|
Đóng gói hoa quả phục vụ xuất khẩu tại Đồng Tháp. Ảnh: Đức Nhung. |
Gần 50% sản phẩm không đến tay người tiêu dùng
Theo số liệu mới nhất từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), hằng năm, thất thoát sau thu hoạch nông nghiệp ở Việt Nam lên tới 40 - 45%.
Riêng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm sản xuất ra 20 - 22 triệu tấn lúa, nhưng tỷ lệ thất thoát ở mức 10 - 12%, tương đương khoảng 3.000 - 3.500 tỷ đồng bị mất đi. Đối với rau quả và trái cây cũng trong tình trạng tương tự, tùy theo phương thức chế biến và vận chuyển, mức độ tổn thất có thể lên tới 45%. Sản phẩm thủy, hải sản cũng không phải là ngoại lệ khi tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch ở ngưỡng 35%.
Hiện nay, tại Việt Nam, việc cung ứng thực phẩm tươi chủ yếu vẫn từ đồng ruộng đi thẳng đến các chợ truyền thống, siêu thị mà không có bất cứ hình thức bảo quản nào trước khi đến tay người tiêu dùng.
Các sản phẩm này sau khi được người nông dân thu hoạch sẽ được thương lái thu mua vận chuyển lên xe và phân phối đến chợ đầu mối, nhà hàng, siêu thị. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu vẫn chọn kênh thương mại truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hoá để mua - bán. Những kênh này thường không có hệ thống bảo quản khiến nhiều thực phẩm tươi như rau củ, hoa quả… nhanh hỏng, gây thất thoát, lãng phí lớn.
Ông Julien Brun, Tổng giám đốc Công ty CEL Consulting dẫn khảo sát 150 nông dân ở những vùng địa lý khác nhau cho thấy, tỉ lệ thất thoát của thực phẩm Việt Nam khá cao và có sự khác nhau giữa các nhóm hàng. Cụ thể, mặt hàng rau quả có tỉ lệ thất thoát đến 32%, cao hơn mức trung bình của châu Á là 29%; ở nhóm thịt là 14%, thủy hải sản là 12%.
Theo ông Julien Brun, tỉ lệ thất thoát này chủ yếu xảy ra ở khâu sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Mức thất thoát thực phẩm khá cao khiến một lượng thực phẩm lớn, ước tính gần 50% không bao giờ đến được người tiêu dùng, và lượng này lại gây ra sự ô nhiễm.
Yếu công nghệ sau thu hoạch
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, không khó để có thể nhận thấy công nghệ sau thu hoạch của chúng ta vẫn còn khá hạn chế nếu như không nói là còn tương đối yếu.
“Những câu chuyện về giải cứu các mặt hàng nông sản liên tục trong những năm gần đây là minh chứng cho thấy công nghệ sau thu hoạch của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết”, bà Thủy nói.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, ở nước ta, việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch chưa được chú trọng đầu tư dẫn đến thiếu hệ thống bảo quản, thiếu máy móc công nghệ phục vụ chế biến sâu. Thực tế, những công nghệ bảo quản nông sản như: chiếu xạ, bảo quản thực phẩm đông lạnh CAS, bao gói khí điều biến (MAP), bảo quản bằng chế tạo màng phủ, bảo quản bằng hệ thống mát - lạnh... đã được một số doanh nghiệp chế biến nông sản áp dụng nhưng chủ yếu được thực hiện lẻ tẻ, chưa đồng bộ và rộng khắp.
Điều này cũng xuất phát từ phương thức canh tác và tiêu thụ nông sản lâu nay của người dân, chủ yếu là bán tươi sản phẩm ngay tại ruộng cho thương lái hoặc bảo quản sơ sài tại nhà. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản của nước ta chủ yếu là xuất khẩu thô, tỷ lệ chế biến tinh rất thấp cho nên hầu hết chưa chú trọng đầu tư trang bị các máy móc công nghệ cao để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Đây chính là rào cản lớn trong việc cải thiện thu nhập cho nông dân, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, kéo theo giá trị gia tăng của nền nông nghiệp Việt Nam luôn ở mức thấp hơn tiềm năng và kỳ vọng.
Ứng dụng công nghệ lạnh - mát
Việt Nam dành phần lớn diện tích đất phục vụ nông nghiệp, song do sản xuất manh mún, nông sản thất thoát nhiều trước khi đến được tay người tiêu dùng. Quản lý chuỗi cung ứng, bảo quản bằng hệ thống mát - lạnh được coi là giải pháp quan trọng để khắc phục thất thoát trong nông sản.
Hiện tượng “gãy, đứt đoạn” trong cung ứng lạnh-mát tại Việt Nam là khá phổ biến trong ngành bán lẻ, thực phẩm, đặc biệt là trên kênh thương mại truyền thống chiếm 86% giá trị đóng góp cho bán lẻ tại Việt Nam. Mặc dù, trong vòng 10 năm qua, năng lực phục vụ trong cung ứng lạnh - mát tại Việt Nam tăng 4 lần nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Ông David Appel, Chủ tịch Carrier Transicold & Refrigeration Systems, cho biết, việc ứng dụng công nghệ lạnh - mát vào chuỗi thực phẩm, nông sản không chỉ giúp sản phẩm tươi, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn góp phần rất lớn vào việc giảm lãng phí, thất thoát thực phẩm, tạo ra nhiều hơn lượng lương thực và giảm lượng khí thải trong việc sản xuất lương thực.
Theo ông David Appel, công nghệ và giải pháp mới không chỉ giúp cho chuỗi cung ứng lạnh - mát quản trị hiệu quả hơn, mà còn giúp giảm khí thải CO2, tăng cường hoạt động thương mại giữa các nước, giúp cải thiện nạn đói.
“Do đó, việc kêu gọi và tập trung được nhiều chuyên gia thế giới đại diện cơ quan chính quyền, khối kinh tế tư nhân, khối khoa học - nghiên cứu để cùng thảo luận và chung tay triển khai các chiến lược, giải pháp thiết thực giúp giảm lãng phí thực phẩm tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, ông David Appel nói.
Thống kê trên toàn thế giới, chỉ có 10% lượng thực phẩm - nông sản tươi sống được bảo quản lạnh - mát. Đây là cơ hội để cắt giảm lãng phí thực phẩm và cải thiện việc phân phối thực phẩm hiệu quả hơn thông qua ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh - mát trên chuỗi. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng thành công và hiệu quả nhất, các đơn vị tham gia chuỗi thực phẩm, nông sản, cần phải hiểu nhu cầu thực tế tại từng địa phương cũng như các thị trường.
Nhấn mạnh về hiện trạng thất thoát nông sản tại Việt Nam, ông Julien Brun, chuyên gia đến từ nước Pháp cũng cho rằng, với nền tảng sản xuất nông nghiệp và mức tăng trưởng kinh tế nhanh, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức trong lãng phí thực phẩm, nông sản trên chuỗi cũng như khó khăn trong việc quản trị logistics cho chuỗi cung ứng lạnh - mát như các quốc gia đang phát triển khác.
Đồng tình với quan điểm này, các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, những điểm nghẽn trong thất thoát, lãng phí nông sản, thực phẩm Việt Nam là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún.
Đặc biệt, chi phí cho logistics cao, chiếm tới 21 - 25% GDP hàng năm, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư chuỗi cung ứng lạnh-mát, người tiêu dùng, nhà quản lý chưa quan tâm đến việc bảo quản thực phẩm an toàn trong kho lạnh,…
Chính vì vậy, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn của các nhà trong việc nghiên cứu và đánh giá các cơ hội cũng như giải pháp quản trị cung ứng lạnh - mát để khắc phục việc thất thoát nông sản, lập và phân chia công việc trong kế hoạch hành động để cùng nhau giảm lượng thất thoát hiện tại.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam, cho hay, chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam là tổ chức lại sản xuất quy mô lớn, phát triển kinh tế hợp tác, tăng cường liên kết chuỗi, khuyến khích đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư công; trong đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ…
Mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và PTNT là đến năm 2020 giảm tổn thất đối với lúa gạo xuống còn 5 - 6%; thủy sản, rau quả xuống còn dưới 10%. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, muốn đạt được chỉ tiêu này, đòi hỏi toàn ngành nông nghiệp phải có quyết tâm lớn và có sự thay đổi đồng bộ từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ sản phẩm. Từ nông dân đến các doanh nghiệp chế biến nông sản đều phải hướng tới sản phẩm chế biến tinh thay vì vẫn nghiêng về hình thức chế biến sản phẩm thô.
Cùng với đó, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm tới chính sách tín dụng đối với việc đầu tư công nghệ trong lĩnh vực này, bởi lẽ tiềm lực tài chính của các hộ nông dân còn rất khiêm tốn, ngay cả các hợp tác xã hay doanh nghiệp chế biến nông sản cũng gặp không ít khó khăn về vốn.
Chỉ khi có sự lớn mạnh về năng lực tài chính cộng với sự thay đổi trong chính tư duy của các chủ thể làm nông nghiệp thì việc tập trung đầu tư công nghệ chế biến sau thu hoạch mới sớm được thực hiện hiệu quả để giảm thất thoát và nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho nông sản.
Gỡ “nút thắt” công nghệ sau thu hoạch
Việc ứng dụng công nghệ cao sau thu hoạch nông sản lâu nay không chỉ người nông dân mà ngay cả doanh nghiệp vẫn thường kêu khó trong việc tiếp cận vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị. Để gỡ bỏ “nút thắt” này, PGS. TS Nguyễn Thị Bích Thủy cho rằng, phải nhìn nhận từ cả hai phía, nhất là từ phía nhà nước, cần có sự quan tâm và đầu tư nguồn ngân sách nhất định để hỗ trợ.
Có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người nông dân bởi điều kiện của họ còn quá khó khăn. Đối với doanh nghiệp, họ cũng cần có niềm tin khi bỏ vốn đầu tư cho công nghệ, nhưng phải đảm bảo mang lại những kết quả xứng đáng.
“Nhà nước cần có sự điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp. Trong đó, những chương trình đầu tư mà doanh nghiệp là đối tượng ưu tiên, là đối tượng trung tâm kết nối với nhà khoa học để đưa ra những công nghệ mới vào các lĩnh vực nông nghiệp nói chung cũng như công nghệ sau thu hoạch nói riêng”, bà Thủy nhấn mạnh.
Theo bà Thủy, Nhà nước cần có một chiến lược và tầm nhìn dài hạn đối với từng nhóm đối tượng, đồng thời có những chính sách cụ thể. Ngoài ra, chúng ta cũng cần kêu gọi đầu tư từ bên ngoài, hợp tác công tư với những đối tác có năng lực tốt trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch nói riêng cũng như trong nông nghiệp nói chung nhằm tạo cơ hội rất tốt để giải bài toán thất thoát nông sản tại Việt Nam.
Theo KTNT