HỘI THẢO “PHÂN BỔ SỬ DỤNG ĐẤT LÚA – BÀI TOÁN ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC TRONG BỐI CẢNH MỚI”

15/10/2019

Để xây dựng chiến lược đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) tới 2030 trong bối cảnh mới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Viện Chính sách và Chiến lược PTNT phối hợp với Vụ Kế hoạch thực hiện Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53 về Đề án “An Ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.

Trong khuôn khổ hoạt động trên, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức hội thảo “Phân bổ sử dụng đất lúa – Bài toán đảm bảo ANLT trong bối cảnh mới” tại Hà Nội vào sáng ngày 15/10/2019 để đưa ra một số kịch bản sử dụng đất lúa tới năm 2030 và xin ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và địa phương, cũng như các chuyên gia.

Buổi hội thảo có sự tham gia của hơn 50 khách mời, gồm các chuyên gia đầu ngành trong đa dạng các lĩnh vực: dinh dưỡng, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, kinh tế.

 

Mở đầu hội thảo, ông Trần Công Thắng – Viện trưởng IPSARD tuyên bố lý do, giới thiệu khách mời.

 

Sau đó, ông Nguyễn Văn Việt – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch có phần phát biểu khai mạc Hội thảo.

Sau phần khai mạc, bà Hoàng Thị Hào – Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế trình bày tóm tắt tình trạng dinh dưỡng và khẩu phần của người Việt Nam. Theo đó, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi hay thiếu các vi chất dinh dưỡng ở cả trẻ em và người lớn ở Việt Nam đều có xu hướng giảm; tuy nhiên, các tỷ lệ này vẫn còn cao. Khẩu phần ăn của người Việt Nam thay đổi nhiều trong giai đoạn vừa qua khi chuyển từ tiêu thụ nhiều lúa gạo sang các loại thực phẩm khác như: thịt, trứng, sữa,… Bài trình bày đồng thời cũng đưa ra 10 lời khuyên về dinh dưỡng cho người Việt Nam.

Để hiểu hơn về thực trạng phân bổ sử dụng đất lúa, ông Nguyễn Văn Chiến – Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày bài tham luận “Quy hoạch sử dụng đất lúa – Thực trạng phân bổ và một số định hướng quản lý, sử dụng trong tương lai”. Từ kết quả phân tích, ông Chiến cho rằng cần duy trì diện tích trồng lúa hiện nay là 3,8 triệu ha; đồng thời có quy chế giám sát chặt chẽ mục đích sử dụng đất thực tế; cho phép chuyển đổi đất trồng lúa sang các cây trồng hằng năm khác nhưng cần đảm bảo có thể trồng lại lúa khi cần thiết. Để giảm nhẹ áp lực duy trì diện tích trồng lúa, ông Chiến đề xuất cần tính toán thêm diện tích đất có thể cải tạo, hoàn thiện hệ thống thủy lợi để tăng năng suất và định hướng phát triển các cây lương thực có hạt khác.

Sau đó là phần trình bày “Các kịch bản sử dụng đất lúa – bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh mới” của ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Theo bài trình bày, cần xem xét lại sự phân bổ đất lúa hiện nay dựa trên việc thay đổi quan điểm tiếp cận ANLT; năng suất lao động trồng lúa thấp; việc thâm dụng lao động của quá trình sản xuất lúa gạo. Dựa trên thực tế xu hướng giảm tiêu dùng và chi tiêu cho gạo, cùng tính toán các yếu tố tác động đến cầu lúa gạo, bài trình bày đưa ra 2 kịch bản về diện tích trồng lúa đến năm 2030. Hai kịch bản đưa ra 2 lựa chọn cho giảm diện tích trồng lúa và bản đồ diện tích trồng lúa giảm theo vùng để chỉ rõ khu vực và diện tích giảm cụ thể là bao nhiêu.

Cuối buổi hội thảo là phiên thảo luận và các khách mời lần lượt đưa ra quan điểm về thực trạng cũng như quá trình chuyển đổi đất trồng lúa và đưa ra những kiến nghị, đề xuất về chính sách để đảm bảo ANLT và ANDD cho Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2040.


Tin khác