Tích tụ ruộng đất nhưng không để nông dân chịu thiệt

25/03/2017

Mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất là hướng đi đúng giúp đổi mới phương thức sản xuất thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và thương hiệu. Thế nhưng, một số chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo, nếu làm không khéo rất có thể xảy ra tình trạng đất đai bị “đại gia” thao túng.

Những thách thức của sản xuất lúa, gạo

Tại hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” được tổ chức tại An Giang ngày 15-7-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một nước thiếu gạo ăn đã trở thành cường quốc xuất khẩu của thế giới. Một nền nông nghiệp với 3,8 triệu héc ta đất lúa, bị chia nhỏ làm 47-48 triệu mảnh ruộng, mà người nông dân làm được điều này quả là kỳ tích. Tuy nhiên, “kể cả sản xuất ba vụ/năm, lãi gộp cao nhất cũng chưa tới 30 triệu đồng/héc ta, cho nên, có thể nói ngay cả vựa lúa lớn nhất cả nước, người nông dân trồng lúa bao đời nay cũng chỉ lấy công làm lời”, Thủ tướng phân tích. Ông cho rằng sản xuất lúa gạo trong bối cảnh hiện nay gặp rất nhiều thách thức.

Thực trạng sản xuất nông nghiệp manh mún như hiện nay không thể nào cho phép đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao... 

Thách thức đầu tiên được Thủ tướng nêu là hiệu quả thấp, sử dụng nhiều lao động, vật tư và tài nguyên nước.

Thứ hai là khả năng cạnh tranh kém, chủ yếu dựa vào giá thấp, chất lượng không đồng đều, không có thương hiệu nổi trội, thậm chí hiện nay còn bị lấn sân ngay cả thị trường trong nước.

Thứ ba là về môi trường. “ĐBSCL nằm ở hạ nguồn sông Mêkông chảy qua nhiều quốc gia, diễn ra cạnh tranh sử dụng nước gay gắt, kỹ thuật canh tác cũ phát thải nhiều khí carbon, biến đổi khí hậu làm tăng xâm nhập mặn, hạn hán”, Thủ tướng dẫn chứng.

Thứ tư là quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến cho đất lúa giảm.

Cuối cùng là các nước nhập khẩu gạo tăng cường đầu tư, trợ cấp nông nghiệp để tự túc lúa gạo, khiến thị trường tiêu thụ ngày càng bị thu hẹp.

“Tôi nói những thách thức này để chúng ta biết và đặt vấn đề sản xuất lúa gạo trong bối cảnh toàn cầu và nhất là khu vực để có bài toán của chúng ta”, Thủ tướng nói.

Sửa hiến pháp để mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất

Xét về mặt kinh tế, theo Thủ tướng, lúa gạo vẫn là một trong số bảy, tám loại nông sản chiến lược mà Việt Nam có lợi thế hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh. “Nếu chúng ta sản xuất lớn, áp dụng công nghệ, quản lý phù hợp và tiếp thị tốt, thì hiệu quả kinh tế ngành lúa còn điều kiện tăng nhiều lần so với hiện nay”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng nhấn mạnh ngành lúa, gạo Việt Nam đang đứng trước giờ “G” của công cuộc đổi mới. Vì vậy, cần một tầm nhìn mới đi kèm với những hoạch định chiến lược phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người nông dân.

Vậy làm sao để thực hiện được tầm nhìn này?

 

Theo Thủ tướng, phải điều chỉnh quy mô sản xuất bằng cách mở rộng hạn điền một cách phù hợp. Mở rộng hạn điền phải thực hiện bồi thường thỏa đáng cho dân khi thu hồi đất.

Thủ tướng khẳng định cần phải điều chỉnh quy mô sản xuất bằng cách mở rộng hạn điền một cách phù hợp. “Tôi đề nghị bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường phải sớm trình phương án lên Chính phủ để báo cáo Quốc hội điều chỉnh, sửa Hiến pháp và trước hết là có chính sách phù hợp để mở rộng hạn điền”, ông chỉ đạo.

Cũng theo Thủ tướng, mở rộng hạn điền phải thực hiện bồi thường thỏa đáng cho dân khi thu hồi đất trên tinh thần là khuyến khích mạnh mẽ hơn xây dựng cánh đồng lớn.

Việc thứ hai trong chính sách hạn điền, theo Thủ tướng là đẩy mạnh khuyến khích đầu tư tư nhân vào nông nghiệp. “Có mấy việc cần phải thực hiện là mở rộng quyền sử dụng đất và bảo hộ quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp tư nhân. Ngân hàng Nhà nước phải nới rộng khả năng tín dụng, tăng hạn mức cho vay. Các bộ, ngành rà soát, sửa đổi và bổ sung một số quy định không còn phù hợp như Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo, Nghị định 35 về quản lý sử dụng đất lúa...”, ông chỉ đạo tiếp.

Làm sao nông dân không bị thiệt?

Liên quan câu chuyện tích tụ ruộng đất, tại hội thảo “Doanh nghiệp nông thủy sản đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến động kinh tế thế giới 2017” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 7-3-2017, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho biết ông rất ủng hộ chủ trương cho tích tụ ruộng đất vì thực trạng sản xuất nông nghiệp manh mún như hiện nay không thể nào cho phép đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao...

Nhưng ông Dũng đặt câu hỏi “Khi tích tụ như vậy, đất đai sẽ về tay ai?”. Ông Dũng cho biết mình đã thấy các đại gia không phải giàu bằng trí óc, bằng nỗ lực, bằng công nghệ, mà lại bằng thâu tóm, bằng đi sân sau. “Vậy thì khi hết đất đai ở đô thị, sẽ đến đất đai nông thôn. Rồi quốc gia này của ai, có còn của người dân này hay không. Đấy là vấn đề tôi lo lắng nhiều”, ông Dũng nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng sản xuất nông nghiệp phải có thương hiệu, mà thương hiệu lại được định hình từ sản phẩm có chất lượng, tức là phải sản xuất quy mô lớn, phải tích tụ ruộng đất. “Nhưng không thể để cho đại gia lấy hết đất ở thành phố rồi bây giờ chiếm đất ở nông thôn nữa”, ông Doanh nhấn mạnh.

Theo ông Doanh, ở Đài Loan, họ sẵn sàng chấp nhận cho tích tụ đất, nhưng họ bắt theo luật, tức là người nông dân có đất nằm trong khu vực tích tụ phải trở thành cổ đông của công ty để cho người nông dân ấy có thu nhập suốt đời. “Họ chỉ chi trả cho người nông dân một số tiền đủ sống thôi, còn lại toàn bộ số tiền đấy họ bắt ông nông dân phải để dành, để có thể sống được suốt đời”, ông Doanh nói.

Trao đổi với TBKTSG trước đó, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, khẳng định muốn phát triển nông nghiệp phải dỡ bỏ được rào cản về hạn điền, phải nhận thức hạn điền “một mặt muốn bảo vệ những người nông dân, tránh tình trạng mất đi tư liệu sản xuất, nhưng hiện nay đặt trong bối cảnh hội nhập, thì phải thay đổi cho phù hợp”.

Theo ông Hiệp, quá trình thay đổi đó, người nông dân phải làm sao trở thành doanh nhân nông nghiệp để thực sự trở thành những người chủ, chứ không phải đi làm thuê. “Những doanh nhân nông nghiệp đó có thể có cổ phần trong công ty cổ phần nông nghiệp bằng đất đai, vốn hay họ tự tổ chức thành một doanh nghiệp trong nông nghiệp”, ông cho biết.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cho rằng đất đai là sở hữu toàn dân và Chính phủ trao quyền sử dụng đất cho nông dân, doanh nghiệp. “Nhưng, cái quyền sử dụng đó phải được coi là tài sản để trong thời gian Chính phủ trao quyền sử dụng, người ta được toàn quyền trên thửa đất của mình, được quyền làm sao giữ được lợi ích tốt nhất của họ. Khi đó, nếu nông dân bị gom đất hoặc doanh nghiệp muốn tích tụ đất lại, thì phải tôn trọng người có tài sản đó là nông dân, chứ không phải gom lại bằng cách “ép” để người ta thua thiệt như hiện nay”, bà Lan nói.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn


Tin khác