Sụt giảm về khối lượng và kim ngạch
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), 8 tháng năm 2018, một số nông sản XK chủ lực của Việt Nam có sự sụt giảm mạnh cả về sản lượng và kim ngạch ở thị trường của “anh bạn láng giềng phương Bắc”.
Cụ thể, khối lượng gạo XK trong tháng 8.2018 ước đạt 441.000 tấn, trị giá 209 triệu USD, đưa khối lượng gạo XK 8 tháng năm 2018 lên 4,4 triệu tấn, kim ngạch 2,2 tỷ USD, tăng 6,8% về khối lượng và tăng 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 với 24,7% thị phần.
Tuy nhiên, lượng gạo xuất sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 927.000 tấn với kim ngạch 491 triệu USD, giảm tới 32,5% về khối lượng và giảm 21,5% giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Nguyên nhân cơ bản khiến XK gạo sang Trung Quốc sụt giảm là do từ năm 2017, Trung Quốc thay đổi chính sách kiểm soát doanh nghiệp nhập khẩu gạo, giảm từ 150 doanh nghiệp xuống chỉ còn 22 doanh nghiệp. Đến đầu năm 2018, có 3 trong số 22 doanh nghiệp này lại bị Trung Quốc rút giấy phép do vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật.
Đối với mặt hàng cá tra, dù Trung Quốc vẫn đứng đầu về nhập khẩu cá tra của Việt Nam nhưng nhiều quy định của phía bạn cũng khiến doanh nghiệp đau đầu. Ví dụ, quy định về dư lượng photphát trong cá tra, trong khi hàng không hóa chất châu Âu quy định hàm lượng này không vượt quá 4% thì phía Trung Quốc khi kiểm tra sản phẩm cá tra Việt Nam lại nhận định sản phẩm có dư lượng, không đạt tiêu chuẩn của nước họ.
Đó là chưa kể, cá tra nhập khẩu vào Trung Quốc qua đường chính ngạch phải chịu thuế VAT 17% (trong khi nhập khẩu tiểu ngạch không phải chịu thuế này) và Trung Quốc cũng bắt đầu siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm.
Thực tế, những đổi mới trong chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã được báo trước khi theo quy định từ ngày 1.4.2018, các loại trái cây của Việt Nam XK sang Trung Quốc phải được truy xuất nguồn gốc. Điều này ít nhiều khiến các doanh nghiệp bị động, nhất là trong vụ vải thiều vừa qua.
Hãy đi bằng chính ngạch
Có thể nhận thấy, dù thị trường Trung Quốc vô cùng rộng lớn nhưng cho tới thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược XK bài bản, rất nhiều loại nông sản vẫn được đưa sang nước bạn bằng con đường tiểu ngạch.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng thừa nhận một thực tế, hiện nay có một khối lượng lớn cá tra Việt Nam được XK sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
“Hiện nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đang chiếm đến 40% trong tổng kim ngạch XK. Trong khi đó, giá XK giữa đường chính ngạch và tiểu ngạch chênh lệch khá lớn, lên đến 1USD/kg, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là chưa kể, chất lượng hàng hóa xuất qua đường tiểu ngạch cũng khó được kiểm soát, rất có thể các nhà nhập khẩu với giá rẻ, sau đó lại chế biến sản phẩm dưới tên gọi khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá tra Việt Nam” - ông Quốc nói.
Trước thực trạng XK cá tra tiểu ngạch sang Trung Quốc có phần lấn át, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đề nghị các ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa hoạt động kiểm soát chất lượng hàng cá tra đi qua đường tiểu ngạch, Bộ NNPTNT có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản hiện nay để đảm bảo chất lượng thủy sản XK qua biên giới.
VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên chủ động tuân thủ chặt chẽ về việc truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và sử dụng chứng thư thủy sản XK theo quy định. Đồng thời, doanh nghiệp cần kiểm soát tốt nhất chất lượng thủy sản XK nói chung cũng như sang thị trường Trung Quốc nói riêng, trong đó bao gồm sản phẩm cá tra.
Đồng quan điểm, GS Võ Tòng Xuân (Trường Đại học Nam Cần Thơ) cho biết, để tăng cường XK gạo sang Trung Quốc, Bộ Công Thương đã mời 15 doanh nghiệp Trung Quốc sang để bàn về XK gạo theo đường chính ngạch. Vì XK gạo tiểu ngạch vừa thiệt hại cho nông dân lại thiệt hại cho Nhà nước.
Trong rất nhiều cuộc hội thảo, người Trung Quốc luôn khẳng định, họ dễ tính nhưng không dễ dãi, và không phải cái gì cũng có thể đưa sang nước họ. Vì vậy, ngay từ lúc này, muốn đi đường dài, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, đưa hàng hóa sang Trung Quốc bằng con đường chính ngạch, vừa bảo vệ uy tín sản phẩm vừa đảm bảo sự bền vững.
Theo Dân Việt