Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam bởi châu Âu (EU) hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, để nông sản Việt vào được cái “chợ” khổng lồ này, hàng Việt phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng, hay nói cách khác là phải có chính danh được công nhận.
Dư địa còn lớn
Chia sẻ tại Diễn đàn Nông nghiệp bền vững Việt Nam -châu Âu: Nông nghiệp 4.0, chìa khóa tiếp cận thị trường EU do Bộ NNPTNT phối hợp với VCCI và EuroCham tổ chức sáng 19/9 tại Hà Nội, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, EU là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU đạt 55 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 40 tỷ USD. EU cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, với kim ngạch 2.238 tỷ USD.
|
Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu tôm sang EU. Ảnh: I.T |
“Việt Nam đứng trong top 10 thị trường xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường EU, tuy nhiên, tỷ trọng vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ bằng 1/10 của Trung Quốc. Có thể nhận thấy, với độ mở của thị trường, dư địa xuất khẩu nông sản sang EU của Việt Nam còn vô cùng lớn, cộng với cam kết cắt giảm các dòng thuế sau khi EVFTA có hiệu lực, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về sự khởi sắc trong xuất khẩu nông sản vào thị trường này” - bà Trang nói.
Tuy vậy, theo bà Trang, tuy phần lớn các dòng thuế được cắt giảm nhưng tất cả các hàng rào kỹ thuật vẫn được giữ nguyên, thậm chí còn tăng để đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, vì vậy, khi xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp phải đảm bảo hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng.
“Ví dụ, với mặt hàng gạo, dù chúng ta có hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn/năm sang EU nhưng khó khăn nằm ở chỗ gạo Việt phải cạnh tranh với những dòng gạo thơm của Thái Lan, Campuchia” - bà Trang nói.
Với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, EU được đánh giá thị trường tiềm năng lớn. EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. |
Đối với mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm, theo thống kê của Eurostat, nhập khẩu tôm các loại của EU trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 262.500 tấn, trị giá 1,8 tỷ Euro (tương đương 2 tỷ USD), tăng 7% về lượng, nhưng giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong 3 thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho EU, nhập khẩu tôm của EU từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 giảm mạnh nhất, giảm 11,2% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 31.100 tấn, trị giá 271,7 triệu USD. Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn thứ 3 về lượng, nhưng là thị trường cung cấp lớn thứ 2 về trị giá cho EU. Giá tôm trung bình EU nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 8,7Euro/kg (tương đương 9,6USD/kg), giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đánh giá, EU là thị trường xuất khẩu tôm đầy tiềm năng bởi dung lượng thị trường lớn. Với việc Hiệp định EVFTA đã được ký kết, ngành tôm Việt Nam sẽ có nhiều ưu thế.
Tăng cường đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Theo ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ là một trong những ngành nhận được nhiều lợi ích nhất từ EVFTA vì việc giảm thuế sẽ làm tăng nhu cầu và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường lớn tiêu dùng lớn và chỉ tiêu cao của EU. Tuy nhiên, EU có tiêu chuẩn rất cao về nhập khẩu thực phẩm.
“Vì vậy, việc các doanh nghiệp EU và các nhà sản xuất Việt Nam kết hợp với nhau, học hỏi lẫn nhau và giúp phát triển một ngành nông nghiệp hàng đầu thế giới tại Việt Nam với các sản phẩm an toàn, được chứng nhận” - ông Nicolas nói.
Trong khi đó, theo đánh giá của ông Carsten Schittek - Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, Phái đoàn Liên minh EU tại Việt Nam cho biết, hiện, EU đang là thị trường số 1 của nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam như cà phê khi kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm tới 40% tổng kim ngạch, thủy sản chiếm 16,5%, điều 24,5%, gỗ chiếm 9%.
“Khi EVFTA có hiệu lực, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình 7 năm. Cụ thể, có đến 70,3% dòng thuế về 0% ngay, và đạt đến 99,7% dòng thuế về mức 0% sau 10 năm sau đó” - ông Carsten nói.
Ngoài ra, theo ông Carsten, Việt Nam hiện là quốc gia có nhiều sản phẩm đã được công nhận chỉ dẫn địa lý tại EU với 39 sản phẩm. Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở EU sẽ giúp giá bán tại thị trường bán lẻ được cải thiện, có thể tăng gấp đôi.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nhận định, EU là thị trường quan trọng của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, việc được EU chấp nhận cũng sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt ở nhiều thị trường khác bởi EU luôn có những đòi hỏi vô cùng khắt khe.
“Để chinh phục được cái chợ khổng lồ này, các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chế biến sản phẩm nông sản, đặc biệt chú ý đến vấn đề truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm để vượt qua được mọi hàng rào kỹ thuật, mở rộng thị trường” - ông Doanh nói.
Theo Nông thôn ngày nay