Phải thống nhất về chính sách Nhà nước
Cho ý kiến về chính sách Nhà nước cho hoạt động thủy lợi, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) dẫn chứng: Hiện trạng thủy lợi nước ta với 904 hệ thống thủy lợi lớn và vừa, gần 7.000 hồ các loại, hơn 10.000 đập dân, với hàng nghìn km đê biển. Trong đó có nhiều công trình mới nhưng cũng có nhiều công trình đã xuống cấp cần nguồn vốn lớn để duy tu, bảo dưỡng và phát triển.
Dự án Luật có 8 khoản chính sách, trong đó, 2 khoản quy định ưu tiên, ưu đãi, 5 khoản quy định hỗ trợ và 1 khoản quy định khuyến khích. Với nội dung như vậy, dường như vẫn xác định vai trò đầu tư của Nhà nước là chính, chưa thể hiện được định hướng căn bản trong chính sách, phương thức quản lý đối với hoạt động thủy lợi. Do đó, cần bổ sung một khoản trong chính sách là: đa dạng hóa các hình thức đầu tư, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi. Quy định như vậy nhằm để tương thích với một số điểm đã quy định về dịch vụ thủy lợi tại Chương 5: Quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Vân (Yên Bái), tại Điều 5 chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy lợi tại Khoản 1 điều này có quy định ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi quan trọng, đặc biệt công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi ở đồng bào dân tộc miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Như vậy, chỉ ưu tiên cho các công trình mới còn các công trình đang có tác dụng tốt trong công tác thủy lợi, nhưng sau một thời gian sử dụng đã xuống cấp, hay các công trình đang được đầu tư có tính khả dụng rất cao nhưng bị kéo dài thời gian do thiếu vốn vì một lý do nào đó bị bỏ dở thì không được quy định trong luật. Mặt khác, đối với các công trình này nếu được sửa chữa kịp thời, bổ sung vốn để hoàn thiện các công trình đang dở dang sẽ bớt đi xây dựng những công trình mới chưa cần thiết, tránh được lãng phí về tiền của, công sức của nhân dân và những bức xúc trong cộng đồng xã hội. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm cụm từ quy định là: “Cần ưu tiên sửa chữa các công trình có tác dụng tốt nhưng đã xuống cấp hoặc thiếu vốn, bị bỏ dở” vào Khoản 1 điều này.
Nên hỗ trợ nông dân trực tiếp sản xuất
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình), cho rằng, Quốc hội cần nghiên cứu để có quy định khả thi về cơ chế hỗ trợ giá dịch vụ sử dụng dịch vụ thủy lợi, cách tiếp cận trong luật là không khả thi và chi phí để tuân thủ quy định này còn cao hơn hiệu quả chúng ta đạt được. Hai khía cạnh, một là chúng ta tiếp cận theo đối tượng sản xuất lúa màu hay cây lương thực, như vậy không ổn, vì các đối tượng này luôn canh thường xuyên, có thể trồng rau, có thể cấy lúa, vậy lúc nào miễn, lúc nào hỗ trợ.
Hơn nữa, tiếp cận theo hoàn cảnh kinh tế và dân tộc thiểu số rất khó khăn, vì thế nào là nghèo, cận nghèo biến động thường xuyên, vùng đặc biệt khó khăn cũng biến động thường xuyên phải rà soát. Còn dân tộc thiểu số cũng tương tự như vậy, nếu người dân tộc thiểu số kết hôn với người đa số thì sao, trong gia đình đó ai được miễn, việc này phân loại từ xóm, từ xã. Cho nên cách tiếp cận trong luật không khả thi.
Do đó, đề nghị Quốc hội cân nhắc lại tiếp cận ở hai khía cạnh: Hỗ trợ cho những người nông thôn trực tiếp sản xuất, ai là người nông dân trực tiếp sản xuất với mảnh ruộng đó thì được hỗ trợ; diện tích được hỗ trợ thì tùy theo khả năng có thể trong hạn điền theo quy định của Luật đất đai, 3 hecta đối với vùng đồng bằng, 2 hecta đối với vùng khác. Cũng có thể 50% của mức hạn điền đó. Như vậy, để đảm bảo sự công bằng cũng đừng nên ban hành những chính sách để tạo ra sự ỷ lại, đặc biệt đối với đối tượng hộ nghèo.
Cần đưa ra khái niệm an ninh nước
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): “Cần đưa ra khái niệm an ninh nước, đó là việc đảm bảo nước cho sự sống ở mọi miền với nhiều mục đích khác nhau, đã đến lúc cần phải đưa ra khái niệm đó và điều này phải được đưa vào tại Điều 1. Phạm vi Điều 9 ghi: "Luật này quy định về điều tra cơ bản, chiến lược", ở đây viết “quy hoạch thủy lợi”. Nên viết lại: "Luật này quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch, an ninh nước, quy hoạch thủy lợi...". Tương tự, Điều 3 giải thích từ ngữ cần có từ ngữ về an ninh nước. Tôi chưa thấy chỗ nào đề cập đến việc quy hoạch, bảo vệ, sử dụng hợp lý nước ở các dọc suối. Ai cũng biết có các dòng suối mới có những con sông và từ đó mới có biển cả. Tôi đề nghị luật phải bổ sung để đừng chặn dòng chảy tự nhiên của các con suối, nhất là chặn lại lấy nước làm ruộng ở các vùng núi. Phải điều tra khảo sát rất kỹ và thận trọng mới cấp phép cho việc chặn dòng suối”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng ý với ý kiến của đại biểu Trí. “Hiện, chúng ta đang chịu tác động của biến đổi khí hậu rất lớn và chúng tôi hoàn toàn đồng tình với đại biểu Trí phải dùng một từ thuật ngữ an ninh nguồn nước Việt Nam. Mặc dù, hiện, lượng mưa vào khoảng 1.500 – 2.000 trên các vùng miền. Toàn bộ nguồn nước của hai lưu vực sông Hồng và sông Cửu Long khá lớn nhưng 65% nguồn nước vẫn phụ thuộc ngoại lai, biến đổi khí hậu, đất nước vừa mỏng vừa nghiêng theo sườn đông, do đó, tiết kiệm tài nguyên nước đã trở thành yếu tố an ninh thời gian tới trong tất cả các dạng hình sản xuất, trong đó buộc công tác thủy lợi phải giữ vững”.
Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta phải hoàn thiện tiếp một bước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tất cả những yếu tố vận hành của nền kinh tế phải theo quy luật từng bước về đúng nguyên lý thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có thủy lợi. Với tinh thần đó công tác thủy lợi phải có một chế tài mới, đây là yêu cầu rất bức bách.
Theo Kinh tế nông thôn