Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, trong đó Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không còn phù hợp, kiên quyết không để thể chế, chính sách gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Tư pháp, rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý II năm 2017.
Đây quả là một tin vui, nhất là cho ngành nông nghiệp.
Ở Việt Nam, chính sách hạn điền từng được Hồ Quý Ly đề xuất, thực hiện từ năm 1397 (triều nhà Trần) và kéo dài trong suốt triều nhà Hồ.
Theo đó, thì trừ Đại vương và Trưởng công chúa là được sở hữu ruộng đất không hạn chế, còn lại, từ quý tộc cho đến thứ dân, đều chỉ được sở hữu tối đa 10 mẫu ruộng đất. Những diện tích đất vượt quá mức quy định đó đều bị sung công.
Chính sách đó đã góp phần làm hạn chế thế lực của tầng lớp quý tộc kiêm địa chủ đã được hình thành từ thời Trần, tập trung một số lớn ruộng đất vào tay Nhà nước, từ đó, Nhà nước có điều kiện tích tụ của cải để đáp ứng nhu cầu quốc dụng.
Sau một thời gian dài thực hiện cơ chế hành chính tập trung, quan liêu bao cấp, từ năm 1986, Đảng và Nhà nước ta chủ trương nền kinh tế thị trường, trong đó ruộng đất được giao lâu dài cho nông dân. Và để đảm bảo cho người nông dân giữ được ruộng đất ổn định để nuôi sống gia đình và đóng góp cho xã hội, ngăn cản nạn “địa chủ mới” lại tái hiện, Nhà nước đã ban hành chính sách hạn điền.
Theo đó, mỗi hộ nông dân chỉ được sử dụng tối đa một diện tích đất canh tác hay đất trồng cây lâu năm, đất làm muối... nào đó, theo quy định của luật. Điểm khác của chính sách hạn điền lần này với chính sách hạn điền của Hồ Quý Ly là ở chỗ : Nhà nước XHCN không tập trung ruộng đất vào tay mình, mà hạn điền chỉ là để đảm bảo công bằng cho người nông dân.
Thế nhưng, cùng với sự phát triển của xã hội và theo đà hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế, thì chính sách hạn điền đã không còn phù hợp nữa. Bởi muốn sản xuất nông nghiệp trở thành một nền sản xuất hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, thì bắt buộc phải sản xuất lớn. Mà muốn sản xuất lớn thì phải tích tụ ruộng đất. Nhưng tích tụ ruộng đất thì lại vướng chính sách hạn điền. Hạn điền đã trở thành điểm nghẽn, thành cái nút thắt lớn cản trở sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà.
Chính vì vậy, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi chính sách đất đai theo hướng tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền, là rất kịp thời và đúng đắn. Nghị quyết này chắc chắn sẽ mở đường cho ngành nông nghiệp nước nhà phát triển vượt bậc trong tương lai.
Theo Nông nghiệp Việt Nam