Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Chưa tương xứng tiềm năng

01/04/2017

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, con số dưới 1% đầu tư của doanh nghiệp (DN) vào nông nghiệp, nông thôn thể hiện sự hạn chế, thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành.

Lợi nhuận cây trồng ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng hiện đạt 40%doanh thu. 

99% dự án FDI về nông nghiệp thành công

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Ban thư ký Đối tác phát triển bền vững (PSAV), Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Có tới 99% số dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) trong ngành nông nghiệp được thực hiện thành công nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 2,6% trong tổng đầu tư FDI.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, số DN đầu tư vào nông nghiệp tăng từ 2.397 DN năm 2007 lên 3.640 DN năm 2015, 9 tháng đầu năm 2016 là 4.080 DN cho thấy sự nỗ lực của cả Chính phủ và DN trong lĩnh vực nông nghiệp. Đã có nhiều nhà đầu tư thành công về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương và nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn vào con số dưới 1% đầu tư của DN vào nông nghiệp, nông thôn cho thấy, sự đầu tư còn nhiều hạn chế, thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 2016 được đánh giá là năm bứt phá khá ấn tượng của ngành nông nghiệp, song nhiệm vụ chiến lược trong việc thu hút vốn FDI lại chưa được như kỳ vọng, dòng vốn ngoại chảy vào ngành vẫn rất nhỏ giọt, ít ỏi. Cụ thể, trong11 tháng năm 2016, cả nước có gần 550 dự án FDI nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, ngư nghiệp), với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD, chiếm 2,4% số dự án và 1,2% tổng vốn đầu tư trong tất cả các lĩnh vực. Quy mô vốn trung bình của dự án FDI trong nông nghiệp vào khoảng 6,7 triệu USD/dự án. Thống kê trên chỉ ra rằng, tỷ trọng vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang tăng nhẹ kể từ năm 2012 với 0,6%, năm 2013 với 0,8%, năm 2014 là 0,5%, năm 2015 với 1% và hơn 1,2% năm 2016.

Quý I năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới về FDI tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. FDI vào nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư so với tiềm năng vốn có của nông nghiệp Việt Nam.

Mặc dù vậy, nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, nông nghiệp vẫn là một trong những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế thu hút vốn FDI vào Việt Nam hơn cả. Theo ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT), có một thực trạng là việc phân bố dòng vốn vào ngành nông nghiệp hiện chưa đồng đều, vẫn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, dòng vốn FDI vào các lĩnh vực chế biến nông sản và thủy sản còn rất hạn chế.

Học làm nông nghiệp từ Israel để thu hút FDI

Theo bà Hạnh: “Để phát triển nông nghiệp, Việt Nam cần học hỏi công nghệ từ Israel”.

Israel là một trong những nước xuất khẩu thực phẩm tươi sống lớn trên thị trường thế giới và là quốc gia đứng đầu về kỹ thuật nông nghiệp dù hơn 50% diện tích đất là sa mạc và khí hậu nơi đây khá khô cằn, thiếu nước. Israel chỉ có khoảng 20% diện tích đất đủ điều kiện thích hợp làm nông nghiệp. Bất chấp điều đó, ngành nông nghiệp vẫn chiếm 2,5% GDP và 3,6% kim ngạch xuất khẩu. Dù chỉ có 3,7% tổng lực lượng lao động làm trong ngành nông nghiệp nhưng Israel vẫn có thể cung cấp 95% nhu cầu lương thực trong nước. Hơn nữa, phần lớn những loại thực phẩm phải nhập khẩu là những loại sản phẩm phụ như đường, ca cao, cà phê...

Tổng thống Israel Reuven Rivlin thăm Dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Kể từ khi Israel được thành lập, sản lượng nông nghiệp của nước này đã tăng trưởng gấp 15 lần, cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng dân số. Đây là con số đáng ngạc nhiên khi quốc gia này có lượng mưa khá thấp.

Số đất làm nông nghiệp của Israel cũng tăng trưởng mạnh từ 30.000ha năm 1948 lên 190.000ha hiện tại. Với công nghệ nông nghiệp hiện đại, số lao động trong ngành này và số nước cần dùng cho tưới tiêu ngày một giảm.

Ngành nông nghiệp của Israel được xây dựng theo 2 mô hình là hợp tác xã (kibbutz) và làng nông nghiệp (moshav). Theo đó, mô hình kinh doanh hợp tác xã có sở hữu chung về phương tiện sản xuất cũng như sản phẩm. Trong khi đó, mô hình làng nông nghiệp có hoạt động sản xuất riêng từng hộ nhưng lại hợp tác chung về thương hiệu và các hoạt động thu mua nguyên liệu.

Với phần lớn diện tích đất là sa mạc hay khô cằn, chênh lệch nhiệt độ ngày-đêm lại khá cao (từ 10-20 độ) nên việc sản xuất nông nghiệp tại Israel vô cùng khó khăn. Nhưng với những kỹ thuật tiên tiến và chính sách khai hoang, tháo nước đầm lầy khôn ngoan, người dân quốc gia này đã tạo nên điều thần kỳ ở Trung Đông.

Nông dân Israel đã áp dụng thành công 12 kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp: Công nghệ tưới nhỏ giọt; kén tồn trữ lương thực; kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học; công nghệ chăn nuôi bò sữa công nghiệp; nông nghiệp trực tuyến; giống khoai tây có thể trồng ở những nơi khắc nghiệt; công nghệ tưới nước nhỏ giọt từ không khí; công nghệ bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường; nuôi cá trong sa mạc; sản xuất thực phẩm từ khí nhà kính; nhân giống cá chép châu Phi; hạt giống chất lượng cao cho mùa vụ bội thu.

Nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững trong tương lai, trong chuyến  thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Israel, Reuven R.Rivlin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Israel xem xét cung cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam, đặc biệt là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn, nguồn nhân lực, quản lý rủi ro và thiên tai, là những lĩnh vực mà Israel có nhiều kinh nghiệm.

Thủ tướng cũng mong muốn Israel hỗ trợ nhiều hơn về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thế mạnh của Israel như nông nghiệp, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ… Đề nghị Israel xem xét khả năng khởi động đàm phán hiệp định hợp tác lao động. Trước mắt đề nghị Israel tiếp tục thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và các ngành nghề có nhu cầu tại Israel. 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/03/2017, cả nước có 23.071 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 300,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ĐTNN ước đạt 158,45 tỷ USD, bằng 49,3% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Cần có nghị định khuyến khích FDI

Hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp của Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đối với định hướng thu hút vốn FDI vào nông nghiệp, Bộ sẽ ưu tiên tập trung 4  lĩnh vực tạo đột phá cho phát triển của ngành mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Thứ nhất là sản xuất và phát triển giống cây trồng, vật nuôi, bao gồm giống rau, hoa, ngô, lúa lai; các giống vật nuôi chính như bò, lợn, gia cầm (gà thịt, gà đẻ trứng); sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu trồng cây gỗ lớn. Trong lĩnh vực thủy sản, tập trung nghiên cứu và sản xuất bằng được giống tôm thẻ chân trắng.

Thứ hai là sản xuất nguyên vật liệu phụ trợ tạo giá trị gia tăng cao, sản xuất thức ăn bổ sung phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi; công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi; sản xuất thiết bị chuồng trại chăn nuôi; thiết bị giết mổ (tự động) và thiết bị chế biến sữa; sản xuất thiết bị, dụng cụ để sản xuất thuốc thú y; dụng cụ, thiết bị, hóa chất để chẩn đoán, xét nghiệm;…

Thứ ba là chế biến sâu nông - lâm - thủy sản để sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, cụ thể: sản phẩm chế biến từ lúa gạo; bảo quản, chế biến rau quả phục vụ xuất khẩu; chế biến sâu các sản phẩm từ sắn; công nghệ chế biến ướt cà phê, chế biến cà phê hòa tan, lên men và chế biến ca cao; xây dựng nhà máy sản xuất đồ uống công nghiệp từ chè (đóng lon, chai...);…

Cuối cùng, ngành nông nghiệp sẽ tạo cơ chế để các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế dần các loại thuốc được sản xuất từ các hóa chất công nghiệp, sản xuất các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…

Để thu hút mạnh dòng vốn FDI vào nông nghiệp, mong các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện những chính sách phù hợp.

 

“Nhìn chung trên thế giới, FDI vào nông nghiệp không phải quá nhiều. Có hàng loạt lý do, cả với các nước thu hút FDI vào nông nghiệp nhiều nhất như Agentina thì tỷ lệ vốn FDI trong tỷ lệ vốn đầu tư vào nông nghiệp cũng chỉ được 5%. Con số này ở Việt Nam xung quanh 4%.

Câu chuyện chính là thu hút FDI vào nông nghiệp để làm gì, làm sao để tận dụng được những lợi thế như công nghệ, thị trường, liên doanh tăng quy mô..., những việc đó cần chính sách, ưu tiên cụ thể. Theo tôi, điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao để phát huy hữu dụng nhất tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam cũng như nối kết doanh nghiệp trong nước với người nông dân chứ không phải thu hút FDI bằng mọi giá”.

Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Nguyễn Đỗ Anh Tuấn.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác