Kiến tạo nền nông nghiệp mới

12/01/2017

Ngành nông nghiệp đang khát vọng kiến tạo một nền nông nghiệp mới: không lặp lại quá khứ, cần nguồn tăng trưởng mới và tăng giá trị, giảm dầm lệ thuộc tài nguyên. Nền nông nghiệp mới phải thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong nền nông nghiệp mới, doanh nghiệp phải đóng vai trò nòng cốt liên kết với nông dân tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn và theo chuỗi.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường       (Nguồn: Internet)

Năm 2016 đã khép lại, Bộ trưởng đánh giá thế nào về ngành nông nghiệp trong năm vừa qua?

Chúng tôi coi năm 2016 là một năm khó khăn, vất vả nhất đối với nền nông nghiệp và bà con nông dân. Quý I/2016, chúng ta đối mặt với rét lịch sử, chăn nuôi và trồng trọt ở 14 tỉnh phía Bắc bị thiệt hại rất lớn. Những tháng đầu năm, toàn bộ Đồng bằng Sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gặp đợt hạn hán và nhiễm mặn lịch sử hàng trăm năm nay. Những tháng cuối năm, mưa lũ hoành hành liên tục tại các tỉnh miền Trung…

Nếu không bị thiên tai gây thiệt hại lớn đến vậy thì tôi tin ngành nông nghiệp sẽ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Nhưng năm nay thiên tai đã gây thiệt hại gấp 2 lần so với mọi năm, tổng thiệt hại ước tính lên tới 40 nghìn tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân khiến tăng trưởng của ngành lần đầu tiên rơi xuống mức âm trong nửa đầu năm 2016.

Song, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và bà con nông dân, chúng ta đã giảm thiệt hại và tập trung đẩy mạnh sản xuất ở những lĩnh vực có dư địa tăng trưởng cao: chăn nuôi, thủy sản, rau quả, mặt hàng cây công nghiệp để có tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay vượt hơn 31 tỷ USD. Tổng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp năm vừa qua đạt 870,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,44% so với năm 2015 và thấp hơn so với mức tăng các năm gần đây. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt 642,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,79%; lâm nghiệp đạt 28,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,17%; thủy sản đạt 200 nghìn tỷ đồng, tăng 2,91%. Tốc độ tăng GDF của toàn ngành đã đạt khoảng 1,2%.

Như vậy, chúng ta vẫn có những mảng sáng trong năm 2016, vẫn là một năm kim ngạch xuất khẩu nông sản kỷ lục với 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015, đã đem lại một phần đời sống tốt hơn cho bà con nông dân.

Dù Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là quốc gia thành công trong mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhưng tình trạng tái nghèo vẫn là vấn đề cấp bách. Ông nghĩ sao về điều này?

Có thể khẳng định, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ 30 năm qua đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, nên Việt Nam được coi là quốc gian tiên phong trong vấn đề xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đất nước ta với diện tích ¼ là núi; 20 triệu đồng bào trong tổng số 92 triệu dân sống ở miền núi, địa hình hết sức khó khăn, chia cắt. Trước kia, chúng ta đã chia tỷ lệ nghèo từ 37% xuống 7-8% nhưng từ sau năm 2015, việc áp dụng chuẩn nghèo mới lại đẩy tỷ lệ này lên 14-15%. Do đóa, quá trình xóa đói giảm nghèo của nước ta phải là một quá trình liên tục.

Cùng với đó, hiện chúng ta là 1 trong 3 quốc gia bị tổn thương lớn nhất do biến đổi khí hậu. Nếu giải pháp ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu không tốt thì một bộ phận bà con nông dân sẽ tái nghèo, thậm chí tái nghèo sâu. Chính phủ đang tập trung vào 2 chương trình lớn, một là Chương trình xóa đói giảm nghèo quốc gia, hai là Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Trong Chương trình Nông thôn mới kỳ này sẽ tập trung vào yếu tố sản xuất để góp phần xóa đối giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách người nghèo so với đối tượng khác, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền.

Với việc xuất khẩu gạo xuống dốc, nước ta có tiếp tục sản xuất nhiều lúa gạo hay không, thưa ông?

Lựa chọn sản phẩm gì thì phải theo nhu cầu của thị trường. Trước kia, chúng ta xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo nhưng những năm gần đây, nhu cầu thị trưởng giảm nên xuất khẩu gạo năm 2016 chỉ gần 5 triệu tấn. Thương mại cung ứng gạo trên toàn cầu khoảng 35 triệu tấn/năm với giá trị 12 tỷ USD, đây là một phân khúc rất hẹp so với các nông lâm thủy sản khác: rau quả, đồ gỗ, thịt, tôm cá…

Trong khi đó, trên thị trường hiện nay, nhiều nước có lợi thế hơn chúng ta về sản xuất và xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, gần đây là Trung Quốc cũng tự chủ về lương thực. Do đói, nguồn cung gạo trên thế giới ngày càng tăng lên, trong khi đó nhu cầu chỉ ở giới hạn và sản xuất lúa gạo của chúng ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu khiến lượng nước ngày càng thiếu, nhiều vùng bị nhiễm mặn không trồng được lúa.

Cộng với yếu tố thị trường và sản xuất bền vững, chủ trương của Đảng, Quốc hội sẽ chỉ đạo các địa phương, tùy vào tình hình mà chuyển đổi một phần diện tích lúa sang trồng cây khác phù hợp với khí hậu, đất đai và tài nguyên cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Mục tiêu từ nay đến 2025, chúng ta sẽ chuyển đổi 700.000 ha đất lúa sang trồng cây khác cho hiệu quả cao hơn.

Tái cơ cấu nông nghiệp đã trải qua 3 năm, ông nhận định thế nào về thực hiện Đề án này?

Sau 3 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, hầu hết các địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, một số ngành hàng lớn đã có những cơ sở ban đầu để hội nhập. Tuy nhiên, quá trình Tái cơ cấu nông nghiệp vẫn chưa thực sự tạo ra đổi thay căn bản, vẫn còn những tồn tại cố hữu. Thứ nhất là sản xuất phổ biến trên quy mô nhỏ lẻ, khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, sức cạnh tranh yếu. Thứ hai là sản phẩm đa phần là chế biến thô, giá trị thấp, thị trường không có tính ổn định. Thứ ba, nhân tố hạt nhân cho Tái cơ cấu chính là các doanh nghiệp vẫn còn quá ít.

Khi xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng ta đã nhìn thấy trước mục tiêu đúng đắn là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị khép kín, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, hàm lượng chất xám cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cao và tăng cao lợi nhuận. Song đến thời điểm này, chọn các giải pháp nào để đạt được những mục tiêu đó thì nền nông nghiệp Việt Nam vẫn đang đứng giữa ngã ba đường.

Chúng ta đang khát vọng kiến tạo một nền nông nghiệp mới. Ở đó, hướng đi cho ngành nông nghiệp phải kết hợp các tiêu chí: không lặp lại quá khứ; cần nguồn tăng trưởng mới; tăng giá trị, giảm đầu vào; giảm sử dụng đất, lao động, ô nhiếm, chất thải. Nền nông nghiệp mới phải thích ứng với biến đổi khí hậu , phòng tránh và giảm đến mức thấp thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong nền nông nghiệp mới, doanh nghiệp phải đóng vai trò nòng cốt liên kết với nông dân tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn và theo chuỗi.

Để đạt được điều này, hệ thống điều hành Nhà nước đối với nông nghiệp phải giảm chỉ đạo, tăng kiến đạo sáng tạo. Tạo môi trường đầu tư phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, kiến tạo liên kết nông dân – doanh nghiệp nông nghiệp, tạo điều kiện cho kinh doanh và quản lý rủi ro thương mại.

Theo ông, thúc đẩy các chuỗi liên kết nông sản, hợp tác xã hay doanh nghiêp có vai trò quan trọng hơn?

Nếu để nông dân tự sản xuất thì chúng ta không thể hội nhập với thế giới, mà phải tổ chức lại sản xuất. Người nông dân đoàn kết lại thành các tổ đội, thành các hợp tác xã thì quy mô sản xuất lớn dần lên, có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tốt hơn, có điều kiện chung mua vật tư đầu vào ở mức thấp nhất, bán được sản phẩm đầu ra ở mức giá cao nhất. Trên cơ sở liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, chúng ta hình thành các mối liên kêt rộng hơn, bền chặt hơn.

Trong 4 năm qua, việc thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tạo chuyển biến tích cực. Những hợp tác xã kiểu mới đã hoàn thành, đóng vai trò liên kết nông dân từ mua chung vật tư đầu vào, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, tỷ lệ hợp tác xã thực thi được nhiệm vụ này đạt hiệu quả chưa nhiều. Các chuỗi giá trị nông sản do hợp tác xã tạo dựng vẫn còn ở quy mô nhỏ, chưa thực sự bền vững.

Năm 2016, một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương. Trong đó có TH, Dabaco, Vingroup, Hòa Phát… Với mô hình doanh nghiệp làm đầu tàu liên kết với các hợp tác xã, đặt hàng sản xuất cho hợp tác xã và nông dân, chuyển giao giống, vật tư, kỹ thuật hiện đại và bao tiêu sản phẩm đã tạo ra được chuỗi hàng hóa lớn, có hàm lượng chất xám cao, giá bán cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững. Doanh nghiệp cũng thể hiện được ưu thế lớn hơn hợp tác xã trong việc xây dựng thương hiệu, quản lý nhãn mác và thiết lập hệ thống phân phối lưu thông trên thị trường.

Điển hình như mới đây, Vingroup đã ký thỏa thuận hợp tác với 250 hợp tác xã và hộ nông dân cùng thiết lập chuỗi sản xuất nông sản sạch và mục tiêu liên kết 1000 hợp tác xã và hộ nông dân. Rõ ràng, mỗi huỗi nông dân do hợp tác xã tại dựng chỉ ở quy mô hợp tác xã nhưng chuỗi do doanh nghiệp xây dựng có quy mô lớn hơn nhiều, như vậy mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Xác định doanh nghiệp là trụ cột, Nhà nước sẽ cải tiến chính sách như thế nào để thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp?

Với nỗ lực của cả Chính phủ và doanh nghiệp, nên đầu tư từ khu vực tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn trong năm 2016 đã tăng mạnh. Từ 3.640 doanh nghiệp ngành nông nghiệp năm 2015, đến nay đã có khoảng 4.100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp nông thôn còn rất hạn chế, thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành. Tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số doanh nghiệp cả nước và đa phần có quy mô vốn nhỏ.

Chính ohur đã gioa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ, ngành sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP về thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó cố gắng đưa ra được chính sách mang tính đột phá tích cực, sát với thực tiễn để thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Ông có nhận định thế nào về ngành nông nghiệp trong năm 2017?

Có thể khẳng định, năm 2017 sẽ thuận lợi hơn về mặt thời tiết so với năm 2016. Năm 2016 là cuối thời kỳ El Nino, chuyển sang El Nina nên thời tiết hạn hán khốc liệt đầu năm và mưa lũ lớn cuối năm. Sang 2017, thời tiết sẽ hiền hòa hơn, giúp nông dân sản xuất tốt hơn.

Năm nay, Chính phủ mới, Chính phủ kiến tạo, niềm tin với các doanh nghiệp niềm tin với các thành phần kinh tế, niềm tin của bà con nông dân đang được củng cố một cách đáng kể. Với niềm tin đó, bước vào năm 2017 với những điều kiện thuận lợi, những chính sách mới sẽ được ban hành thực thi cùng với những cố gắng vượt bậc của chúng ta, hy vọng sẽ là một năm thắng lợi cho bà con nông dân, cho ngành nông nghiệp. Tôi tin tưởng rằng, 2017 sẽ là một năm bứt phá, tăng trưởng GDP của ngành sẽ tăng cao và xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt những kỷ lục mới.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

CHU KHÔI - VNECONOMY


Tin khác