Xuất khẩu tăng nhưng sản xuất giảm: Ngày càng gia tăng nhập khẩu nông sản nguyên liệu

26/05/2017

Ngày 24/5/2017, Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp nông thôn (Ipsard) phối hợp với Vụ Kinh tế của Văn phòng Quốc hội tổ chức chuỗi hội thảo thường niên: Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp năm 2017. Cùng với phiên chung, tại đây diễn ra nhiều phiên chuyên đề về riêng cho những ngành hàng nông sản: lúa gạo, thủy sản, rau quả.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Ipsard nhận định, năm 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016. Về phía cầu, xuất khẩu (XK) nông sản phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe, cạnh tranh gay gắt với các nước đang đẩy mạnh sản xuất và XK nông sản. Giá cả nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa phục hồi, trong khi các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ. Về phía cung, tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển được dự báo tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, năng lực sản xuất dư thừa của một số ngành hàng như chăn nuôi khiến những ngành này gặp nhiều rủi ro. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế nội địa, thay đổi nhân khẩu học và đô thị hóa đang chuyển dịch bản chất cân bằng cung – cầu hàng hóa nông sản và thực phẩm nội địa từ lượng sang chất, đặt ra rủi ro chênh lệch cơ cấu cung – cơ cấu cầu, thay vì lượng cung – lượng cầu.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và Ngành hàng của Ipsard trình bày báo cáo phân tích tổng quan chung thị trường nông nghiệp, cho hay hiện XK nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đang  phục hồi, triển vọng tăng trưởng mạnh là các mặt hàng: rau quả, cà phê, cao su, thủy sản, đồ gỗ… Thị phần nhiều nông sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường thế giới ổn định, nhưng dư địa cho XK nông sản thô đang hẹp dần? Riêng đối với ngành hàng lúa gạo, suy giảm XK  đang khiến nền nông nghiệp trọng lúa như Việt Nam lo ngại. Gạo Việt Nam chiếm thị phần không đáng kể tại các thị trường có giá trị nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và đang suy giảm thị phần tại các thị trường chính. Top 10 thị trường có giá trị nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Saudi Arabia (thị phần Việt Nam 1%), Trung Quốc (Việt Nam chiếm 46% thị phần), Mỹ (Việt Nam chiếm 3%), Iran (Việt Nam chiếm 0%), UAE (Việt Nam chiếm 2%), Anh (Việt Nám chiếm 0%), Malaysia (Việt Nam chiếm 24%), Nhật Bản (Việt Nam chiếm 0%), Bờ Biển Ngà (Việt Nam chiếm 29%), Philippines (Việt Nam chiếm 48%),

Thị phần của Việt Nam trên thị trường cao su tự nhiên toàn cầu ổn định từ 7-9% từ 2005 đến nay; có xu hướng giảm tại Trung Quốc và Malaysia, tăng tại Đức và chỉ chiếm phần rất nhỏ tại Mỹ, Nhật Bản (2-3%). Thị phần của Việt Nam trên thị trường cà phê thế giới duy trì ổn định ở 7-9% trong thập kỷ qua, thị phần tại các thị trường lớn cũng dao động quanh mức này, ngoại trừ Tây Ban Nha. Thị phần của Việt Nam trên thị trường hạt điều thế giới liên tục tăng nhưng rủi ro nguồn cung nguyên liệu thô sẽ là một rào cản nội tại lớn. Thị phần của Việt Nam trên thị trường đồ gỗ nội thất thế giới có khuynh hướng tăng, đặc biệt là tại các thị trường phát triển. Đức và Anh là các thị trường lớn mà Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.

Ông Kiên nhận định, suy giảm tăng trưởng sản xuất và tăng trưởng XK sẽ là 2 diễn biến trái chiều của ngành nông nghiệp Việt Nam. Động lực tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam suy yếu, kéo theo suy giảm tăng trưởng sản xuất. Sự suy yếu động lực thể hiện ở nhiều vấn đề: thiếu cây – con mới; phân bổ tỷ trọng không hợp lý, nhiều địa phương chạy đua tăng trưởng bằng tập trung sản xuất lúa, chăn nuôi dẫn đến mất cân đối và khủng hoảng đầu ra. Trong ngành khai thác thủy sản, thì công suất tăng nhưng năng suất giảm. Năng suất lao động nông nghiệp bình quân đầu người của Việt Nam giảm nhanh so với các nước Đông Nam Á khác.

Nghịch lý trái chiều giữa tăng trưởng sản xuất và XK, dẫn đến Việt Nam đang tăng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu cho chế biến XK nông lâm thủy sản – điều này trái ngược với xu hướng giảm tại các nước châu Á. Ông Kiên nêu dẫn chứng: năm 2016, giá trị nhập khẩu điều nguyên liệu chiếm tới 58% trong tổng giá trị XK của mặt hàng này; của cao su là 41%, của thủy sản là 16% và đang trong khuynh hướng tăng; của gỗ và sản phẩm từ gỗ là 26%.  “Ở ngành hàng tôm, năm 2016, Việt Nam là thị trường xuất khẩu tôm số 1 của Ecuador, số 2 của Ấn Độ và Thái Lan. Nhưng vậy, Việt Nam đang trở thành công xưởng hay trung tâm luân chuyển tôm toàn cầu?”, ông Kiên nêu câu hỏi.

Theo đại diện VASEP, cơ cấu sản phẩm thủy sản Việt Nam năm 2016 không thay đổi nhiều về tỷ trọng so với năm 2015. Trong đó, tôm vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 44,2%, tiếp đến là cá tra 23,4%, cá ngừ 7%, các loại cá biển 16%, nhuyễn thể 7,7%.  Hiện nước ta XK thủy sản sang 160 thị trường. Top 5 thị trường NK thủy sản Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc có sự thay đổi về vị trí và tỷ trọng. Năm 2016, Việt Nam XK tôm sang 93 thị trường 3,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. XK tôm sang 5 thị trường chủ lực (Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) đều tăng khả quan. Tuy nhiên, trong năm qua, XK sang các thị trường chính gặp khó khăn do thuế CBPG cao tại Mỹ, tôm NK bị siết chặt kiểm tra tại các thị trường EU, Nhật Bản và Australia. Năm 2016, Việt Nam XK cá tra sang 138 thị trường đạt 1,71 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2015. XK cá tra hồi phục chủ yếu nhờ xuất sang 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh (tăng 22,8% và 88,7%). Sau 3 năm sụt giảm liên tiếp, XK cá ngừ của Việt Nam năm 2016 đã phục hồi đạt 509,9 triệu USD, tăng 12% so với năm 2015. Tại thị trường Nhật Bản, sản phẩm cá ngừ của Việt Nam hiện đang bị áp một mức thuế còn rất cao. Trong khi Thái Lan và Philippines  đã về mức 0%. XK mực, bạch tuộc của Việt Nam cũng bắt đầu hồi phục đạt 439 triệu USD, tăng 2,3% so với năm 2015. Tại các thị trường lớn, mực, bạch tuộc của Việt Nam khó cạnh tranh được với Trung Quốc và Marocco do nguồn nguyên liệu chế biến không đủ, giá trung bình XK cao hơn so với các nước đối thủ. 

Trong quý I/2017, tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam đạt 1,52 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi sản lượng nguyên liệu tôm, cá tra giảm, giá nguyên liệu tăng cao thì sản lượng cá ngừ và các mặt hàng hải sản khác tăng, nên đã có sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu sản phẩm và cơ cấu thị trường trong DN xuất khẩu. Do vậy, tổng kim ngạch XK tôm và cá tra vẫn duy trì mức ổn định so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi XK cá ngừ, mực bạch tuộc tăng trưởng khả quan. Hiện nhiều khó khăn đang tác động đến sản xuất – XK thủy sản năm 2017: nguyên liệu giảm, giá tăng (tôm, cá tra); rào cản thị trường (Mỹ áp thuế chống bán phá giá tôm, cá tra cao;  Australia, HQ, EU… siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm; đặc biệt truyền thông bôi nhọ thủy sản Việt Nam đang diễn ra ở nhiều nước.

Dự báo XK cá tra sang thị trường Mỹ năm 2017 ước đạt 420 triệu USD, tăng 8,5% so với năm trước. Dự báo cá tra XK sang Trung Quốc năm 2017 đạt 395 triệu USD, tăng 30%; XK cá tra sang EU đạt 275 triệu USD, tăng 5,4% so với năm trước, XK sang ASEAN tăng 2% và các thị trường tiềm năng như: Brazil, Mexico, Colombia giảm từ 6-15% so với năm 2015. XK mực bạch tuộc khó tăng trưởng mạnh khi nguồn nguyên liệu vẫn khan hiếm, nhu cầu thị trường không cao, áp lực cạnh tranh lớn. Dự báo XK trong năm 2017 chỉ tăng 4% đạt gần 470 triệu USD.

Phân tích về thị trường XK, VASEP cho hay, áp lực cạnh tranh, thuế CBPG, rào cản kỹ thuật sẽ khiến cho XK tôm sang Mỹ trong năm 2017 không duy trì được tăng trưởng mạnh như năm 2016. Dự báo tổng XK thủy sản sang thị trường Mỹ năm nay sẽ đạt khoảng 1,48 tỷ USD, tăng 2% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 11% trong năm 2016). Trước những biến động chính trị, đồng Euro mất giá, XK thủy sản sang EU khó có thể bứt phá. Dự báo XK thủy sản sang EU năm 2017 đạt khoảng 1,2 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 1% so với năm 2016. XK thủy sản sang Nhật Bản năm nay có thể khả quan hơn so với EU khi đồng yên đang có xu hướng tăng mạnh, có lợi cho các nhà NK. Sự sụt giảm XK thủy sản vào thị trường Mỹ và sự trì trệ của thị trường EU đang được bù đắp bằng tăng trưởng mạnh tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đồng Yên Nhật Bản tăng giá so với USD và các ngoại tệ khác sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu NK vào thị trường Nhật.  Dự báo XK thủy sản Nhật Bản năm nay đạt 1,1 tỷ USD. Dự báo tổng XK thủy sản của cả nước năm 2017 đạt trên 7,4 – 7,5 tỷ USD, tăng 5 6% so với năm 2016.

Ông Sergio René Araujo Enciso, chuyên gia của FAO

Đối với ngành hàng lúa gạo, XK gạo của Việt Nam hiện nay bị cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ và các nước mới tham gia vào xuất khẩu gạo như Cambodia và Myanmar. Đồng thời, các nước nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam áp dụng các chính sách hạn chế nhập khẩu gạo như Trung Quốc tăng cường siết chặt nhập khẩu gạo qua đường biên giới và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt. Vì vậy về XK lúa gạo, Việt Nam cần theo dõi sát sao thị trường Trung Quốc để chủ động trước các biến động khó lường; nên duy trì quan hệ thương mại với các thị trường truyền thống, vẫn còn dư địa, như Philippines, Bangladesh. Đồng thời, khơi thống phát triển các thị trường mới, có tiềm năng tại châu Phi, châu Âu (đặc biệt là Đông Âu), tìm hiểu và thâm nhập thị trường Trung Đông, Mỹ Latin.

Ông Marion Klaver, CôngtyFresh Studio

Trong vài năm gần đây, ngành rau quả của Việt Nam nổi lên là ngôi sao sáng, khi thành tích XK liên tục tăng mạnh qua từng năm, với tốc độ tăng trưởng mỗi năm đều trên 30%. Đặc biệt, các nhà XK Việt Nam đã mở cửa thành công rau quả ở một số thị trường phát triển, giá cao, qua đó tăng cơ hội đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro thị trường.  Tuy vậy, với kim ngạch XK được nhận định sẽ đạt 3 tỷ USD trong năm 2017, thì Việt Nam vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ bé (2%) trên thị trường xuất khẩu rau quả (không tính các loại hạt) trị giá hơn 140 tỷ USD của thế giới. Việt Nam chỉ chiếm thị phần đáng kể nhất tại Trung Quốc nhưng có khuynh hướng giảm từ 2009 đến nay. Sự đầu tư mạnh mẽ của khu vực tư nhân, đặc biệt là đầu tư công nghệ cao, và nhu cầu lớn, đa dạng của thị trường nội địa là một thuận lợi đáng kể của ngành rau quả so với các tiểu ngành nông nghiệp khác hiện nay. Tuy vậy, ngành rau quả Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, đó là sản xuất phân tán, chưa được tổ chức hiệu quả và còn non nớt trên các thị trường quốc tế. Việt Nam cũng quá yếu về năng lực bảo quản rau quả, nên khó vận chuyển được đến các thị trường xa.

Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Văn phòng Quốc hội

Giải bài toán tăng trưởng ngành nông nghiệp, cần đầu tư công có chọn lọc, tập trung vào các hàng hóa – dịch vụ công trọng điểm: cơ sở hạ tầng nông thôn, cảnh báo thời tiết sớm, dịch vụ hành chính, nghiên cứu cơ bản. Cần cải thiện cơ sở hạ tầng, kho bãi, dịch vụ hậu cần, đặc biệt là hệ thống chuỗi kho lạnh; cải thiện tốc độ lưu thông, vận chuyển hàng hóa và bảo quản hàng hóa trong vận chuyển. Cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp: tập trung vào nâng cao năng lực và kết nối con người, tổ chức, hệ thống. Cần tăng cường năng lực và tổ chức quản lý rủi ro an toàn thực phẩm; tái định vị và xây dựng thương hiệu nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua: công nhận và bảo vệ sở hữu trí tuệ trong ngành nông nghiệp.  Tăng cường, đổi mới quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm dọc chuỗi giá trị, đặc biệt là đầu vào sản xuất nông nghiệp và các đầu mối thương mại nông sản lớn, để lương thực – thực phẩm sạch từ nguồn cung.

Theo Chu Khôi - VnEconomy

 


Tin khác