Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phải tái cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững

27/09/2017

Trình bày tại phiên họp toàn thể Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường mong muốn: “Phải tái cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững trước các biến động đang diễn ra”

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long đang bị tác động nhiều hướng, nhiều chiều từ khách quan đến chủ quan. Trong tổn thương chung đó, nông nghiệp, nông thôn và nông dân là nhóm đối tượng bị tổn thương lớn nhất. Giải quyết câu chuyện phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu không thể một sớm một chiều mà là liên tục, lâu dài, ở đó, tiên quyết phải có sự vào cuộc của cả cộng động xã hội với những giải pháp phù hợp. Trong đó, việc liên kết vùng là rất cần thiết để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Những tồn tại của vùng đồng bằng sông Cửu Long

Qua phiên “thảo luận về phát triển nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long. ” ngày 26/9 với sự tham gia của 240 đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế. Bộ NN&PTNT đã rút ra những kết quả chính được chọn lọc từ những tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học và các đối tác nước ngoài.

Qua đó, hội nghị đã rút ra những vấn đề tồn tại mà vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang vướng mắc. Trong đó, biến đổi khí hậu, tác động thượng nguồn, mặt trái của những tác động trong quá trình phát triển kinh tế hiện tại đang hiện hữu diễn biến gay gắt hơn, khó đoán định, khó đạt đến trạng thái cân bằng tương đối là một thực tế không thể thay đổi.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước thách thức mà đồng bằng sông Cửu Long đang vướng phải điều này phải đạt được sự nhận thức đồng bộ cả hệ thống Chính trị, toàn bộ xã hội trước nguy cơ hiểm họa đó, đón nhận để thống nhất chương trình hành động với phương châm bao trùm: Thích ứng, chủ động thích ứng, tích cực thích ứng.

Trong mọi hành động sản xuất, phát triển kinh tế, tổ chức đời sống trên tất cả các quy mô, cấp độ của đời sống xã hội trên cả ba trục: Quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế các thành phần, và toàn dân.

Bên cạnh đó, theo bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, phải có sự đồng thuận, liên kết để chủ động phát hiện, phát huy những lợi thế, dư địa của quá trình biến đổi khí hậu tạo ra, để cùng với tài nguyên, con người, tiến bộ khoa học công nghệ của nền công nghiệp 4.0 biến nguy cơ thành thời cơ, biến bất lợi thế thành lợi thế.

Ngoài ra, trước một thách thức lớn lịch sử của vùng châu thổ ĐBSCL kể từ khi kiến tạo, đòi hỏi sự hành động vào cuộc và tập trung nguồn lực tổng thể: Nhà nước, các thành phần kinh tế, toàn dân, hợp tác quốc tế cho các chương trình trước mắt – trung hạn – dài hạn – chiến lược.

3 nhóm thách thức lớn của ĐBSCL

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐBSCL đang chịu 3 nhóm thác thức lớn:

Đó là thách thức về tác động biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay mà loài người đang phải đối mặt. Đồng Bằng sông Cửu Long nói riêng, Việt Nam nói chung được coi là một trong năm quốc gia hứng chịu nặng nề nhất.

Thác thức của tác động phía thượng nguồn do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước như: thủy điện, chuyển nước khỏi lưu vực hệ thống, suy giảm nhanh diện tích rừng, thảm thực bì (nơi giữ nước, điều tiết nước) đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm thay đổi nhanh chóng căn bản quy luật dòng chảy khi vào đến địa phận vùng châu thổ của chúng ta.

Cuối cùng là thách thức về những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại vùng Đồng bằng như: việc khai thác tài nguyên cát sỏi, nguồn nước ngầm, các hoạt động kinh tế khác cũng gây nên tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững.

Ba nhóm nguyên nhân chính đó cùng lúc tác động và với sự nhào trộn, cộng hưởng tạo ra những tác động tiêu cực lớn nhất trong lịch sử kiến tạo vùng đồng bằng châu thổ mà chúng ta phải chấp nhận đối mặt. Những tác động tiêu cực này sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế xã hội, đời sống cư dân, tất cả các ngành kinh tế, các khu vực song có lẽ nông nghiệp –  nông dân – nông thôn sẽ là những đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Những mục tiêu hướng đến phát triển bền vững thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã kiến nghị một số nội dung bức thiết trước mắt nhằm hướng đến những mục tiêu hướng đến phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ nhất: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các tỉnh kết hợp với các thành phần kinh tế có chương trình cụ thể trong 5 năm 2018 - 2023 giải quyết căn cốt giống tốt cho ba nhóm sản phẩm chính: Thủy sản, cây ăn quả, lúa gạo bằng các giống chủ lực, đáp ứng cho sản xuất đủ sức cạnh tranh. Trong 10 năm tới phải có bộ giống hiện đại đáp ứng cho ba ngành hàng chủ lực này.

Thứ hai: Sửa nhanh Nghị định 210 để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp để trở thành lực lượng liên kết hạt nhân. Tập trung xây dựng các hợp tác xã kiểu mới cùng các trang trại lớn liên kết với doanh nghiệp hình thành sản xuất chuỗi ở các quy mô, cấp độ khác nhau.

Thứ ba: Có văn bản quy định giữ nguyên 227 nghìn ha rừng của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là 63 nghìn ha rừng ngập mặn, không được chuyển đổi dưới bất kỳ hình thức nào trừ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Bổ sung đề án và tạo nguồn lực phát triển thêm rừng ngập mặn ở những nơi có điều kiện. Có cơ chế khuyến khích đủ sức hấp dẫn các thành phần kinh tế tạo đất, rừng mới giữ bờ biển, lấn bờ biển bằng chính sách giao đất thời gian dài 50 - 70  năm với diện tích đất, rừng mới được tạo lập ra, như thời gian giao đất rừng loại gỗ quý lâu năm nhằm tăng nhanh thảm rừng xanh, áo giáp chống đỡ tác động từ biển.

Thứ tư: Với 41 điểm sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển hiện nay đã trình Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực để xử lý khẩn cấp, không để xảy ra diễn biến nghiêm trọng hơn, khắc phục tốn kém hơn như đoạn Gành Hào (biển Đông) đến cửa sông Cái Lớn – Cái Bé (biển Tây); đoạn lở sông Vàm Nao tỉnh An Giang và một số điểm khẩn cấp khác./.

5 nhiệm vụ và giải pháp chiến lược với ĐBSCL

- Việc Tái cơ cấu lại nền nông nghiệp phải dựa trên nguyên lý phát huy tối đa tính thích ứng tự nhiên các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới.

- Quy luật vận hành nguồn nước, 1 nền tảng quan trọng cho sự phát triển đang bị xáo trộn. Dựa trên sự phân vùng tương đối thượng nguồn sông, khu vực giữa và khu vực biển. Hay cách phân loại theo địa hình sâu hơn 5 vùng, làm cơ sở cho việc lựa chọn các sản phẩm chủ lực tạo ra sự phù hợp nhất có thể, để tổ chức lại sản xuất. Đây cũng chính là phát huy lợi thế so sánh, giảm thiểu rủi ro, hạ giá thành sản phẩm, tăng cơ hội lợi nhuận cao.

- Nuôi trồng thủy sản mặn, lợ, ngọt là một thế mạnh có tiềm năng mở rộng song phải tuân thủ nguyên tắc chủ động quản trị nguồn nước, không được khai thác nước ngầm (một nguyên nhân quan trọng gây ra sự sụt lún). Quản lý được quy trình ở các cấp độ, quy mô không để ô nhiễm môi trường.

- Yếu tố tổ chức sản xuất phải được thúc đẩy để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ trang trại hình thành liên kết chặt chẽ trong tất cả các ngành hàng, các khâu sản xuất đến lưu thông trong mối liên kết chặt chẽ giữa tiểu vùng và toàn vùng.

- Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với tái cơ cấu kinh tế xã hội. Cùng với tăng trưởng nông nghiệp phải tập trung chuyển đổi lao động sang các khu vực II, III làm cho nông nghiệp hiện đại hơn; kết cấu dân cư văn minh và bền vững hơn.

Theo Báo Tài nguyên môi trường


Tin khác