Đầu tư cho nông nghiệp vốn lớn lãi thấp

13/01/2017

Hàng trăm doanh nghiệp mới đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên trong một cuộc điều tra 400 doanh nghiệp cho rằng đầu tư vào nông nghiệp lãi rất ít, thậm chí hòa vốn.

Trong khi đó nhiều chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp cho rằng đầu tư vào nông nghiệp thực sự không dễ dàng với nhiều rào cản, cần nguồn vốn lớn và tỷ suất lợi nhuận thấp. Trong một cuộc điều tra của VCCI, có đến 65% số doanh nghiệp rót vốn vào ngành này cho rằng lãi ít, thậm chí hòa vốn.

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: AGROINFO)

Tại Hội thảo tháo gỡ các rào cản trong kinh doanh đầu vào trung gian nông nghiệp do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức sáng 12-1 các chuyên gia kinh tế cho rằng bức tranh đầu tư vào nông nghiệp hiện có nhiều điểm khó, nhất là các rào cản chính sách và câu chuyện nguồn vốn. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận đầu tư vào nông nghiệp thực sự không dễ dàng vì lĩnh vực này cần nguồn vốn lớn trong khi tỷ suất lợi nhuận thấp và tương đối rủi ro nên kén nhà đầu tư.

Theo kết quả khảo sát nhận diện doanh nghiệp nông nghiệp qua điều tra của PCI trong 685 doanh nghiệp tham gia điều tra có 52% doanh nghiệp cho rằng đầu tư vào nông nghiệp lãi ít, 13% doanh nghiệp có rằng hòa vốn. Như vậy ước tính, tổng có 65% doanh nghiệp đầu tư lãi ít và hòa vốn, tức khoảng 445 doanh nghiệp. Chỉ có 9% doanh nghiệp đạt được kỳ vọng trong đầu tư lĩnh vực này, tức khoảng 61 doanh nghiệp trong khi 4% doanh nghiệp thua lỗ (khoảng 27 doanh nghiệp). Ông Đậu Anh Tuấn phân tích đầu tư vào nông nghiệp là đầu tư dài hạn trong khi doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với các khoản vay có thời hạn ngắn, lãi suất biến động.

Về vấn đề đầu tư vào nông nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng khi hội nhập kinh tế, câu chuyện rào cản đầu vào trung gian trong nông nghiệp đang là một vấn đề như hội chăn nuôi với câu chuyện một quả trứng gà chịu 14 phí, bên cạnh đó là đầu vào của giống cây trồng, vật nuôi…Theo ông Tuấn, có hai vấn đề chính, một là giúp đầu vào giảm chi phí hiện chi phí giao dịch cao, nông dân sản xuất không cạnh tranh, hai là chi phí vận chuyển. “Rút phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng là một bài toán cần tính, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cho rằng doanh nghiệp nên tập trung vào các loại giống đem lại giá trị cao. “Dù chính sách tốt, rào cản được tháo bỏ nhưng giá trị sản phẩm nông nghiệp không cao thì hiệu quả đầu tư vẫn thấp nên doanh nghiệp phải nghĩ tới các giống đem lại giá trị cao, không thể chỉ mãi đầu tư vào giống rẻ như hạt rau muống bao giờ có lãi”.

Để nông nghiệp phát triển, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng hiện nay quy định về thời gian sử dụng đất, thu hồi đất nông nghiệp đang làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư và giảm động lực đầu tư dài hạn nên cần sớm kéo dài thời hạn sử dụng đất, hạn chế các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp như hạn chế theo chất lượng thổ nhưỡng, vị trí gần sông ngòi, hoặc trao thẩm quyền cho Tòa án ra quyết định thu hồi đất.

Còn ông Long lấy ví dụ về mô hình sản xuất giống công nghệ cao tại Hà Nam của CTCP đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam với quy mô trung tâm sản xuất rộng 21 ha, số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Mô hình đầu tư công nghệ sản xuất giống hiện đại, cho những loại giống chất lượng cao, bán cây giống đang là hướng đi nhiều triển vọng các doanh nghiệp cần học tập, ông Long nhận định

Ông cũng kiến nghị Nhà nước nên bảo hộ các loại giống bản địa của Việt Nam như giống sâm ngọc linh để đảm bảo giá trị.

Theo Lao động xã hội


Tin khác