Nông sản chủ yếu vẫn xuất khẩu thô
Theo bà Lê Thị Bích Thu, chuyên gia của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Đến nay, cả nước có 7.500 cơ sở CBNS quy mô công nghiệp gắn với XK, đưa các sản phẩm nông sản đã qua chế biến của Việt Nam XK tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả nhiều thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản. Mặc dù vậy, đa số công nghệ và chất lượng CBNS chỉ đạt mức độ trung bình của thế giới. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) nông sản của Việt Nam có mức tăng trưởng hằng năm khá (bình quân tăng khoảng 8-10%/năm), song, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế, chất lượng không đồng đều... Vì thế, nông sản Việt Nam chủ yếu XK sản phẩm thô dẫn tới giá trị thấp hơn mặt hàng cùng loại của các nước. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp CBNS, tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%), gây ra thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy: Trong 9 tháng năm 2019, mặc dù đa phần các mặt hàng nông sản, thủy sản có lượng XK tăng nhưng KNXK nông sản giảm 7,2%, thủy sản giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân một phần do tác động của thị trường chung thế giới, phần khác do Việt Nam chủ yếu XK nông sản thô, giá XK bình quân giảm mạnh làm cho KNXK giảm. Điều này thể hiện rõ nhất ở ngành cà phê, hồ tiêu-hai mặt hàng đứng tốp đầu thế giới về sản lượng XK nhưng chủ yếu là xuất thô, khó cạnh tranh và không có thương hiệu.
Phân tích rõ hơn về điều này, ông Vũ Huy Phúc, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp, nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) cho biết: "Hiện, đầu tư cho công nghiệp chế biến chưa tương xứng với tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp. Hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 đến 1/3 mức tối thiểu của các nước khác). Hơn 90% trình độ công nghệ chế biến nhiều mặt hàng nông sản ở mức độ trung bình và lạc hậu. Khâu chế biến mới chỉ sử dụng 5-10% sản lượng nông sản XK".
Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ
Theo Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Thị Tuệ Anh: Thực tế cho thấy, nếu không tăng tốc mạnh mẽ tỷ lệ hàng đã qua chế biến, phục vụ XK thì đó sẽ là thiệt thòi lớn cho DN và nhà nông. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết khi Việt Nam luôn nằm trong nhóm những quốc gia dẫn đầu về sản lượng XK nông sản nhưng giá trị thu về lại chưa xứng với tiềm năng.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết gần đây được đánh giá là cơ hội cho nông sản Việt Nam có điều kiện thuận lợi để hội nhập, chinh phục các thị trường khó tính nhất. Theo bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam: Hiện nay, nhiều thị trường thế giới rất ưa thích sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu để DN nông nghiệp muốn phát triển bền vững, đẩy mạnh XK. Do đó, yêu cầu cấp thiết đối với DN ngành nông nghiệp hiện nay là phải ứng dụng bằng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo đảm mọi hàng hóa đều có hồ sơ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, theo ông Vũ Huy Phúc, phải tổ chức phát triển các cụm liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn để bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Cùng với đó, rà soát sửa đổi chính sách về thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hướng mở rộng lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế suất thuế VAT bằng 0% cho các lĩnh vực nông sản được ưu tiên thu hút đầu tư; bảo đảm công bằng trong đánh thuế VAT giữa hàng hóa XK và tiêu thụ nội địa. “CBNS không chỉ giúp gia tăng giá trị XK mà còn tận dụng triệt để các phụ phẩm để làm ra các sản phẩm khác. Đầu tư để nâng cao năng lực cho DN ngành CBNS chính là giải pháp mấu chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị XK cũng như phát triển nền nông nghiệp nước ta một cách bền vững”, ông Vũ Huy Phúc nêu rõ.
Bà Lê Thị Bích Thu cho rằng, chính sách huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển công nghiệp CBNS chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp. Cùng với đó, xây dựng chính sách có tính đột phá hỗ trợ DN đầu tư công nghệ hiện đại, CBNS hàng hóa.
Ở góc độ khác, bà Trần Hoàng Yến, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP (Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản) cho rằng: "Đa phần sản phẩm thủy sản Việt Nam XK ở dạng sơ chế, không phải tất cả là do năng lực của DN Việt Nam kém. Vấn đề ở đây là ở một số thị trường trọng điểm, như EU, Mỹ, Nhật Bản… có nhiều DN muốn nhập sản phẩm sơ chế của Việt Nam, sau đó đưa về nước họ để chế biến sâu, từ đó thu lại hàm lượng giá trị gia tăng. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần xúc tiến thành lập trung tâm phân phối ở các thị trường lớn để hàng nông, thủy sản Việt Nam có thể trực tiếp phân phối vào các chuỗi bán lẻ của các nước. Nếu không quan tâm vấn đề này, rất khó để XK được những sản phẩm thủy sản chế biến sâu, đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho DN và nền kinh tế đất nước”.
VŨ DUNG - Báo Quân đội nhân dân