Cách mạng 4.0 và bài toán lao động

11/05/2017

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, giúp tăng năng suất lao động, tạo ra việc làm mới, cải tiến sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh… Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng đặt ra bài toán lớn đối với thị trường lao động tại các nước, trong đó có Việt Nam, vì nó sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu công việc trong thời gian sắp tới.

Chủ đề này đã được thảo luận trong buổi Đối thoại chính sách cao cấp APEC 2017 về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số được tổ chức ngày hôm nay 11-5 tại Hà Nội.

Phụ nữ, lao động giản đơn bị ảnh hưởng nhất

Tại buổi đối thoại, ông Phú Huỳnh, chuyên gia về lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho hay, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động mạnh mẽ, với tốc độ chưa từng thấy đối với thị trường lao động, trong đó các quốc gia thành viên APEC không ngoại lệ. Những công nghệ đang dần xâm nhập vào quá trình sản xuất và làm thay đổi cơ cấu thị trường lao động trong thời gian qua như tự động hoá robot, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật kết nối, công nghệ in 3-D….

Thực tế, tỉ lệ dân số sử dụng Internet đã tăng chóng mặt trong hơn 15 năm qua. Theo số liệu của ILO, nếu như năm 2000, tỉ lệ dân số sử dụng Internet của Việt Nam chỉ khoảng vài % thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên hơn 55%. Đối với các quốc gia thành viên phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Canada, con số này còn lên tới gần 95% dân số sử dụng Internet. Bên cạnh đó, tốc độ áp dụng tự động hoá trong sản xuất cũng tăng nhanh trong thời gian qua.

Theo bài trình bày của ILO, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hoá cao nhất, sau Trung Quốc, chiếm tới gần 70% vị trí việc làm.

Thực tế, cũng theo báo cáo mới công bố của ILO, ước tính 86% lao động trong ngành dệt may - da giày và 75% lao động trong ngành điện tử của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tự động hóa cao do những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật. Đây cũng là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất ở Việt Nam hiện nay.

Việt Nam vẫn chưa phải chứng kiến tác động của công nghệ tại nơi làm việc ở mức độ tương tự như một số nước láng giềng khác tiến bộ hơn. Điều này chủ yếu là do chi phí nhân công cạnh tranh cùng với chi phí đầu tư khá lớn vào công nghệ. Tuy nhiên, những sáng kiến như tự động hóa bằng robot đã bắt đầu thâm nhập vào các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm cả ngành dệt may - da giày và ngành sản phẩm điện - điện tử.

Theo ông Huỳnh, phụ nữ và lao động không có kỹ năng sẽ là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi tự động hoá.

Cần sự phối hợp

Tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của Navigos Search cho hay, năng lực tiếng Anh của người tìm việc vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà tuyển dụng.

Lấy lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) làm ví dụ, nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư IT rất lớn trong khi nguồn cung nhân lực không thể đáp ứng đủ, cả về số lượng và chất lượng. Thị trường vừa thiếu lao động, lại vừa thiếu cả những lao động giỏi về chuyên môn và giỏi ngoại ngữ. “Do quá cần kỹ sư IT giỏi ngoại ngữ mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải thay đổi cả quy trình tuyển dụng, khi ưu tiên tuyển kỹ sư giỏi tiếng Anh trước rồi mới đến tuyển về chuyên môn”, bà Mai nói.

Bên cạnh đó, khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), sự “chảy máu chất xám” bắt đầu mạnh mẽ hơn, đặc biệt đối với nguồn nhân sự cấp trung và cấp cao. Ngày càng có nhiều nhân sự giỏi trong một số ngành như IT, kế toán/kiểm toán có những cơ hội dịch chuyển việc làm tốt tại các nước trong khu vực.

Cũng tại buổi Đối thoại này, bà Kim Lê, Giám đốc Nhân sự Toàn Quốc của ManpowerGroup Việt Nam lại có cái nhìn lạc quan hơn: “Chúng tôi cho rằng tương lai của việc làm không nhất thiết phải là sự đánh đổi giữa con người và máy móc, sự phát triển của kỷ nguyên số là cơ hội để các chính phủ có thể tạo nhiều việc làm mới hơn”.

Theo ManpowerGroup, công nghệ đang tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các mô hình mới có thể giúp giải quyết những vấn đề trong thị trường lao động hiện tại, ví dụ như sự ra đời của nền kinh tế tự do “gig economic” với hàng nghìn việc làm ngắn hạn được tạo ra thông qua việc hình thành các start-up công nghệ như Uber, Lyft, AirBnB, Grab,...

“Xét về mặt tích cực, trí tuệ của con người kết hợp cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mới sẽ làm cho thế giới của chúng ta ngày càng trở nên thịnh vượng hơn”, bà Lê nói.

Để nắm bắt được cơ hội cũng như hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ số, theo ManpowerGroup, nâng cao khả năng nguồn nhân lực đúng người, đúng lúc và theo những phương pháp phù hợp là điều cần thiết. Điều này đòi hỏi nỗ lực bền bỉ, liên tục và sự đầu tư bài bản, chiến lược để phát triển nguồn lực con người từ việc đào tạo và tái đào tạo, bổ sung và đổi mới kỹ năng cùng kiến thức...

Còn theo Navigos Search, cần có các quy định để hỗ trợ doanh nghiệp trong các chính sách đào tạo nhân viên cũng như xây dựng các hướng dẫn về định hướng và khuyến khích chuyển dịch lao động trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN…

Ở tầm vĩ mô hơn, ông Huỳnh cho rằng các quốc gia thành viên APEC nên thực hiện các nghiên cứu chung, chia sẻ kiến thức, giám sát các chỉ số thị trường việc làm…Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo.

Đối thoại cao cấp về lao động diễn ra từ 11 đến 15-5. Sẽ có một số hội thảo bên lề được tổ chức như: Hội nghị về thông tin thị trường lao động trong kỷ nguyên số; Hội nghị thúc đẩy an sinh xã hội trong APEC; Hội nghị trù bị cho cuộc Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và Hội nghị nhóm công tác về phát triển nguồn nhân.

 


http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/159968/

Tin khác