Đây là một câu hỏi đặt ra tại buổi tọa đàm tích tụ, tập trung đất nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp hóa nông thôn dưới sự chủ trì của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Vụ Nông nghiệp – Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương ngày 10-01-2017 vừa qua.
|
Ông Nguyễn Quốc Ngữ, Hàm Vụ trưởng, Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc (Ảnh IPSARD)
|
Tham gia buổi tọa đàm là những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng, chuyên gia cao cấp của Hội đồng lý luận trung ương, nguyên lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đại diện các ban đảng, bộ ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp.
|
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trình bày đề dẫn (Ảnh IPSARD)
|
Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã khơi gợi lại một số vấn đề không mới nhưng vẫn chưa bao giờ hết “nóng” trong lĩnh vực đất nông nghiệp như hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thấp và giảm dần, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất diễn ra chậm, kinh tế trang trại phát triển chậm, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp và thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động yếu ớt… Luật Đất đai 2013 ra đời dường như mới chỉ giúp ngăn cản việc ồ ạt lấy đất làm khu công nghiệp hay việc nguồn cung bất động sản quá nóng, trong khi những vướng mắc về đất nông nghiệp thì vẫn chưa giải quyết được. Đã có hàng loạt chủ trương của Đảng và Nhà nước để phát triển thị trường quyền sử dụng đất và chính sách tích tụ và tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nhưng khi thực hiện lại gặp rất nhiều vướng mắc trong tư duy, quan điểm, về khung pháp lý, chính sách, cũng như vướng mắc trong chỉ đạo triển khai ở địa phương.
|
GS.TSKH Đặng Hùng Võ trình bầy về những khoảng “chồng” và khoảng “trống” trong pháp luật về đất đai (Ảnh IPSARD)
|
Đồng ý với quan điểm của TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn về quan điểm Luật Đất đai 2013 chưa quan tâm nhiều đến đất nông nghiệp, GS.TSKH Đặng Hùng Võ đã chỉ ra những khoảng “chồng” và khoảng “trống” pháp luật về đất đai hiện nay. Pháp luật về đất đai hiện nay chỉ tập trung vào việc nhà nước quản lý sao cho chặt, chuyển dịch đất đai cho đầu tư phát triển chậm, chưa giải quyết được vấn đề quy hoạch sử dụng và quy hoạch phát triển. Có hàng loạt chồng chéo, không hợp lý giữa Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Bảo vệ phát triển rừng. GS Võ cũng nhấn mạnh nên sửa đổi pháp luật về đất đai theo hướng vốn hóa đất đai, phối hợp giữa các bộ ngành liên quan trong xây dựng luật, kiểm kê thống kê đất và tài sản gắn liền với đất. Việc xóa bỏ các quy định về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp và hạn điền đối với đất nông nghiệp sẽ giúp tăng giá trị cho đất, giải phóng sức sản xuất nông nghiệp sau khi động lực từ giao đất nông nghiệp của hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân đã cạn dần.
|
PGS.TS. Trần Quốc Toản, Hội đồng Lý luận trung ương, trình bày về quan hệ giữa ruộng đất và kinh tế hộ nông dân (Ảnh IPSARD)
|
Ở góc nhìn khác PGS.TS Trần Quốc Toản đặt ra câu hỏi nên tích tụ, tập trung đất nông nghiệp theo chiều sâu hay chiều rộng. Sử dụng đất theo chiều rộng thì tăng quy mô còn theo chiều sâu là ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đòi hỏi diện tích không quá lớn. TS. Trần Quốc Toản nhấn mạnh quá trình tích tụ, tập trung đất ruộng đất không thể duy ý chí mà cần tuân theo quy luật số đông để phát triển chính sách, bảo đảm lợi ích của người dân. Ông đề xuất thúc đẩy đổi mới chuyển giao công nghệ, phát triển theo chiều sâu và cơ chế chia sẻ rủi ro giữa các chủ thể (doanh nghiệp, nhà nước và người dân) trong quá trình này.
|
Bà Trần Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương chia sẻ kinh nghiệm thực tế về sự khác biệt vùng miền trong tích tụ, tập trung đất (Ảnh IPSARD)
|
Các đại biểu tham dự tọa đàm đã nêu nhiều nhiều ý kiến xoay quanh chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa doanh nghiệp và nông dân trong giao dịch đất đai, quan hệ giữa quy mô và hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, hệ quả kinh tế, xã hội của tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, quyền tài sản và định giá đất, những nút thắt chính trong phát triển nông nghiệp hiện nay, vấn đề chuyển dịch lao động nông thôn.
|
PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phát biểu về quyền, tài sản, sinh kế của người dân trong tích tụ và tập trung đất (Ảnh IPSARD)
|
Tổng kết buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn và ông Nguyễn Quốc Ngữ cho rằng, qua thảo luận giữa các chuyên gia đầu ngành, có rất nhiều vấn đề cần phải xem xét lại về cách tiếp cận, tích tụ tập trung đất phải tính đến tác động kinh tế - chính trị - xã hội – môi trường, hình thức tích tụ, tập trung đất đa dạng theo quy luật thị trường, không tích tụ, tập trung đất theo phong trào mà chỉ một số ít được hưởng lợi.
Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)