Nông sản Mỹ "đổ bộ" vào Việt Nam

08/08/2019

Cơ cấu hàng nông sản trên thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự có mặt của các “đặc phẩm” xuất xứ từ Mỹ. Người tiêu dùng được lợi nhưng thị trường sẽ có cú “sốc”.

Người tiêu dùng trong nước nằm mơ cũng không thể tin cua hoàng đế, tôm hùm Alaska, năm ngoái bán với giá từ 1 triệu đồng 1kg nay còn 650 nghìn đồng/kg. Ngoài hải sản ở vùng Alaska, các nông sản của Mỹ cũng ồ ạt về Việt Nam với giá thấp, điển hình là đậu nành, thịt heo, cherry...

Món hời với người tiêu dùng

Trong đó, giá thịt heo Mỹ nhập khẩu đang rẻ hơn 15% so với hàng Việt; đậu nành sau khi trừ chi phí vận chuyển, giá bán lẻ cũng chỉ bằng một nửa hàng Việt. Riêng cherry đang có giá bán thấp hơn 40% so với năm ngoái.

Nguyên nhân được xác định là do tác động của cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc khiến nước này nói “không” với hàng loạt nông sản Mỹ khiến nguồn cung dư thừa, Việt Nam chỉ là một trong những điểm đến.

Diễn biến hiếm hoi này giúp người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội thưởng thức các sản phẩm trứ danh của nền nông nghiệp Mỹ, giải “cơn khát” sính ngoại của một bộ phận dân cư ở các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.

Trước khi chiến tranh thương mại bùng nổ, nhập khẩu nông sản từ Mỹ của Trung Quốc đạt khoảng 20 tỷ USD/năm, ông Gregg Doud, người đứng đầu nhóm đàm phán về nông nghiệp của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, cho biết: “Nói cách khác, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của phần lớn nông sản thế giới”

Đây là minh chứng cho thấy sự lợi hại của thị trường Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới, một khi thị trường này ngưng mua lập tức xuất hiện trạng thái thừa tương đối, không chỉ với Việt Nam mà kể cả nền kinh tế hùng mạnh như Mỹ vẫn “dính đòn”.

Áp lực lên thị trường Việt

Làn sóng nông sản Mỹ giảm giá ồ ạt đổ bộ chắc chắn dễ dàng đánh bại hàng Việt Nam ngay trên sân nhà, nhất là ở phân khúc các sản phẩm cao cấp.

Lâu nay chúng ta chỉ chú trọng làm sao xuất khẩu hàng sang Mỹ khi họ không mua từ Trung Quốc. Nhưng diễn biến này đặt ra bài toán hóc búa hơn, làm thế nào để đối phó với “hàng chất lượng cao” dội lại thị trường trong nước?

Nếu nhân cơ hội này nhiều doanh nghiệp nội nhảy sang buôn hàng Mỹ tức là đẩy hàng Việt vào khó khăn hơn, song rất khó để từ chối hàng Mỹ trừ khi hàng Việt đủ “trình” đứng ngang hàng.

Tuy nhiên, đây không phải là mối nguy quá lớn với thị trường Việt, mặc nhiên nông sản Mỹ không thể tồn tại mãi theo kiểu “hạ giá” và người tiêu dùng trong nước không thể kéo dài thời gian hưởng lợi. Bằng chứng là Chính phủ Mỹ chi hàng chục tỷ USD để trợ giúp người nông dân trong nước.

Từ việc hàng Trung Quốc “đột lốt” Việt Nam sang Mỹ, hàng Mỹ bất ngờ đổ bộ vào Việt Nam có thế thấy, tác động của chiến tranh thương mại ngày một rõ rệt hơn. Và trong tương lai sẽ còn nhiều diễn biến bất ngờ làm “sốc” thị trường nội địa nếu như chúng ta không chuẩn bị sẵn kịch bản đối phó.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp


Tin khác