doanh nghiệp khác quan tâm. Ngành nông nghiệp hiện nay được toàn xã hội quan tâm từ câu chuyện tái cơ cấu, cho đến câu chuyện đổi mới tăng trưởng. Chúng ta ngày càng nhận thấy rõ nét doanh nghiệp là động lực quan trọng đóng vai trò hạt nhân để dẫn dắt chuỗi giá trị nông nghiệp.

Tiếp theo, xu hướng đầu tư vào nông nghiệp sẽ như thế nào, với xu hướng đầu tư mới đang hình thành trong thời gian gần đây, nếu chúng ta tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo ra những hỗ trợ như đảm bảo quyền tài sản, đảm bảo quyền hợp đồng, tháo gỡ thủ tục… thì các DN sẽ vào. Đồng thời, cần tính đến việc nông nghiệp là kinh doanh rủi ro, nông nghiệp là lĩnh vực kinh doanh tạo rất nhiều điều kiện tốt cho xã hội đó là tạo việc làm cho người dân nên Chính phủ và các bộ ngành cần phải có chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn nữa để DN có động lực vào đầu tư, cũng như yên tâm tập trung sản xuất, phát triển.

Ví dụ, DN đầu tư nông nghiệp ở các vùng khó khăn, cần có chính sách miễn thuế thu nhập DN trong 10 năm, vì DN vào đầu tư tạo ra việc làm, lan tỏa phát triển kinh tế xã hội cho địa bàn đó. Miễn thuế là công cụ có tác động nhanh nhất, tiện nhất để khích lệ DN.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Việt


Tin khác