Do biến động không ổn định về giá nên nhiều mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản giảm mạnh, đơn cử như gạo giảm 8,8%, hạt tiêu giảm 24,3%. Riêng mặt hàng sắn giảm 19,8% về lượng và giảm 1,2% về giá.
|
Vải thiều của tỉnh Bắc Giang được chiếu xạ tại Hà Nội để xuất khẩu sang Australia. |
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 10,8 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông, lâm, thuỷ sản tháng 4/2017 ước đạt 2,9 tỷ USD, đưa tổng giá trị XK 4 tháng đầu năm 2017 đạt 10,8 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị XK thuỷ sản ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 8,2%; giá trị XK các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 12,1%.
Trong số các mặt hàng nông sản XK, rau quả là ngành hàng có sự gia tăng mạnh về khối lượng XK. Theo đó, tháng 4/2017, kim ngạch XK rau quả ước đạt 313 triệu USD, đưa khối lượng XK mặt hàng rau quả 4 tháng đầu năm ước đạt 1 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của rau quả Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2017, chiếm 82,9% tổng giá trị XK hàng rau quả.
Chè cũng là ngành hàng có sự gia tăng XK cả về lượng và giá trị. Theo đó, khối lượng XK chè tháng 4/2017 ước đạt 10.000 tấn với giá trị đạt 15 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 38.000 tấn, kim ngạch đạt 55 triệu USD, tăng 16,6% về khối lượng và tăng 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Trong số các mặt hàng nông sản XK, cà phê, cao su, hạt điều là những ngành hàng có sự sụt giảm về khối lượng nhưng gia tăng về giá trị XK trong 4 tháng đầu năm. Theo đó, XK cà phê 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 592.000 tấn và 1,34 tỷ USD, giảm 10,6% về khối lượng nhưng tăng 19,2% về giá trị. XK cao su 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 301.000 tấn và 611 triệu USD, giảm 5,4% về khối lượng nhưng tăng 66% về giá trị. Khối lượng hạt điều XK tháng 4/2017 ước đạt 23.000 tấn với giá trị 220 triệu USD, đưa khối lượng XK hạt điều 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 79.000 tấn và 735 triệu USD, giảm 13,1% về khối lượng nhưng tăng 7% về giá trị.
Gạo là ngành hàng giảm cả về lượng và giá trị XK. Theo đó, khối lượng gạo XK tháng 4/2017 ước đạt 573.000 tấn với giá trị đạt 269 triệu USD, đưa khối lượng XK gạo 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,86 triệu tấn và 834 triệu USD, giảm 7,7% về khối lượng và giảm 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 4/2017 ước đạt 2,18 tỷ USD, đưa giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 8,52 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ước tính nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 6,44 tỷ USD, tăng khoảng 28,5%.
Nhập khẩu thịt không ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 4 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng mạnh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tăng mạnh hơn, ở mức 29,4%, trong khi xuất khẩu tăng 15,4%. Chính vì vậy, tính chung 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu khoảng 2,74 tỷ USD, bằng khoảng 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trả lời báo chí trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua về việc liệu có phải do nhập khẩu thịt lợn và các mặt hàng liên quan làm ảnh hưởng đến tiêu thụ các sản phẩm này trong nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “Cả năm 2016, Việt Nam nhập 39.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn từ các nước EU, Australia, Hoa Kỳ, Canada, Liên bang Nga… Như vậy, về kim ngạch chỉ đạt 44 triệu USD, bằng 0,1% sản lượng tiêu thụ thịt lợn trong nước”.
Do đó, có thể khẳng định, việc nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn không ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước. Nếu vào các siêu thị sẽ thấy các sản phẩm nhập khẩu có giá đắt hơn nhiều so với các sản phẩm thịt lợn sản xuất trong nước.
Sẽ cân bằng cung - cầu thị trường thịt lợn trong 2-3 tháng tới
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn: Hiện, Bộ đã công khai nhiều giải pháp trước mắt, vì vậy, những ngày qua giá thịt lợn hơi đã tăng lên và có mức tăng bình quân so với thời điểm thấp nhất khoảng trên 5.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Ở các siêu thị, so với cách đây 10 ngày thì giá bán thịt lợn cũng đã giảm, nhiều doanh nghiệp cung ứng cho các siêu thị lớn như Big C, Saigon Co.op… đã giảm giá bán 10-20%.
Do những cố gắng của tất cả các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp nên trong thời gian qua, lượng tiêu thụ thịt lợn tăng đáng kể. Điều này cũng góp phần làm giá thịt lợn hơi về cơ bản tương đương giá thành sản xuất.
Bộ sẽ cố gắng giải quyết trong thời gian tới để cân bằng lại cung-cầu trong khoảng 2-3 tháng nữa.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cũng đưa ra 3 giải pháp:
Thứ nhất, phải giải quyết tốt quan hệ cung-cầu, đồng thời rà soát để bảo đảm tổng đàn lợn, quy mô đàn có cơ cấu hợp lý. Trước mắt, Bộ đang có các giải pháp để kiểm soát lợn nái, đồng thời nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ hai, tổ chức liên kết chuỗi. Như vậy, một số cơ chế chính sách sẽ đề xuất với Chính phủ có thay đổi. Tuy nhiên, quan điểm chung là không có việc hỗ trợ trực tiếp mà hỗ trợ thông qua chuỗi và theo tín hiệu của thị trường.
Thứ ba, giải quyết vấn đề mở thị trường, ở đây là thị trường Trung Quốc. Những năm trước, Trung Quốc là thị trường xuất, nhập khẩu theo tiểu ngạch rất lớn với thịt lợn của chúng ta. Năm nay, trong 4 tháng đầu năm, lượng này chỉ còn dưới 10% so với năm ngoái, vì vậy cũng ảnh hưởng đến tiêu thụ lợn.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân giá lợn giảm và có giải pháp khẩn trương khắc phục. Trong đó, khâu giết mổ, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, thị trường, siêu thị thế nào mà để người chăn nuôi thiệt hại quá lớn. Rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý. Tinh thần là không được để xảy ra những trường hợp tương tự. Các bộ chức năng cần đẩy mạnh đàm phán tìm thị trường cho chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm từ lợn, cả khu vực biên mậu và chính ngạch. Ngành ngân hàng cần rà soát, có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ. Có biện pháp hỗ trợ các cơ sở chế biến tăng cường thu mua, chế biến sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu.
Hiện, giá cả thị trường nông sản nói chung là một khâu yếu, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và tập trung khắc phục. Về lâu dài, cần triển khai các giải pháp hạ giá thành sản xuất, tăng cường chế biến sâu; điều chỉnh quy mô và cơ cấu chăn nuôi phù hợp với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị. Các bộ cần rà soát, đánh giá, làm rõ những điểm còn bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, nhất là về quy hoạch, kế hoạch, hệ thống thông tin giá cả, thị trường… không để tình trạng người nông dân bị động chạy theo thị trường dẫn đến thua thiệt lớn như trong nuôi lợn hiện nay. Hiện nay, chúng ta đang có chủ trương đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, đây là chủ trương đúng đắn nhưng cần đặc biệt chú ý thị trường tiêu thụ để phát triển hiệu quả, bền vững.
Nhóm hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang 22 thị trường trên thế giới, nhưng riêng thị trường Trung Quốc chiếm tới 74,6% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả các loại của Việt Nam, với 174,2 triệu USD.
Đứng sau thị trường Trung Quốc là các thị trường: Hoa Kỳ 8,2 triệu USD, tăng trưởng 5,2% so với tháng 1/2016; Nhật Bản đạt trên 6 triệu USD, tăng 28,5%; Thái Lan 5,7 triệu USD, tăng 7,5%; Hàn Quốc 5,6 triệu USD, giảm 2,4%: Malaysia 4,5 triệu USD, tăng 51,9%...
Nhìn chung, trong tháng đầu năm 2017, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường truyền thống vẫn tăng trưởng tốt so với tháng đầu năm 2016; trong đó đáng chú ý là xuất sang thị trường Nga tăng trưởng mạnh tới gần 115% về kim ngạch so với tháng 1/2016, đạt 3,15 triệu USD.
Hiện rau quả Việt Nam đã vươn tới gần 60 thị trường trên thế giới. Riêng vải thiều, chôm chôm, thanh long, xoài, nhãn… đã hiện hữu tại những thị trường lớn rất khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt, gần đây, 5 mặt hàng rau quả Việt Nam đã vượt qua hàng rào kỹ thuật đi tới 4 thị trường mới: Xoài đi Úc, thanh long sang Đài Loan (Trung Quốc), nhãn và vải tới Thái Lan.
Để xuất khẩu được vào những thị trường này, chất lượng rau quả phải đáp ứng tốt các điều kiện kiểm soát về dịch hại rất ngặt nghèo. Chẳng hạn, riêng trong năm 2016, các đơn vị thuộc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã kiểm dịch trên 10.500 tấn hoa quả tươi xuất khẩu đi các thị trường khó tính, tăng gần gấp hai lần so với năm 2015. Điều này cho thấy chất lượng trái cây Việt Nam ngày càng được cải thiện, được người tiêu dùng ở các nước phát triển chấp nhận.
|
Theo Kinh tế nông thôn