Ảnh hưởng của dịch viêm phổi do virus Corona, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó. Trong ngày mai, mùng 3/2, hai bộ NNPTNT, Công Thương cũng sẽ họp bàn với 6 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, các hiệp hội để thúc đẩy thương mại nông sản.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ chủ trì cuộc họp các bộ ngành, lãnh đạo 6 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp bàn các giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản Việt Trung ứng phó với dịch viêm phổi do virus corona.
Dịch viêm phổi do virus corona ngay lập tức đã có những tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản.
Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, trong thời gian từ ngày 22/1 (ngày 28 Tết) đến hết ngày 28/1 (ngày mùng 4 Tết) các đơn vị cửa khẩu đã làm thủ tục cho 22.432 lượt hành khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng và cửa khẩu Chi Ma. Con số này giảm 52,6% so với cùng kỳ năm 2019).
Các đơn vị cửa khẩu cũng đã làm thủ tục cho 242 bộ tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu với kim ngạch đạt 4,7 triệu USD, giảm khoảng 45% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, tại Long An, đợt thu hoạch thanh long đúng vào dịp các cửa khẩu với Trung Quốc tạm đóng cửa khiến giá thanh long giảm sâu, chỉ còn khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg khiến nhà vườn vô cùng khó khăn. Ước tính, sản lượng thanh long vụ này của Long An đạt 20.000 tấn.
Đã có doanh nghiệp Trung Quốc chuyên cung ứng mặt hàng nông sản trái cây cho TP. Vũ Hán giảm mua, như Tập đoàn Hồng Thái Dương vốn là đơn vị nhập 40% lượng thanh long của tỉnh Long An nay đã hủy một số đơn hàng khoảng 300 container - tương đương khoảng 6.000 tấn - đã đặt trước đó.
Trước tình hình dịch bệnh virus corona, nhiều doanh nghiệp không thể xuất hàng thanh long sang Trung Quốc, Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An đã tính đến phương án thu mua tạm trữ với giá khoảng 10.000 đồng/kg.
Để có những giải pháp cụ thể hơn trong tiêu thụ mặt hàng này, Sở Công Thương Long An cũng sẽ tổ chức hội nghị về việc hỗ trợ tiêu thụ thanh long vào ngày 5/2.
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, trước tình hình gia tăng của dịch viêm phổi do virus corona, Trung Quốc đã tăng cường thêm các biện pháp ứng phó, đặc biệt về thương mại, cụ thể, phía Quảng Tây tạm dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa cư dân biên giới trên toàn tuyến biên giới Quảng Tây, dự kiến từ ngày 31/1 (mùng 7 tháng Giêng) đến ngày 8/2/2020 (tức 15 tháng Giêng).
Ngoài ra, các cửa khẩu phụ, cặp chợ biên giới thuộc địa bàn Thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc đóng cửa từ ngày 31/1 (mùng 7 tháng Giêng) – đến ngày 8/2/2020 (15 tháng Giêng), trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa vào ngày 3/2/2020)
Về phía Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc), kể từ ngày 29/1/2020 đã kiểm soát chặt chẽ phương tiện và người điều khiển phương tiện lưu thông qua cặp cửa khẩu Bắc Sơn (Hà Khẩu) - Kim Thành (Lào Cai) để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra, điều này đã khiến hoạt động thông quan hàng hóa bị hạn chế.
Đặc biệt, phía Hà Khẩu đã thông báo sẽ tạm dừng hoạt động chợ biên mậu Bắc Sơn kể từ ngày 30/1/2020 đến hết ngày 8/2/2020, để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong khoảng thời gian tạm dừng hoạt động chợ biên mậu Bắc Sơn, các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu chủ yếu qua cửa khẩu Lào Cai trong thời gian vừa qua và hiện nay như thanh long, dưa hấu, mít, xoài, bánh kẹo… sẽ không thể thông quan để nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc theo hình thức trao đổi hàng hóa biên mậu.
Trước tình hình trên, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, trái cây của Bình Thuận được thuận lợi, tránh được thiệt hại cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản, hoa quả sang thị trường Trung Quốc, Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị quý đơn vị phối hợp thông báo, khuyến cáo đến các doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản, hoa quả sang thị trường Trung Quốc được biết thông tin trên để chủ động trong việc thu hoạch, thu mua hàng hóa, có sự phối hợp trong việc vận chuyển hàng hóa lên khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc hợp lý, nhằm đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa, tránh tình trạng bị ép giá.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chủ động theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc như: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang… nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.
Thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng. Triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã nên trao đổi, thống nhất với đối tác phía Trung Quốc để từng bước thực hiện nhập khẩu theo phương thức chính ngạch.
Theo Dân Việt