Truy xuất nguồn gốc nông sản: Ai giám sát, Ai kiểm chứng thông tin?

06/11/2018

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa muốn thực sự hữu dụng cần thay đổi tư duy quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất tạo ra sản phẩm.

Truy xuất nguồn gốc đang trở thành xu thế của thời đại và dần thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên việc lựa chọn hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng như chi phí để vận hành, kiểm soát hệ thống hay chính sách quản lý thiếu rõ ràng đang là những "điểm nghẽn" khiến truy xuất nguồn gốc chưa phát huy hết hiệu quả.

Cả người tiêu dùng và doanh nghiệp chưa mặn mà

Những mô hình truy xuất truyền thống như nhập "hồi ký sản xuất" bằng tay để tạo QR code; sản xuất tem truy xuất dán lên sản phẩm; QR code của sản phẩm do doanh nghiệp tự công bố và trả tiền dịch vụ đưa vào lưu trữ trong cơ sở dữ liệu riêng... còn nhiều bất cập, người tiêu dùng không xem được các thông tin về truy xuất hoặc thông tin truy xuất chưa đáng tin cậy.

Chị Phan Kiều Mai, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, từ lâu chị đã nghe đến hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm thực phẩm theo mã QR cài trên điện thoại thông minh. Tuy trên điện thoại chị cũng đã cài phần mềm này nhưng không mấy khi dùng vì không dám chắc chắn tính chính xác của mã QR đến đâu.

"Đúng là quét mã QR thì có thể hiện được một số thông tin cơ bản từ doanh nghiệp sản xuất, tên sản phẩm, ngày, tháng đóng gói, hạn sử dụng... Tuy nhiên, tất cả những thông tin này đều là một chiều từ phía doanh nghiệp. Tôi không thấy thể hiện bất cứ cơ quan hay đơn vị giám sát tính chính xác của thông tin. Như vậy khác gì tôi mua hàng chỉ cần đọc trên mác sản phẩm là xong", chị Mai cho hay.

Không ít người có cùng thắc mắc giống như chị Mai, khiến cho bản thân doanh nghiệp dù làm đúng cũng không mặn mà với truy xuất nguồn gốc. Nguyên do, nếu doanh nghiệp áp dụng họ sẽ mất chi phí vận hành, kiểm soát hệ thống trong khi, hiệu quả mang lại không như mong muốn.

Theo bà Đặng Thị Phương Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Cofidec, tính trung thực của dữ liệu truy xuất nguồn gốc hiện tại vẫn chưa được đảm bảo toàn diện trong quá trình vận hành hệ thống. Nguyên nhân nằm ở thời điểm phát sinh dữ liệu và ghi nhận diễn ra không đồng thời.

Giới chuyên gia nhận định, hiện có nhiều đơn vị làm truy xuất nguồn gốc, nhưng thực tế chưa phải truy xuất nguồn gốc mà mới chỉ cung cấp thông tin sản phẩm. Đa phần ai thích thì làm, mà vẫn chưa có quy định rõ ràng về truy xuất.

Thêm vào đó, việc truy xuất nguồn gốc muốn làm đúng phải có sự kiểm soát chặt chẽ và thống nhất từ khâu nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển, đưa ra thị trường...

Tuy nhiên, tại Việt Nam mỗi quy trình lại do một đơn vị quản lý khác nhau, nhất là khi hàng hóa thực phẩm ra thị trường, cơ quan chức năng chỉ tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm là chính. Sự quản lý chồng chéo, khâu quản, khâu không đã khiến việc truy xuất nguồn gốc không đạt hiệu quả mong muốn.

Chính vì lẽ đó dù các hệ thống truy xuất nguồn gốc từ mã QR đến mã số, mã vạch tuy đã đưa vào triển khai thực tế trong nhiều năm nhưng vẫn không thu hút được sự quan tâm quá lớn từ người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp sản xuất nông sản thực phẩm nhỏ lẻ.

Cần quy định rõ ràng, cụ thể

Việc thương mại hóa phát triển, việc truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu. Nhiều thị trường như EU, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Trung Quốc... đã đưa ra yêu cầu rất ngặt nghèo trong sản xuất, thương mại, trong đó vấn đề truy xuất nguồn gốc đặt ra ở một mức cao hơn nhiều.

Theo ông Phạm Duy Khánh, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, để việc truy xuất nguồn gốc đạt được đúng hiệu quả của nó, trước hết cần bắt đầu từ tư duy, chính sách quản lý.

"Cần xây dựng các quy định cụ thể về thông tin cần truy xuất (độ rộng) và mức độ truy xuất đến tác nhân nào, cụ thể ra sao để tạo tính đồng nhất của thông tin. Cùng với đó đưa ra chuẩn cơ sở dữ liệu để có thể đồng bộ hóa dữ liệu lớn nhằm tăng cường quản lý thông qua quy định chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc đạt chuẩn", ông Khánh đề xuất.

Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 của Việt Nam đạt hơn 400 tỷ USD, cho thấy độ mở nền kinh tế rất lớn. Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại (FTA), truy xuất nguồn gốc nếu thực hiện tốt không chỉ phục vụ FTA mà phục vụ cả quản lý của Nhà nước và doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm an toàn. Vì thế, truy xuất nguồn gốc muốn hữu dụng cần phải thay đổi tư duy quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất tạo ra sản phẩm.

Theo VOV


Tin khác