Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó trong hội nhập thương mại quốc tế

31/10/2017

Mặc dù đã có nhiều bước tiến trong hội nhập với thế giới, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn gặp khó khăn trong hội nhập thương mại quốc tế.

Ngày 31/10, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ thương mại quốc tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Toàn cảnh Hội thảo “Hỗ trợ thương mại quốc tế cho DN nhỏ và vừa.

Chỉ 21% DNNVV tham gia mạng lưới toàn cầu

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận với nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh ra các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNVVN, cũng gặp phải không ít khó khăn và thách thức trong việc cập nhật thông tin vĩ mô, chuẩn bị năng lực tài chính, năng lực giao dịch quốc tế và chuẩn hóa quy trình xuất nhập khẩu. Nói như TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, trước đây, hầu như chỉ có doanh nghiệp lớn mới có đủ tiềm lực để thực hiện các hoạt động thương mại quốc tế.

Hơn nữa, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Châu Á, tỷ lệ DNNVV Việt Nam tham gia thương mại quốc tế còn thấp so với các nước trong khu vực. Mặc dù chiếm tới gần 98% tổng số doanh nghiệp, nhưng các DNNVV chỉ chiếm trên dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

“Tỷ lệ DNNVV Việt Nam tham gia mạng lưới thương mại toàn cầu còn thấp chỉ chiếm khoảng 21%, trong khi con số này tại Malaysia là 46%... Đây là điểm yếu của DNNVV Việt Nam”, TS. Phạm Thị Thu Hằng cho biết.

Trong khi đó, Việt Nam đã và đang chuẩn bị tham gia một loạt các hiệp định quốc tế để nắm bắt cơ hội trong giao thương quốc tế. Ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước Đông Nam Á và Nam Á, cho biết: “Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã gặt hái được nhiều lợi ích từ việc mở rộng quan hệ giao thương và đầu tư với nhiều quốc gia, trong quá trình đó, các DNNVV đóng một vai trò quan trọng. Việt Nam hiện đang tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại với thế giới và các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là một phần cốt yếu trong tiến trình này, đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Là một trong những ngân hàng quốc tế lâu đời nhất tại Việt Nam, Standard Chartered, với kinh nghiệm và chuyên môn của mình, có thể hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và mở rộng hoạt động kinh doanh.”

Có mặt tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc CTCP OIC cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc tiếp cận thông tin thị trường, nhu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường mới.

Do đó, các doanh nghiệp cần được cung cấp nhiều kiến thức cũng như biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn nữa để đóng góp nhiều hơn vào kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nền kinh tế. 

Tổ chức tín nhiệm hỗ trợ DNNVV

Đặc biệt, trong vấn đề hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp từ phía các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Các DNNVV hiện vẫn phản hồi còn hạn chế trong sự tiếp cận vốn ngân hàng. Đánh giá về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) cho biết, có nhiều nguyên nhân, trước hết sự quan tâm và nhìn nhận của các ngân hàng đối với tín dụng dành cho các DNNVV hiện chưa cao. Cùng với đó, thiếu một hệ thống đánh giá khách hàng. 

Về phía doanh nghiệp, có ba vấn đề dẫn đến việc khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Thứ nhất, hạn chế trong việc thuyết minh về tính khả thi của dự án, kế hoạch sản xuất kinh doanh để thuyết phục ngân hàng. Thứ hai, năng lực tài sản không cao. Thứ ba, DNNVV có năng lực kết nối cũng chưa tốt.

“Nhiều ngân hàng vẫn cho vay theo dòng vốn, theo mức tín nhiệm. Tuy nhiên, sự kết nối của các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp dẫn dắt, doanh nghiệp tiên phong còn yếu nên lòng tin của các ngân hàng không cao”, TS Võ Trí Thành nói. 

Do đó, Nhà nước cần có các chương trình hỗ trợ, lập ra các tổ chức tín nhiệm cho DNNVV có thể có căn cứ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Ông Phạm Hoàng Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (VCCI) cho rằng, trong vài năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DNNVV phát triển như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn trong hội nhập quốc tế. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Chính phủ quyết liệt cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, đổi mới công tác quản lý chuyên ngành với hàng hóa, đổi mới dịch vụ xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, các hỗ trợ từ Chính phủ vẫn mang tầm vĩ mô, doanh nghiệp cần các giải pháp cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, khi thực hiện thương mại quốc tế, các doanh nghiệp cần đến những giải pháp thanh toán toàn diện, dịch vụ ngoại hối hiệu quả, an toàn. Điều này cần đến sự vào cuộc của các doanh nghiệp liên quan như ngân hàng, logistics, dịch vụ xuất nhập khẩu… Vì thế, các DN cần một tổ chức trung gian để liên kết các doanh nghiệp, để cùng "chung tay" hỗ trợ DNNVV trong thương mại quốc tế hiệu quả.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp


Tin khác