Nhiều DN chưa biết gì về gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp CNC!

04/10/2017

Nhiều chính sách hỗ trợ nhưng không thực hiện không đồng bộ, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo kiểu xin – cho... là những rào cản khiến quá trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Vấp nhiều khó khăn

Theo TS Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin NNPTNT (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tính đến tháng 12.2015 cả nước có 34 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang được quy hoạch xây dựng tại 19 tỉnh thuộc 7 vùng kinh tế. Ngoài ra, một số địa phương cũng phát triển các khu/cụm nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) mà chưa kịp đăng ký hoặc công bố chính thức (ví dụ như Bình Định).

Điều đáng nói, con số khu NNCNC vốn đã khiêm tốn, nhưng chỉ có 3 khu hoạt động hiệu quả (TP.HCM, An Thái (Bình Dương) và Suối Dầu (Khánh Hòa); 3 khu chưa phát huy hiệu quả (Sơn La, Hà Nội và Hải Phòng) và 1 khu trong tình trạng không đạt hiệu quả (Phú Yên).

Trồng hoa xứ lạnh tại khu nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen, huyện Kon Plông.

Cũng theo ông Phong, hiện nay, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) ứng dụng NNCNC đã có nhưng chưa đồng bộ. Theo quy định, DN hoạt động trong khu NNCNC được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập DN, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay, để có được quỹ đất sạch triển khai dự án, nguồn vốn tín dụng, DN gặp không ít khó khăn. 

"Làm NNCNC và nông nghiệp sạch nhất thiết phải  làm theo chuỗi giá trị, phải gắn với thị trường đầu ra”. - Ông Phạm Xuân Hòe

“Đơn cử như vấn đề vốn tín dụng, cách tiếp cận hiện nay vẫn nặng về hỗ trợ lãi suất theo kiểu xin – cho, không tính tới nhu cầu của khách hàng; các thủ tục, điều kiện vay phức tạp; còn nhiều vướng mắc, hạn chế về thế chấp đất kèm tài sản. DN thiếu quỹ đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ theo vùng sản xuất tập trung, phải thuê đất của nhiều hộ riêng lẻ, thường xuyên thay đổi nên việc nhận hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất còn khó thực hiện” - ông Phong nói.

Trên thực tế, cho đến thời điểm này, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC mới đạt 32.339 tỷ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ. Lý giải việc triển khai cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ có “cái lý của mình” khi số lượng các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch hiện nay chưa nhiều, thiếu các dự án có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, được đầu tư bài bản; sản xuất NNCNC là một lĩnh vực mới, chưa có tiền lệ, vì vậy tiềm ẩn rủi ro khi triển khai, trong khi lại thiếu các công cụ phòng ngừa rủi ro, nhất là chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp.

Đó là chưa kể, các ngân hàng còn khó khăn trong việc xác định dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch theo các tiêu chí của Bộ NNPTNT ban hành theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN do không có đơn vị đứng ra xác nhận dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch.

Cần đổi mới tư duy

Tham gia làm nông nghiệp hữu cơ nhiều năm, ông Nguyễn Ngọc Can, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) cho rằng, nếu đối chiếu theo các quy định để được hưởng chính sách hỗ trợ dành cho DN ứng dụng NNCNC thì đơn vị của ông khó đạt được vì điều kiện sản xuất ở các địa phương miền núi gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, giao thông, nguồn vốn. Vì vậy, ông Can kiến nghị, các chính sách cần được cụ thể hóa hơn, phù hợp với từng vùng miền để đảm bảo tính khả thi cao.

Mô hình trồng lan hồ điệp đang cho thu nhập cao.

Đồng quan điểm, ông Ngô Tiến Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội các DN ứng dụng CNC (ATE) cho rằng, Nghị định 210/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ DN nông nghiệp chỉ như một “cơn gió thoảng”, chưa tạo ra những lực đẩy đủ mạnh để DN tìm về nông nghiệp nông thôn.

“Chúng ta có đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng nhưng tại sao không chịu phát triển, vì sao trong tổng số 4.500 DN nông nghiệp nhưng đến nay mới chỉ có 28 DN ứng dụng CNC?” - ông Dũng đặt câu hỏi.

Theo ông Dũng, dù chúng ta đã có nhiều chính sách thu hút DN đầu tư vào NNCNC nhưng không phát triển vì chúng ta không có quy hoạch tổng thể, vẫn sản xuất theo phong trào, không tuân theo quy trình kỹ thuật và quy chuẩn; quá trình tích tụ đất đai gặp nhiều khó khăn do vướng luật, đến nay, vẫn chưa thể hình thành ngân hàng quỹ đất cho DN thuê; vốn tín dụng vẫn tiếp cận theo kiểu xin – cho.

“Cho đến nay, nhiều DN vẫn chưa biết đến gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho NNCNC. Nhiều DN vẫn có chung câu hỏi: Tiếp cận như thế nào, có phải làm đơn không? Thực tế, gói tín dụng 100.000 tỷ bao giờ triển khai, ai là đối tượng, vẫn còn câu hỏi còn bỏ ngỏ” - ông Dũng nói.

Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Thực tế, chúng ta làm chính sách vẫn mang tính chỉ huy, không gắn với cơ chế thị trường, không tạo ra chuỗi chính sách đồng bộ”. 

Theo Nông thôn ngày nay


Tin khác