Đào tạo nghề nông nghiệp sẽ gắn với thị trường

24/03/2017

Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong thời gian tới sẽ gắn chặt với yếu tố thị trường, trong đó, một phần rất lớn trong công tác đào tạo nghề sẽ gắn với nông nghiệp công nghệ cao.

Tại Hội nghị Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn diễn ra ngày 23-3, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho hay, tính đến nay đã có trên 5 triệu lao động nông thôn được đào tạo, trong đó gần 3,5 triệu lao động nông thôn đào tạo theo Quyết định 1956. Trong số trên, có hơn 40% học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp.

Trong giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đưa vào nội dung trong thành phần của chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 1600 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn, trong đó 1,4 triệu người học nghề nông nghiệp, 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp. Yêu cầu cao nhất của Quyết định 1600 là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn để sau đào tạo ít nhất 80% lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề.

Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 971 về sửa đổi bổ sung Quyết định 1956, xác định rõ Bộ LĐTBXH là cơ quan thường trực dự án, phối hợp với các bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) thực hiện dự án.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, cần phải xác định những hạn chế của đề án cũ để có những đề xuất cải tiến hoạt động đào tạo nghề trong giai đoạn tới. “Các đại biểu Quốc hội nói với tôi rằng có tình trạng đánh trống ghi tên để nhận tiền đào tạo nghề…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và đặt câu hỏi: “Tôi muốn bàn thực trạng, có hay không có việc đó, cá biệt hay phổ biến”.

Đồng thời, việc đào tạo nghề sắp tới phải gắn với địa phương và sự dịch chuyển từ lao động phi chính thức sang chính thức.

Về việc đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cho hay, đào tạo nghề lần này sẽ gắn chặt với doanh nghiệp để đào tạo lao động phục vụ nông nghiệp công nghệ cao và quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Do đó, các địa phương phải đề nghị doanh nghiệp nêu nhu cầu về lao động của mình. Ví dụ trồng lúa hữu cơ, rau an toàn công nghệ cao, cần đào tạo cho bao nhiêu người thì sẽ đặt hàng với các Sở NN&PTNT và Sở LĐTBXH các tỉnh để đưa vào quy hoạch.

Các doanh nghiệp muốn được hỗ trợ đào tạo nghề phải là doanh nghiệp sản xuất theo hướng an toàn, sản xuất hàng hóa phục vụ trong nước và xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hoặc thực hiện tái cơ cấu… những lĩnh vực mà Chính phủ đang muốn phát triển.

“Các huyện đang kiểm tra và tổng hợp thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay Bộ NN&PTNT đã liên hệ với các trung tâm đào tạo của các tập đoàn, các công ty lớn và bố trí tiền vào đó để họ tự đào tạo nghề theo quy định của nhà nước”, ông Trung nói và cho biết thêm, những cơ sở mà không có cơ sở đào tạo thì giao cho các trường nghề đào tạo cho họ.

Trước đó, trao đổi với TBKTSG Online, ông Ma Quang Trung cho hay, kinh phí cho đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2017-2020 dự kiến khoảng hơn 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, để xã hội hóa công tác đào tạo nghề phải thu hút được doanh nghiệp vào cuộc. Chính phủ chỉ hỗ trợ đào tạo một lần, còn lại doanh nghiệp phải bỏ ra.

Theo ông Trung, phương pháp đào tạo lao động nông thôn cũng sẽ khác giai đoạn trước. Nếu như trước kia học viên phải qua 3 tháng học trên huyện, tỉnh thì việc đào tạo tới đây sẽ gắn với mô hình và sản xuất thực tế nhiều hơn. Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/mô hình.

Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn làm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, theo ông Trung, nông dân không thể tự làm nông nghiệp công nghệ cao được mà chỉ có thể đào tạo ở doanh nghiệp và hợp tác xã. “Do đó, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thống nhất phương pháp đào tạo, hỗ trợ và giám sát quá trình đào tạo. Trước mắt lấy năm 2017 là năm xây dựng mô hình điểm về đào tạo lao động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, ông Trung nói.

Theo TBKTSG Online


Tin khác