Vượt đại dịch Covid-19, nông nghiệp biến khó khăn thành cơ hội

23/11/2020

Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp Việt Nam đã biết cách biến khó khăn thành cơ hội để tiếp cận những thị trường vô cùng tiềm năng.

 
Hội thảo 'Tác động của đại dịch Covid-19 đến chuỗi giá trị nông sản tại Việt Nam' sáng ngày 19/11 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hội thảo “Tác động của đại dịch Covid-19 đến chuỗi giá trị nông sản tại Việt Nam” sáng ngày 19/11 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ

Sáng 19/11, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo “Tác động của đại dịch Covid-19 đến chuỗi giá trị nông sản tại Việt Nam”.

Theo nghiên cứu của IPSARD, tại Việt Nam nông nghiệp là ngành quan trọng khi chiếm tới 34,5% tổng lực lượng lao động, 14% tổng giá trị GDP năm 2019. Cũng trong năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đạt 41,3 tỷ USD, nhập khẩu 30,9 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2013 – 2017, giá trị nông sản chế biến và xuất khẩu đạt mức 77 tỷ USD, mức tăng trưởng đạt 7%. Thị trường lương thực thực phẩm nội địa trong 5 năm tới (2020 - 2025) dự kiến tăng khoảng 30%, đạt mức 83 tỷ USD. Xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp cũng dự kiến tăng.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) tham dự hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) tham dự hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Trương Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp (CAP), cho biết đại dịch Covid-19 xuất hiện đã tác động mạnh đến ngành nông nghiệp Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp chỉ đạt 1,19% (thấp hơn so với 6 tháng đầu năm từ 2017 - 2019); giá trị xuất khẩu nông nghiệp 18,81 tỷ USD, giảm 3,4%; giá trị nhập khẩu nông nghiệp đạt 14,3 tỷ USD, giảm 6,6%.

3 tháng đầu năm 2020, giao thương qua các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc tạm dừng. Từ 1/4/2020, các tỉnh biên giới thiết lập quy trình “vùng đệm” tại cửa khẩu để phục vụ việc các ly và khử trùng phương tiện sau khi các doanh nghiệp hai bên vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu và giao nhận sau khi về nước.

“Tuy nhiên năng lực thông quan hàng hóa thực tế tại các cửu khẩu vẫn còn rất hạn chế do hai bên bẫn phải bắt buộc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng chống dịch Covid-19. Trong khi lượng xe và hàng hóa xuất khẩu các doanh nghiệp dưa lên biên giới phía Bắc để xuất khẩu ngày càng gia tăng, dẫn tới hiện tượng ùn ứ cục bộ”, bà Trang cho hay.

Cuối tháng 7/2020, khi dịch Covid-19 tái bùng phát trong cộng đồng, giá gạo nội địa đã có xu hướng tăng lên do các doanh nghiệp và cửa hàng bắt đầu thu mua để trữ hàng. Tuy lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo được gỡ bỏ từ đầu tháng 5/2020 nhưng các doanh nghiệp gạo vẫn chưa hết khó khăn do thời điểm Việt Nam tạm thời dừng xuất khẩu gạo, các nước xuất khẩu khác đã ồ ạt xuất kho cung ứng cho những nước có nhu cầu.

 

Biến khó khăn thành cơ hội

Theo TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, tuy bị ảnh hưởng không nhỏ nhưng Việt Nam cũng có những điểm sáng của ngành nông nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đã tăng 4,4% với 3,5 triệu tấn, tương đương 1,7 tỷ USD (tăng 17,9%). Thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam cũng thay đổi từ Trung Quốc, Nhật Bản sang các thị trường khó tính hơn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc.

Theo TS. Trần Công Thắng, ngành nông nghiệp Việt Nam đã biết cách biến những khó khăn thành cơ hội. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo TS. Trần Công Thắng, ngành nông nghiệp Việt Nam đã biết cách biến những khó khăn thành cơ hội. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngoài ra trong vòng 1 tháng kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng gần 20%, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường này đã tăng phổ biến từ 80 – 200 USD/tấn so với trước.

Thị trường EU cũng đã chấp nhận gạo với mức giá cao. Tuy nhiên đổi lại là gạo phải được đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các giá trị dinh dưỡng và các tiêu chuẩn khác như xuất xứ hàng hóa, điều kiện kho bãi…

“Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã cho triển khai kịp thời các giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực như tổ chức sản xuất để đảm bảo nguồn cung trong nước và xuất khẩu trong bối cảnh yêu cầu, chủ động mua đủ gạo cho dự trữ theo kế hoạch 2020…”, Viện trưởng IPSARD chia sẻ.

Cũng theo ông Trần Công Thắng, nông sản của Việt Nam cũng được hỗ trợ tối đa để có thể tiêu thụ trong tình hình dịch bệnh: “Việt Nam đã tiến hành xúc tiến thương mại tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Trung Đông, Hoa Kỳ, EU… và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu bằng việc đẩy mạnh ký kết các hiệp định FTAs.”

“Chúng ta cũng liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh, diễn biến chính sách và các quy định của Trung Quốc có liên quan đến việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới để từ đó đề xuất với phía nước bạn tăng thời gian thông quan ở một số cửa khẩu chính”, ông Thắng cho biết.

Để tạo điều kiện cho thương lái Trung Quốc vào Việt Nam, từ ngày 1/5/2020, cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) đã cho xây dựng đường line đặc biệt, thực hiện thông quan 7 giờ/ngày, tăng thời gian thêm 2 giờ/ngày so với trước đây.

 


https://nongnghiep.vn

Tin khác