Nâng hạn điền có phải là chìa khóa vạn năng?

03/04/2017

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, việc nâng hạn điền, tích tụ ruộng đất phải làm rất thận trọng, nếu không sẽ khiến nông dân rơi vào cảnh bần cùng hóa.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa Xuân 2017 được tổ chức ngày hôm 28-3 tại Hà Nội.

Nâng hạn điền, tích tụ ruộng đất phải làm rất cẩn trọng nếu không sẽ phát sinh các vấn đề xã hội 

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, thành viên Liên minh Nông nghiệp, cho hay gần đây các hội thảo nói nhiều về nới hạn điền và cho rằng với hạn điền này không thể tích tụ ruộng đất, không thể có cánh đồng lớn; thậm chí có những địa phương, chính quyền đi cùng doanh nghiệp thỏa thuận đất với nông dân…

Thực tế, theo bà Minh, có hạn điền nhưng vẫn có thể tích tụ được ruộng đất. Ví dụ như ở Bình Phước có doanh nghiệp có tới 250 héc ta đất trồng điều; ở Bình Thuận, mỗi hộ sản xuất có vài chục héc ta trồng thanh long là bình thường. Hay tập đoàn Minh Phú còn thuê 1.000 héc ta đất để nuôi tôm và cá rô phi. Hội nuôi tôm Mỹ Thanh, xã viên của hợp tác xã đều là các đại gia nuôi tôm và có vài chục héc ta.

“Có phải hạn điền là mấu chốt để tích tụ ruộng đất không? Nếu không phải thì nó là gì?”, bà Minh băn khoăn và lo ngại việc lấy đất có thể gây tới việc bần cùng hóa nông dân.

Cũng tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay, các nhà làm luật cần chú ý đến quyền bảo vệ tài sản của nông dân trong quá trình tích tụ ruộng đất.

“Chúng tôi đến ĐBSCL thấy có người có 10 công đất, hai con đi học ở thành phố về xin chuyển 4 công đất để khởi nghiệp thành doanh nghiệp. Như vậy gia đình này phải thực hiện thủ tục chuyển đổi đất, khi đó, đất mà gia đình canh tác bao lâu nay giờ lại biến thành đất nhà nước và phải ký thuê lại đất với hạn mức là 20 năm”, ông Doanh lấy ví dụ và cho hay: “Nếu không xử lý tốt thì quyền tài sản của nông dân sẽ mai một. Tích tụ ruộng đất phải bảo vệ quyền và lợi ích cho người nông dân”.

Theo ông Doanh, kinh nghiệm ở Đài Loan cho thấy, người nông dân tham gia góp đất thì họ trở thành đồng sở hữu của công ty, họ là cổ đông và quyền tài sản đất đai được bảo đảm lâu dài. Do đó, cần tránh việc tích tụ ruộng đất thành việc biến đất nông nghiệp vào tay một số doanh nghiệp lớn và điều này sẽ dẫn tới mất ổn định về xã hội.

Ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay hiện nay có một số địa phương xé rào, đứng ra đàm phán với nông dân để thu hồi đất và cho doanh nghiệp thuê lại. Điều này, theo ông Thịnh, nếu chính quyền tốt thì không sao nhưng nếu chính quyền không tốt thì có thể người chịu thiệt hại chính là nông dân. Theo đó, nên quan niệm đất là tài sản của người dân, đối xử về quyền đó như là một tài sản bình thường, được chuyển nhượng và theo cơ chế thị trường, để thị trường quyết định.

Nếu coi quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa thì nó phải được phản ánh giá trị thực, khi đó người dân dùng dất, vay vốn ngân hàng thì đất đó sẽ được vốn hóa. Vốn đó được tham gia vào sản xuất tạo hiệu quả kinh doanh. “Đây là cách lý giải cho bài toán chung về cơ chế thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu không chúng ta sẽ loay hoay với việc làm thế nào đưa cơ chế thị trường vào phát triển nông nghiệp”, ông Thịnh nói.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương lấy ví dụ về cách làm của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Công ty này đã liên kết khoảng 60.000 héc ta đất của hộ nông dân để sản xuất các loại giống lúa chất lượng cao, có những loại có giá tới 14 đô la Mỹ/kg. Đây mới là vấn đề của ngành nông nghiệp, tức phải tập trung đất đai và kết nối với nông dân để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

Theo TBKTSG Online


Tin khác