Không dễ hỗ trợ tích tụ đất đai

27/08/2018

Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đồng Tháp là tỉnh sớm quan tâm đến vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm đáp ứng đòi hỏi của tính hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp (SXNN).

Chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai thí điểm áp dụng trong lĩnh vực trồng lúa, cây ăn trái và cơ giới hóa trong SXNN đã được địa phương này ban hành cuối năm 2017. Tính đến ngày 31.7.2018 đã có 84 đối tượng đăng ký hỗ trợ (81 cá nhân, 1 trang trại, 1 công ty và 1 tổ hợp tác). Trong số đó, 73 đối tượng đăng ký hỗ trợ thuê 945,2ha đất trồng lúa với kinh phí trên 4,7 tỉ đồng, 11 đối tượng đăng ký hỗ trợ thuê 50,3ha đất trồng cây ăn trái với kinh phí trên 684 triệu đồng...

Ấy nhưng, theo Sở NNPTNT Đồng Tháp, đến nay chưa thực hiện được việc giải ngân hỗ trợ do trong quá trình thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: Do quy mô, diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ không thể đáp ứng điều kiện về diện tích hỗ trợ (tối thiểu 10ha liền kề đối với cây lúa, 3ha liền kề đối với cây ăn trái) nên hầu hết các huyện phía Nam và 2 thành phố của tỉnh không đăng ký hỗ trợ từ chính sách này. Mặt khác, theo quy định, về hồ sơ thì hợp đồng thuê đất phải có công chức hoặc chứng thực. Thế nhưng, hiện đa số các hộ cho thuê đất đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng nên việc chứng thực hợp đồng thuê đất không thực hiện được.

Những khó khăn, vướng mắc này, các địa phương và người dân đã có phản ánh, đề nghị tháo gỡ. Sở NNPTNT Đồng Tháp và các sở, ngành liên quan cũng đã họp bàn, song chỉ mới khẳng định việc công chứng hoặc chứng thực hợp đồng thuê đất là cần thiết, bắt buộc trong giao dịch dân sự. Còn vướng mắc về điều kiện diện tích bắt buộc theo quy định phải chờ đến khi sơ - tổng kết sẽ đánh giá, xem xét, kiến nghị điều chỉnh sau.

Vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng là nơi thị trường SXNN hàng hóa phát triển mạnh, nhưng số hộ có quy mô diện tích trên mức hạn điền (3ha) không nhiều. Vì vậy, có thể thấy việc tỉnh Đồng Tháp ban hành chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai thí điểm áp dụng trong lĩnh vực trồng lúa, trồng cây ăn trái và cơ giới hóa trong SXNN là động thái tích cực. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để chính sách sớm được áp dụng vào thực tiễn...

Theo LĐO


Tin khác