Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Cần tháo gỡ rào cản đầu vào

16/01/2017

Xóa bỏ các rào cản trong kinh doanh đầu vào trung gian ngành nông nghiệp, thực chất để kéo đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, giúp cho đầu vào giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) với PV TBTCVN bên lề hội thảo "Các rào cản trong kinh doanh đầu vào ngành nông nghiệp", do Viện IPSARD tổ chức ngày 12/1/2016, tại Hà Nội.

*PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua?

- Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Trong thời gian qua, Chính phủ luôn nhắc đến từ liêm chính, kiến tạo… nhằm thu hút đầu tư tư nhân, khối doanh nghiệp (DN) và khối nhà nước để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Điều này rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp, vì đầu tư DN vào nông nghiệp hiện nay vẫn còn rất yếu và manh mún.

Thực tế đã có một loạt câu chuyện liên quan như câu chuyện về rủi ro, thiếu vùng nguyên liệu, đất đai, hạ tầng, tín dụng khiến các DN kêu ca đầu tư vào nông nghiệp rất khó. Một trong những điều quan trọng khiến DN thấy “vướng” khi đầu tư vào nông nghiệp là thủ tục kinh doanh đầu vào và đầu ra.

*PV: Ông có thể cho biết cụ thể những bất cập trong đầu vào của nền nông nghiệp hiện nay?

- Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Theo Dự án “Điều tra các rào cản đối với việc kinh doanh trong thị trường đầu vào trung gian ngành nông nghiệp", do Chính phủ Úc tài trợ và IPSARD thực hiện từ tháng 6/2016 đến tháng 1/2017, chúng tôi đã nghiên cứu đánh giá lại rào cản trong kinh doanh các đầu vào trung gian và nghiên cứu tập trung vào 3 vấn đề: giống cây trồng, giống vật nuôi và máy móc nông nghiệp.

Ví dụ, đối với lĩnh vực giống cây trồng hiện nay vẫn còn vướng mắc, rào cản trong khảo nghiệm, công nhận giống cây trồng mới. Quy trình cấp phép còn phức tạp, phải được công nhận 2 lần, 4 hội đồng thẩm định, khảo nghiệm giá trị canh tác… nên phải mất 3,5- 5 năm với cây ngắn ngày và 5- 6 năm cho cây dài ngày. Thủ tục này dài hơn từ 2- 4 năm so với các nước trong khu vực.

Không những vậy, quy định cũng yêu cầu phải có xác nhận của cơ quan địa phương. Điều này sẽ phát sinh thêm chi phí của doanh nghiệp, tạo cơ chế xin- cho, đồng thời cũng gây khó cho địa phương trong quản lý. Việc quy định về diện tích sản xuất thử cũng không hợp lý, gây tốn kém cho doanh nghiệp....

Hoặc rào cản trong lĩnh vực  kinh doanh giống vật nuôi là chính sách chưa cập nhật, thiếu; thực thi còn nhiều vấn đề. Ví dụ, bất cập về quản lý (kiểm soát, quản lý và cấp phép hiện nay vẫn chưa tốt sẽ khiến các cơ sở kinh doanh con giống vật nuôi không được kiểm soát chất lượng xuất hiện tràn lan, dẫn đến môi trường kinh doanh không bình đẳng, thiệt hại cho DN tuân thủ quy định....

Cùng với đó, rào cản kinh doanh máy móc là chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập... Ví dụ, các chính sách hỗ trợ yêu cầu tỷ lệ nội địa 60% quá cao cho một số loại máy móc khiến DN gặp khó khăn trong kinh doanh, lắp ráp. Chương trình cơ giới hóa trọng điểm không hiệu quả, lãi suất vay cao khoảng 10,8% khiến chỉ 2/11 dự án được giải ngân...

*PV: Ở góc độ nghiên cứu chính sách, ông có đề xuất gì để tháo bỏ các rào cản nêu trên nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng trong thu hút đầu tư của DN vào lĩnh vực nông nghiệp?

- Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn:  Muốn thu hút được đầu tư vào nông nghiệp, điều quan trọng là phải xóa bỏ các rào cản trên.

Trong câu chuyện kinh doanh đầu vào nông nghiệp luôn luôn có hai khía cạnh. Đó là làm sao giảm chi phí đầu vào cho nông dân thì mới sản xuất sản phẩm đủ sức cạnh tranh. Nhà nước cần tháo gỡ các rào cản như giống cây trồng, giống vật nuôi, máy móc nông nghiệp, nhưng làm sao vừa phải tháo gỡ rào cản để tăng tính cạnh tranh, giảm chi chi phí đầu vào mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã có 3 đề xuất, trước mắt cần sửa Pháp lệnh Giống vật nuôi và cây trồng thành luật. Sửa đổi Nghị định khảo nghiệm, công nhận giống mới. Bổ sung, làm rõ các chính sách, quy định cho máy móc nông nghiệp.

Ngoài các hỗ trợ trên, đầu tiên Nhà nước cần bảo hộ quyền tài sản, quyền hợp đồng một cách toàn vẹn và lâu dài. Hiện nay quyền tài sản và quyền hợp đồng chưa bảo đảm. Chúng ta quá chú trọng vào các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ, định hướng thị trường, thậm chí làm thay thị trường.

Bên cạnh đó, cần mở rộng tiến tới xóa bỏ hạn điền, kéo dài thời hạn sử dụng đất. Thực tế, quyền tài sản đối với đất đai làm tăng chi phí sản xuất, khiến chất lượng sản phẩm không đồng đều. Thời hạn sử dụng đất, thu hồi đất nông nghiệp tăng rủi ro cho chủ đầu tư, giảm động lực đầu tư dài hạn…

Đồng thời, cần bảo đảm quyền hợp đồng nông nghiệp. Hiện nay, hệ thống tòa án chưa có hiệu quả và mất thời gian; chưa có thể chế pháp lý để bảo vệ quyền hợp đồng của nhà đầu tư và nông dân.  

Vì thế, cũng có nhiều ý kiến đưa ra là cần có một nghị định hoặc Luật Nông nghiệp và xác định cơ chế để bảo vệ quyền hợp đồng của hai bên. Trong đó, hỗ trợ và đảm bảo quyền tài sản, quyền hợp đồng rồi sau đó mới tính đến các hỗ trợ về giống cây… để các DN đầu tư vào lĩnh vực này giảm bớt các rủi ro.

Cùng với đó, phải có những quy định ưu đãi đặc biệt cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, bởi ở đó còn nhiều người nghèo.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đang trong quá trình soạn thảo những quy định về trồng trọt, chăn nuôi… Hy vọng với những nghiên cứu về rào cản này, các cơ quan soạn thảo sẽ có những đề xuất chính sách văn bản pháp luật hợp lý nhằm tạo điều kiện cho DN đầu tư kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. 

*P.V: Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Tài chính


Tin khác