Tích tụ đất nông nghiệp: Gian nan gõ cửa... từng hộ dân!

07/11/2018

Đàm phán với 2.000 hộ dân mới có được 180ha đất cho doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC)! Thực tế này ở tỉnh Hà Nam cho thấy, tích tụ đất – một trong những điều kiện tiên quyết để có thể hiện đại hóa nông nghiệp vẫn còn gặp quá nhiều khó khăn.

Sự manh mún cố hữu

Đất đai manh mún là một trong những cản trở để tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh ứng dụng NNCNC. Theo bà Phạm Thị Mơ - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Hòa Bình, hiện trên địa bàn vẫn rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp nên tỉnh có chủ trương phát triển liên kết chứ không tích tụ. “Sẽ rất khó để tích tụ được ruộng đất khi ở huyện Tân Lạc, có hộ sở hữu tới hàng chục mảnh đất. Đó là chưa kể, cơ chế thỏa thuận giá và giá cho thuê đất nông nghiệp còn gặp khó khăn: Có dự án đã giải phóng mặt bằng gần xong (9/10ha) nhưng còn một số hộ đòi giá cao gấp 2 – 3 lần giá thị trường do người dân tính đến cả lợi ích được hỗ trợ khi chuyển đổi nghề nghiệp” – bà Mơ nói.

Tại Hà Nam, một trong những địa phương làm rất tốt việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với 2 khu NNCNC ở huyện Lý Nhân đã đi vào hoạt động (diện tích 202,3ha, bước đầu giải quyết việc làm cho trên 400 lao động nông thôn), nhưng quá trình tích  tụ đất để giao đủ cho doanh nghiệp cũng rất gian nan.

“Để thu gom được 180ha đất giao cho một doanh nghiệp, chúng tôi phải thu gom của hơn 2.000 hộ dân” - ông Ngô Mạnh Ngọc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam chia sẻ. Nguyên nhân là do bình quân đất đai của tỉnh này chỉ có khoảng 500m2/khẩu, đã qua 2 lần dồn điền đổi thửa để tập trung đất đai phục vụ cho cơ giới hoá, nhưng trung bình đến nay, mỗi hộ vẫn sở hữu 1,7 thửa. 

Để tích tụ được đất đai, Hà Nam có chủ trương chính quyền cấp huyện, xã đứng ra thuê đất của dân (20 năm), sau đó tỉnh ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại đúng như thời gian thuê đất và giá thuê đất của dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn do nông dân  giữ. “Sở dĩ chính quyền huyện, xã phải đứng ra thuê đất vì nông dân họ không muốn mất đi quyền sử dụng đất” – ông Ngọc nói.

Nhà nước cần thu hồi hoặc đánh thuế nặng những diện tích đất công không sử dụng, hoặc sử dụng kém hiệu quả, nhằm tạo quỹ đất cho thuê, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp”. - TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

Sửa luật để gỡ rào cản

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), sở hữu đất nông nghiệp bình quân theo đầu người ở nước ta hiện đạt khoảng 0,07ha, chỉ bằng 1/4 so với Thái Lan (khoảng 0,27ha/người) và bằng 1/3 so với mức trung bình của thế giới (0,2ha/người). Trên 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam có diện tích nhỏ hơn 0,5ha. Mỗi nông hộ vẫn sở hữu trung bình 3,1 mảnh đất trồng cây hàng năm.

Ruộng đất manh mún, đất đai phân tán khiến quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất trên bình diện cả nước diễn ra rất chậm, khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tính đến nay, cả nước mới có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm gần 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu tính riêng các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông lâm sản và thủy sản, số doanh nghiệp giảm xuống chỉ còn trên 1%, tương ứng với khoảng 7.600 doanh nghiệp. Kéo theo đó, vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp cũng đạt rất thấp với khoảng 8 - 10% tổng nguồn vốn đầu tư toàn ngành kinh tế; trong đó, đầu tư sản xuất trực tiếp chỉ chiếm 1%.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Ipsard cho rằng, hiện các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong cả 3 hình thức thuê đất đầu tư phát triển nông nghiệp. Khi thuê đất trực tiếp của người dân thì chi phí giao dịch cao. Thuê đất của cơ quan quản lý nhà nước thì thuận lợi hơn về giá, tuy nhiên quỹ đất công hiện rất hạn chế và ngày càng khan hiếm. Trong khi, đối với hình thức mới nhất là Nhà nước thuê của người dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại thì hiện vẫn thiếu khung pháp lý làm cơ sở thực hiện.

Từ thực tế này, bà Phạm Thị Mơ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần xem xét, trình Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013. “Nếu phải làm việc với từng hộ dân thì sẽ rất khó để doanh nghiệp gom được diện tích đất cần thiết triển khai dự án” - bà Mơ nói.

Trong khi đó, ông Ngô Mạnh Ngọc cho rằng, trong quá trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phải trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân có đất, người dân không mất quyền sử dụng đất trong đó một bộ phận lao động được doanh nghiệp tuyển dụng, một số khác chuyển dịch lao động sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. “Đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 vì nếu để doanh nghiệp thỏa thuận với các hộ dân để thuê đất đầu tư phát triển NNCNC như quy định của luật sẽ rất khó thực hiện” – ông Ngọc nói. 

Để mở đường cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đề nghị, các bộ, ngành cần sớm điều chỉnh khung giá đất quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT, bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường. Đối với việc tích tụ đất đai, cần xây dựng “cơ chế đồng thuận” nhằm tránh tình trạng một số dự án thu hồi đất chịu phản ứng của một vài trong tổng số hàng trăm hộ dân, nhưng vẫn không thể triển khai.

Theo Nông thôn ngày nay


Tin khác