Các giải pháp gỡ 'nút thắt' nông nghiệp công nghệ cao

12/03/2017

“Nông nghiệp công nghệ cao” đang là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây, nhất là kể từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng gói tín dụng ưu đãi nông nghiệp lên mức 100.000 tỷ đồng. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng chủ trương đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao gắn với khởi nghiệp là hướng đi đúng. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần giải quyết rất nhiều “nút thắt” đang tồn tại trên lĩnh vực nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.

TS Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn: CẦN TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT 4 NHÓM VẤN ĐỀ CHÍNH

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là bài toán cần tập trung giải quyết với 4 nhóm vấn đề chính. Một là đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần diện tích lớn và thời hạn sử dụng đất lâu dài để thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. Tiếp đến, về chính sách, nhà đầu tư không chỉ trông chờ vào những chính sách ưu đãi của Nhà nước, mà còn quan tâm đến tuổi thọ của các chính sách đó có lâu dài và ổn định hay không. Thứ ba về công nghệ, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp vì thấy có nhiều tiềm năng nhưng không chủ động nắm bắt, triển khai và thích nghi được công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao cùng những trang thiết bị liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao bởi đặc tính luôn thay đổi của công nghệ. Cuối cùng là việc liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với người nông dân đang gặp phải không ít rào cản, khó khăn. Hiện nay, đất sản xuất đang thuộc quyền sử dụng của người dân, mỗi hộ một diện tích nhỏ, manh mún và không đồng đều. Doanh nghiệp lại cần tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, còn người dân lại không muốn rời bỏ mảnh đất vốn là tài sản lớn nhất của mình và tập quán canh tác đã hình thành từ lâu đời.

Mô hình rau thủy canh trong nhà lưới.

Ông Ngô Tiến Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp ứng dụng CNC trong nông nghiệp: THÁO GỠ NÚT THẮT ĐỂ THU HÚT DOANH NGHIỆP

Thực tế nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay là có lao động nhưng trình độ thấp, có đất đai nhưng chất lượng thấp, mảnh đất được chia ra với diện tích nhỏ thì làm sao phát triển nông nghiệp công nghệ cao được, làm sao đầu tư công nghệ vào đó trong khi ở nước ngoài mỗi mảnh đất sản xuất rộng hàng chục, hàng trăm héc ta. Mặt khác, việc áp dụng công nghệ sâu vào nông nghiệp còn rất hạn chế. Cùng với đó, việc chứng nhận doanh nghiệp là doanh nghiệp chất lượng cao vẫn còn nhiều khó khăn, nên rất ít doanh nghiệp hào hứng với danh hiệu này.

Do đó, Chính phủ cần có những chính sách tháo gỡ các nút thắt, cơ chế đi kèm phải thông thoáng và hợp lý để thu hút doanh nghiệp tham gia làm công nghệ cao trong nông nghiệp. Đặc biệt là Chính phủ cần có chủ trương về nguồn kinh phí đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp cần tiếp cận tốt với nguồn kinh phí này để mở rộng và phát triển sản xuất.

Ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam bộ: XÁC ĐỊNH RÕ TIÊU CHÍ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CNC

Tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không thể do mình tự đặt ra mà phải theo chuẩn của quốc tế, tất nhiên nên xem xét tình hình thực tế của Việt Nam. Cần tính toán để tránh đi vào “vết xe đổ” khi một thời gian dài tỉnh nào cũng nói phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, thành phố công nghiệp, nhưng tiêu chí cụ thể để trở thành tỉnh công nghiệp lại không có. Tiếp đến, phải xác định rõ tiêu chí cho một dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chứ không thể nói chung chung được. Ai cũng nói ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nhưng công nghệ cao là gì trong nông nghiệp thì không phải ai cũng xác định rõ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai gói tín dụng ưu đãi100.000 tỷ đồng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa thông qua nhằm hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Không có tiêu chí thì có khi doanh nghiệp thực sự làm nông nghiệp công nghệ cao sẽ bị làm khó, trong khi các doanh nghiệp không phải làm nông nghiệp công nghệ cao cũng được hưởng ưu đãi.

Nhóm nghiên cứu Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT: TRÁNH NHẦM LẪN CHỨC NĂNG CỦA NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Đúng ra, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải tập trung vào chức năng thương mại nhưng ở Việt Nam lại “nhầm lẫn” sang chức năng trình diễn, giới thiệu, vì khi là công nghệ thì không phải nghiên cứu mà chỉ hoàn thiện và ứng dụng trong điều kiện cụ thể. Khi lấy thương mại làm đầu thì phải tính hiệu quả kinh tế là chính, chứ không phải hiệu quả về đào tạo, trình diễn hay tập huấn. Doanh nghiệp phải là chủ thể và phải lựa chọn 3 yếu tố: thứ nhất, thị trường sản phẩm hướng tới có nhu cầu như thế nào; thứ hai, sản phẩm định làm đã có công nghệ chưa? thứ ba, giá thành sản phẩm như thế nào?”

Trích Báo cáo “Những nút thắt trong đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các giải pháp” - Nghiên cứu của nhóm tác giả: TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, TS Nguyễn Đức Lộc, TS Nguyễn Anh Phong, ThS Nguyễn Thị Hồng Thanh.

Theo Nông thôn Việt


Tin khác