Chế biến nông sản Việt Nam: Tích cực gỡ khó để lọt top 10 thế giới

21/02/2020

Bộ NNPTNT đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đứng trong 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và thị trường tiêu thụ.

Khâu then chốt nhưng còn nhỏ lẻ

Công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam được đánh giá là khâu then chốt, quan trọng nhất cần phải đổi mới và đẩy mạnh để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NNPTNT, các cơ sở chế biến nước ta hiện nay phần lớn là quy mô nhỏ và vừa, chiếm trên 95% số cơ sở, trình độ công nghệ một số ngành hàng còn thấp. Hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 đến 1/3 của các nước khác).

Một số cơ sở chế biến của một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm, thiết bị cũ, công nghệ kỹ thuật lạc hậu, tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng, năng suất thấp.

Dây chuyền chế biến thịt hiện đại của Masan (Ảnh: P.V)

Nhìn vào các lĩnh vực cụ thể, chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm hiện có số lượng cơ sở nhỏ lẻ chiếm vị thế áp đảo. Trong tổng số gần 28.000 cơ sở giết mổ chỉ có 878 cơ sở giết mổ tập trung, chiếm 3,1%; còn lại là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Không chỉ có vậy, các cơ sở giết mổ, chế biến thịt quy mô công nghiệp mới chỉ sử dụng 30% công suất.

Nguyên nhân do sự cạnh tranh với các cơ sở giết mổ quy mô nhỏ, chi phí thấp và thói quen tiêu dùng thịt tươi sống của người tiêu dùng.

Với các mặt hàng rau quả, khối lượng đưa vào chế biến chỉ chiếm 5-10%. Cả nước hiện có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm, tập trung ở 28 tỉnh, thành phố; sản lượng sản xuất thực tế đạt trên 600.000 tấn sản phẩm.

“Nhìn chung, trình độ công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đạt mức độ trung bình đến trung bình khá. Một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới, như chế biến công nghiệp hạt điều, chế biến lúa gạo, tôm, cá tra” - Bộ NNPTNT nhận định.

Theo số liệu Bộ NNPTNT mới cập nhật, cả nước hiện có 7.500 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Do khâu chế biến, bảo quản còn nhỏ lẻ và ít nên tổn thất sau thu hoạch còn lớn, tùy lĩnh vực ngành hàng nhưng nhìn chung dao động từ 10 - 20%.

Một tín hiệu khả quan là từ năm 2013 - 2018, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh trên cả quy mô và mức độ hiện đại. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt khoảng 5 - 7%.

Thiếu chính sách tạo đột phá

Theo Bộ NNPTNT, nhìn chung trong 5 năm (2013 - 2018) cơ chế chính sách đã ban hành trong hỗ trợ phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản tương đối đầy đủ nhưng đổi mới chậm, hiệu quả chưa cao do tính thực thi còn hạn chế, thiếu sự nhất quán, đặc biệt về cơ chế tài chính nguồn lực còn yếu. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu vốn, nguồn vốn cho vay hiện nay đều có lãi suất cao nên hiệu quả kinh tế thấp, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. 

Liên quan tới việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội dẫn chứng, dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội) triển khai và hoàn thành hạ tầng kỹ thuật từ năm 2016. Song, đến nay vẫn không thu hút được đầu tư, xây dựng hệ thống giết mổ hiện đại.

Theo ông Đăng, dự án này có quy mô 5,3ha, đầu tư 100 tỷ đồng làm hạ tầng. Mới đây, có 3 doanh nghiệp có ý định đầu tư xây dựng hệ thống giết mổ, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội yêu cầu muốn đầu tư phải qua đấu thầu và trả tiền xây dựng hạ tầng. Rốt cuộc, 3 doanh nghiệp đều xin rút.

Hiện nay, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, nhất là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Để tận dụng cơ hội này, Bộ NNPTNT kiến nghị tăng cường đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến đối với những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất chế biến để đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu thụ và khả năng sản xuất nguyên liệu.

Cùng với đó, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến sâu nông sản hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, chuyển mạnh từ “đóng bao” sang “đóng gói”.

Theo đó, Bộ NNPTNT ưu tiên 3 nhóm dự án: Dự án đầu tư mang tính tiên phong về công nghệ chế biến, bảo quản nông sản tiên tiến và chế tạo ra sản phẩm mới; dự án đầu tư có quy mô lớn, mang tính chất dẫn dắt thị trường, tạo ra sản phẩm xuất khẩu và là trung tâm kết nối theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; dự án giúp thay đổi phương thức, tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu sang phương thức sản xuất hiện đại. 

Trong 2 năm (2018 - 2019) đã có 30 dự án lớn về chế biến nông lâm thủy sản với số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD đã khởi công xây dựng và một số cơ sở đã hoàn thành bước vào sản xuất.

Theo Dân Việt


Tin khác