Diễn đàn do TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM và TS. Michael Krakowski - Cố vấn trưởng Dự án GIZ đồng chủ trì. Tham dự Diễn đàn có đại diện đến từ các Bộ, ngành có liên quan, các hiệp hội, viện, trường, các chuyên gia kinh tế cùng một số cơ quan báo chí đến đưa tin.
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Diễn đàn |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Michael Krakowski cho biết Diễn đàn là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các doanh nghiệp thảo luận, phân tích thực trạng cạnh tranh, chính sách cạnh tranh hiện nay. Từ đó đề xuất các giải pháp chính sách nhằm nâng cao mức độ phát triển thị trường, mức độ cạnh tranh, góp phần nâng cao năng suất và vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, cạnh tranh là động lực để giúp cho nền kinh tế ngày càng hiệu quả, năng động và phát triển tốt hơn. Do đó, cạnh tranh càng lớn thì càng thể hiện cấp độ phát triển của thị trường. Nhìn vào quá trình thực hiện chính sách cạnh tranh của Việt Nam thời gian qua, Viện trưởng Cung cho rằng, chúng ta đã thực hiện chính sách cạnh tranh nhưng còn phân tán, chia cắt và chưa được đặt trong hệ thống nên hiệu quả đạt được còn hạn chế. Luật Cạnh tranh đã được ban hành nhiều năm nay nhưng hiệu quả đạt được chưa như mong đợi, vai trò của cơ quan cạnh tranh vẫn còn mờ nhạt.
Bài trình bày của TS. Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng tổng quan hệ thống văn bản của Pháp luật cạnh tranh và phân tích tác động hạn chế của các hành vi phản cạnh tranh tại Việt Nam. Đồng thời chỉ ra những điểm mới của Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) như: mở rộng phạm vi điều chỉnh, mở rộng đối tượng áp dụng, bổ sung chương trình khoan hồng và thay đổi cách tiếp cận về kiểm soát tập trung kinh tế, v.v…
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM cho biết vai trò phản biện chính sách cạnh tranh của cơ quan cạnh tranh gần như chưa có trong dự thảo Luật Cạnh tranh, do đó cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ này cho cơ quan cạnh tranh nhằm đảm bảo và kiểm soát được quy định cản trở hoặc làm méo mó cạnh tranh.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách điều kiện kinh doanh, Nhà nước cần phải hành động thực chất và quyết liệt. Bên cạnh đó, cần giám sát, xử lý các cơ quan Nhà nước không bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đã yêu cầu và tăng cường vai trò rà soát, phản biện của các cơ quan độc lập như CIEM, các hiệp hội như VCCI; v.v…
Trong bối cảnh doanh nghiệp nhà nước đang đứng trước những thách thức gay gắt của yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, cộng thêm những ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái và trầm lắng kinh tế từ năm 2007-2008 đến nay, tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp nhà nước cần được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ. Bài trình bày của PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tập trung vào vấn đề điều chỉnh và bổ sung thể chế nhằm thúc đẩy cạnh tranh thông qua việc tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp nhà nước
Cũng tại Diễn đàn, Ông Lê Đồng Hải - Chuyên gia thị trường điện đã tổng quan về ngành điện, phân tích tiềm năng và thực trang cạnh tranh trong ngành điện ở Việt Nam. Đồng thời chỉ ra vai trò của hạ tầng cốt lõi trong việc thúc đẩy cạnh tranh.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã mô tả thực trạng sử dụng đất nông nghiệp và sự vận hành của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Thông qua việc phân tích các chính sách ảnh hưởng tới sự vận hành và phát triển của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, ông Tuấn đề xuất một số giải pháp thể chế và chính sách nhằm thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất, hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại, giá trị cao./.
Theo CIEM