Nông sản Việt thu hoạch 10 hao hụt đến 4, vị chuyên gia này sẽ hiến kế khắc phục vấn nạn trên

09/03/2017

Chuỗi cung ứng rời rạc, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, khiến cho tốc độ ra thị trường của nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, bị chậm lại gây tổn thất. Ngoài ra chuỗi cung ứng lạnh chưa hoàn thiện, và thiếu sơ chế sau thu hoạch cũng góp phần vào tỷ lệ tổn thất cao lên tới 40% của nông sản Việt.

Đó là quan điểm của ông Julien Brun, Tổng Giám Đốc, CEL Consulting, công ty chuyên tư vấn về chuỗi cung ứng tại khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Brun, tốc độ ra thị trường là đặc biệt quan trọng đối với mặt hàng dễ hư hỏng như rau quả, trái cây, và thủy sản. Ông Julien Brun nhận định, hiện nay tốc độ ra thị trường của nông sản còn rất chậm là vì thương lái trực tiếp kiểm soát thu mua, gây ảnh hưởng lên nguồn cung và giá mua nông sản của doanh nghiệp. Không ít trường hợp thương lái có những động thái giữ hàng đẩy giá, khiến cho hàng hóa bị tồn lại ở khâu trung gian khá lâu dẫn đến hao hụt.

 

Về chuỗi cung ứng lạnh, các khoản đầu tư hiện nay hầu như được ưu tiên cho nông sản xuất khẩu, trong khi chuỗi nông sản tiêu thụ trong nước còn rời rạc, thậm chí bị gián đoạn ở nhiều khâu.

Trong quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, ông Julien đã chứng kiến những chuỗi cung ứng lạnh bị gián đoạn ở ngay bước cuối cùng khi mà hàng thực phẩm tươi sống được giao đến siêu thị, nhưng lại chưa được tổ chức để lưu kho lạnh, kho mát ngay mà còn phải chờ dưới nhiệt độ ngoài trời.

Ở các quốc gia phát triển, việc sơ chế nông sản ngay sau khi thu hoạch là một thực hành phổ biến với mục đích loại bỏ những phần không sử dụng trước khi nông sản được đưa vào vận tải. Điều này cho phép giảm khối lượng hàng hóa cần chuyên chở giúp giảm tỷ lệ hư hỏng. Thời điểm tối ưu nhất để thực hiện sơ chế là ngay sau khi thu hoạch. Tuy nhiên tại Việt Nam thì việc sơ chế sau thu hoạch vẫn còn khá thủ công và chưa thực hiện rộng rãi vì đa phần sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ.

Ý tưởng về chuỗi cung ứng nông nghiệp tương lai cho ĐBSCL

Với quan điểm của một chuyên gia chuỗi cung ứng, ông Julien chia sẻ về tương lai của ĐBSCL là "Tập trung hóa sản xuất, tập trung hóa thu mua, và tập trung hóa phân phối, giảm thời gian ra thị trường của nông sản, và đáp ứng quy mô cho nghiên cứu sáng tạo".

Hiện nay việc tập trung hóa sản xuất đang được triển khai thí điểm bằng mô hình "cánh đồng mẫu lớn" thiên về liên kết dọc, và mô hình "hợp tác xã" thiên về liên kết ngang.

Theo ông Julien, trong tương lai, việc tập trung hóa sản xuất trên diện rộng sẽ đòi hỏi kết hợp cả 2 mô hình. Khi đó hợp tác xã sẽ đóng vai trò quản lý và điều phối hoạt động sản xuất của nông dân và kiểm tra chất lượng xuyên suốt từ đầu vào và đầu ra.

Còn doanh nghiệp sẽ đóng vai trò định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu cho nông sản, và đầu tư phát triển kỹ thuật công nghệ. Ông Julien đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hợp tác xã đối với ngành nông nghiệp, và tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực quản lý để hợp tác xã trở nên thực tiễn hơn theo quan điểm của doanh nghiệp.

Tập trung hóa thu mua đòi hỏi xây dựng một mạng lưới thu mua nông sản trên toàn vùng ĐBSCL với các trung tâm thu mua và sơ chế tại từng tỉnh. Nông sản sau khi được thu mua và sơ chế tại các trung tâm cấp tỉnh sẽ được tập trung về một đại trung tâm logistics nơi mà sản phẩm sẽ được phân luồng để chế biến, đóng gói và bao bì.

Đối với mạng lưới thu mua này, việc đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh, kho hàng xá, trung tâm sơ chế và hệ thống vận tải đa phương thức bao gồm đường bộ và đường thủy nội địa là rất cần thiết.

Về vai trò của những thương lái hiện tại trong mô hình này, ông Julien cho rằng thương lái nên được tổ chức và đóng vai trò thuần túy là nhà cung cấp dịch vụ logistics cho nông sản chứ không còn giữ vai trò bán buôn như hiện nay. Với tài sản vận tải thủy-bộ sẵn có và am tường địa phương, những thương lái có một nền tảng rất tốt để phát triển thành những nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp.

Theo sau mạng thu mua là mạng phân phối tập trung bao gồm một đại trung tâm phân phối và nhiều chợ đầu mối cung ứng trực tiếp đến những điểm bán tại thị trường thành thị và nông thôn.

Hiện nay mô hình thu mua và phân phối tập trung đã rất phổ biến tại các nước phát triển như Pháp và trong tương lai sẽ rất cần thiết đối với Việt Nam. Việc tập trung hóa sản xuất, thu mua, và phân phối không chỉ nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng mà còn cho phép biến ĐBSCL thành một "trung tâm nghiên cứu sáng tạo" cung cấp quy mô tập trung để những ngành như công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm phát triển theo.

Theo Trí thức trẻ

 


Tin khác