|
Nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. (Tư liệu) |
Thưa ông, Viện IPSARD đã nghiên cứu, tổng hợp có bao nhiêu chính sách tài chính liên quan tới nông nghiệp?
Thời gian qua, khu vực NNNT vẫn luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm với việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển trong mọi mặt của đời sống sản xuất. Theo đó, chính sách tín dụng cho NNNT đã luôn được cải thiện nhằm góp phần hỗ trợ phát triển NNNT Việt Nam theo hướng tạo ra vùng hóa hóa chuyên canh lớn, gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, với nhà khoa học để đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, từng bước triển khai tín dụng xanh cho khu vực này… nhằm xây dựng nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, hiệu quả.
Có thể kể tới một số chính sách tín dụng cho nông nghiệp như: Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12.4.2010; Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT; Nghị định 210/2013/NĐ-CP về thu hút đầu tư vào NNNT; Chương trình thí điểm cho vay theo chuỗi giá trị (theo Quyết định 1050/QĐ-NHNN); Chương trình cho vay nuôi trồng thủy sản (theo văn bản 1149/TTg-KTN); Chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch (theo Quyết định 68/2013/QĐ-CP); Chương trình cho vay tái canh cây cà phê (theo văn bản hướng dẫn số 3227/NHNN-TD); Chương trình tín dụng cho vay đánh bắt xa bờ (theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP)…
Những chính sách này liệu đã đủ mạnh để khơi thông dòng tín dụng vào nông nghiệp?
Hiện GDP ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng gần 20% nhưng tín dụng nông nghiệp chỉ đạt trên dưới 10% tổng dư nợ tín dụng. Mặc dù đã có những dấu hiệu cải thiện, nhưng tỷ trọng dư nợ tín dụng cho NNNT vẫn còn khiêm tốn, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp trực tiếp. Trong khi đó, các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp đều có tỷ trọng dư nợ cao hơn rất nhiều.
Thực tế cho thấy, tỷ trọng dư nợ tín dụng cho NNNT thấp là do tỷ lệ rủi ro kinh doanh và chi phí giám sát khoản vay nhỏ trong nông nghiệp cao, các kênh tín dụng còn nhiều hạn chế với cả người đi vay và người cho vay; việc giải ngân ở các chương trình chậm và gặp nhiều rào cản về thủ tục, cơ chế... Vì vậy, tôi cho rằng rất cần có chính sách đột phá về tín dụng để không chỉ tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp vay vốn dễ dàng, mà còn tạo động lực cho các tổ chức tín dụng thúc đẩy các khoản vay trong khu vực NNNT.
Ông có thể dẫn chứng cụ thể về những hạn chế của chính sách tín dụng, gây khó khăn cho cả phía nông dân và tổ chức tín dụng?
Chẳng hạn, các yêu cầu phải có tài sản thế chấp quá cứng nhắc, không phù hợp với thực tế. Theo quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 179 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân có quyền thế chấp bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đi thuê. Tuy nhiên, hiện thủ tục xin giấy chứng nhận sở hữu tài sản cho nhà lưới, nhà kính hoặc các vườn cây lâu năm còn rất khó khăn và chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Ngoài ra, việc thẩm định giá trị đất cho các khoản vay chưa tính đến hoặc định giá thấp các tài sản trên đất.
Hay như Nghị định 55/2015/NĐ-CP, mặc dù có cơ chế cho vay không cần tài sản đảm bảo nhưng vẫn yêu cầu người đi vay phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều địa phương đến nay chưa hoàn thành công tác này nên người muốn vay vốn thường bị các ngân hàng từ chối. Các tài sản trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng không được cơ quan Công chứng chứng nhận để xác định giá trị thế chấp khi vay vốn. Mặt khác, nhiều chính sách, chương trình tín dụng có thời gian và hạn mức cho vay chưa phù hợp, làm giảm hiệu quả của các chương trình này trong hỗ trợ phát triển sản xuất.
|
Những rủi ro được mùa rớt giá kiến ngân hàng chưa hào hứng bắt tay với nông dân. (Tư liệu) |
Nên chăng cần vai trò của bên thứ 3 (có thể là chính quyền hoặc bảo hiểm) đứng ra bảo đảm cho nhà băng và nhà nông yên tâm hơn khi “bắt tay” nhau?
Hiện nay, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp ngày càng cao, trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, giá trị gia tăng thấp. Tới đây khi các hiệp định FTA và TPP có hiệu lực thì mức độ cạnh tranh có thể còn mạnh hơn nữa, khiến rủi ro trong sản xuất kinh doanh cũng gia tăng theo. Đối với hệ thống tín dụng, rủi ro cho chính người đi vay cũng như người cho vay là rất lớn trong trường hợp này. Do đó, việc có thêm một bên “thứ 3” hay có bảo hiểm cho vay là rất cần thiết, giúp nhà băng bắt tay với nông dân, chủ trang trại. Tuy nhiên, bảo hiểm nông nghiệp sau thời gian thí điểm hiện đang tạm dừng; một số doanh nghiệp cũng đứng ra bảo lãnh vay vốn cho nông dân, nhưng quy mô vẫn rất khiêm tốn.
Năm 2010, dư nợ tín dụng đối với khu vực NNNT đạt 381.900 tỷ đồng thì đến tháng 11.2015, con số này đã tăng lên khoảng 825.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này mới chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Để cơ chế tài chính cho nông nghiệp linh hoạt hơn, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu, theo ông cần có những đột phá gì trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, cần phải cải cách hệ thống tài chính, tín dụng định hướng thị trường nhằm tăng sức cạnh tranh của hệ thống tổ chức tín dụng gắn với quản trị rủi ro tín dụng. Việc cải cách này cần được thực hiện theo hướng khuyến khích các tổ chức tín dụng tự điều tiết, tự cân đối chi phí, lợi ích và tạo ra lợi nhuận. Chỉ khi các tổ chức tín dụng này sinh lợi thì các nhà đầu tư (ngân hàng) mới tiếp tục đầu tư, cải thiện hệ thống để kinh doanh vốn, đặc biệt là các nguồn vốn vay lớn và dài hạn. Sự đa dạng hóa hình thức tổ chức của các tổ chức tín dụng (như công ty cho thuê tài chính quỹ đầu tư…) bên cạnh hệ thống ngân hàng cũng sẽ là việc cần nghiên cứu và xây dựng hành lang pháp lý sớm để mở rộng được nguồn cung cấp đầu vào cho sự hình thành thị trường vốn phục vụ NNNT.
Ngoài ra, cần hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro trong cho vay NNNT, phân định rạch ròi về trách nhiệm của Nhà nước, của tổ chức tín dụng, của người vay khi rủi ro bất khả kháng xảy ra và có cơ chế xử lý nhanh để bù đắp, tái tạo nguồn vốn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Trang trại Việt