Có 4 nút thắt trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

17/02/2017

Ngày 16/02/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Long An – ông Trần Văn Cần chỉ đạo về việc thực hiện Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chuẩn bị nội dung, báo cáo UBND tỉnh tổ chức Hội nghị vào cuối tháng 02/2017, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình, phân tích rõ nguyên nhân của những mặt làm được, chưa được và đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo trong quý I/2017 các nội dung thực hiện Chương trình phải đến được người dân trong vùng dự án, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người dân đối với việc thực hiện Chương trình này gắn với việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết 4 nhà nhằm phát huy tối ưu hiệu quả Chương trình.

Theo nhận định của TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách phát triển nông nghiệp, nhà đầu tư hiện không chỉ quan tâm tới chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho họ, mà còn quan tâm đến việc liệu chính sách có lâu dài và nằm trong quy hoạch rõ ràng ổn định hay không.

Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, hiện nay nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn ít, ước tính chỉ chiếm khoảng 6% trên tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế. Qua kết quả nghiên cứu khảo sát cho thấy có đến 63% DN phản ánh khó khăn về tiếp cận đất đai và 46% DN còn lại phản ánh là rất khó khăn; 70% DN gặp khó khăn về tiếp cận tín dụng; 82,5% DN chưa tiếp cận được bảo hiểm trong nông nghiệp và 77% DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách về khoa học công nghệ…

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đánh giá, có 4 nút thắt trong tiến trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đó là:

Thứ nhất, về đất đai trong SX nông nghiệp công nghệ cao cần diện tích lớn và thời hạn sử dụng đất lâu dài để thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo đồng bộ của sản phẩm trên diện rộng và nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay đất SX đang thuộc quyền sử dụng của người dân, mỗi hộ một diện tích nhỏ, manh mún và không đồng đều. Vì vậy, sẽ tạo cho DN nhiều cản trở trong việc tích tụ diện tích đất để SX lớn, còn người dân không muốn rời bỏ đất đai vốn là tài sản lớn nhất của mình và tập quán canh tác đã hình thành từ lâu đời.

Thứ hai , tuổi thọ chính sách. Điều quan trọng, theo giới chuyên gia nhà đầu tư không chỉ trông chờ vào những chính sách ưu đãi Nhà nước dành cho họ, mà còn quan tâm đến tuổi thọ của các chính sách có lâu dài và nằm trong quy hoạch rõ ràng, ổn định. Bởi lẽ, trên thực tế mặc dù Nhà nước đã ban hành không ít chính sách khuyến khích đầu tư vào phát triển nông nghiệp nhưng chính sách vừa được ban hành thì đã thay đổi, chính điều này khiến cho DN gặp không ít khó khăn.

Thứ ba là, về công nghệ, các DN muốn đầu tư vào nông nghiệp vì thấy có nhiều tiềm năng nhưng do không chủ động nắm bắt, triển khai và thích nghi được công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao cùng với những trang thiết bị liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao bởi đặc tính luôn thay đổi của công nghệ.

Thứ tư là, vấn đề liên kết giữa người SX với người nông dân. Hiện tại, mặc dù đã có một số mô hình DN liên kết, hợp tác với nông dân bao tiêu sản phẩm. Như mô hình liên kết của chuỗi hệ thống rau sạch Vineco, hay mô hình liên kết của Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn… Tuy nhiên, mô hình thành công này mới chỉ "đếm trên đầu ngón tay".

Đáng chú ý là, một số DN chia sẻ, thời gian qua đã có nhiều chính sách ưu đãi tín dụng hay lãi suất dành cho DN và nông dân được ban hành nhưng thực tế, người cần vốn đã không thể tiếp cận được.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp


Tin khác