Một số vấn đề lý luận về xây dựng nông thôn mới

21/11/2023

Sau 25 năm đổi mới đất nước (1986-2010), trong khi kinh tế nông nghiệp có những bước tiến dài, an ninh lương thực được bảo đảm, nông nghiệp ngày càng chứng minh vai trò “trụ đỡ” cho nền kinh tế, nông sản đã vươn tới gần 120 thị trường quốc tế, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, hạt tiêu đen, thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, thứ ba về xuất khẩu cao su thiên nhiên… thì diện mạo nông thôn nước ta đến năm 2010 còn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, chênh lệch nông thôn - thành thị có xu hướng tăng lên, cả về thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã mở ra một thời kỳ mới - một chiến lược mới về phát triển nông thôn thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp trên cả nước cùng nhiều chương trình mục tiêu cũng như cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nông thôn.

Quá trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 có ý nghĩa như một cuộc “Đổi mới lần thứ hai”, và nông nghiệp, nông thôn lại lãnh ấn tiên phong, như đã tiên phong từ năm 1981 trong cuộc “Đổi mới lần thứ nhất”. Trong những 1980, sau những thử nghiệm âm thầm và đắt giá về khoán đến sản phẩm cuối cùng trong các hợp tác xã ở một số địa phương, nông nghiệp đã chính thức thực hiện khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động theo Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13 tháng 01 năm 1981 của Ban Bí thư. Đó là sự đi trước, mở đường cho đổi mới toàn diện đất nước vào năm 1986. Và ngay khi bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới,  Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 05 tháng 4 năm 1988 của Bộ Chính trị về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, mà chúng ta thường hay gọi tắt là “Khoán 10”, không phải chỉ có nội dung chủ đạo là khoán, là nông nghiệp, là trao quyền tự chủ cho kinh tế hộ, là cởi trói, là giải phóng sức lao động, mà còn có một nội dung còn ít được nhắc đến, đó là: “Xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa”. Đọc kỹ lại mới thấy, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề cần gấp rút giải quyết, song Khoán 10 đã thể hiện một tầm nhìn lớn của Đảng về phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới, với những nội dung cụ thể từ quy hoạch, hạ tầng, sản xuất, nếp sống, cho đến phát huy vai trò làm chủ của nhân dân lao động, tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan dân cử… mà cho đến nay sau 35 năm những nội dung đó vẫn hoàn toàn đúng đắn và phù hợp.

Quay lại thời điểm năm 2010 khi cuộc “Đổi mới lần thứ hai” được khởi lên từ phong trào xây dựng nông thôn mới. Trên thực tế, cuộc đổi mới này chưa mạnh về đổi mới thể chế, mà chủ yếu là đổi mới trong tư duy phát triển, thiết kế mô hình nông thôn mới, kiến tạo cách làm, cách huy động nguồn lực, cách phát huy vai trò của chủ thể công - Nhà nước và chủ thể người dân, vận động các phong trào xã hội… Chính vì phải làm theo cách mới nên đã có nhiều bàn luận sôi nổi, nhiều câu hỏi, nhiều ý kiến tranh luận về khái niệm, nội hàm và các vấn đề có liên quan đến nông thôn mới: “như thế nào là mới, mới có phải là thay thế hết cái cũ hay không, cái mới rồi sẽ trở thành cũ thì sau đó sẽ thế nào, mới đến khi nào, đến giới hạn nào…”. Bên cạnh đó là hàng loạt những mâu thuẫn nảy sinh trong thực tiễn triển khai như tính phù hợp của các tiêu chí theo các vùng miền; mâu thuẫn giữa đạt tiêu chí nông thôn mới với nhu cầu thực tế; giữa việc đạt chuẩn nông thôn mới theo chỉ tiêu được giao với việc mất đi những chính sách ưu đãi, giữa chọn xã điểm để tập trung đạt thành tích với bỏ lại những xã khó khăn có hỗ trợ cũng như “muối bỏ bể”; giữa khen thưởng, ghi danh các xã vốn đã thuận lợi càng dễ đạt chuẩn nông thôn mới với các xã nghèo có xuất phát điểm thấp cho dù cho có làm được nhiều nhưng chưa thể “về đích”…

Theo thời gian, các câu hỏi dần tìm được lời giải, các mâu thuẫn dần được tháo gỡ. Vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã nhanh chóng tiệm cận đến phương thức triển khai vừa khoa học, vừa thực tế, tương thích linh hoạt với điều kiện Việt Nam. Đó chính là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo ra những đột phá của xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020. Tuy vậy, khi bước vào giai đoạn 2021-2030, khi bối cảnh mới đòi hỏi cấp độ phát triển cao hơn, chúng ta bắt đầu với một số tên gọi mới, đó là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; rồi không chỉ có cấp xã, mà nông thôn mới còn triển khai trên phạm vi huyện và có quy định về việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở cấp tỉnh; còn thu hẹp lại, chúng ta cũng hướng đến xây dựng nông thôn mới ở cộng đồng thôn, bản, ấp ở vùng đặc biệt khó khăn, nhằm đem lại sự chuyển biến tích cực rõ nét hơn về nếp sống tới từng thôn, bản, ấp, hộ gia đình và cuộc sống trực tiếp của mỗi người dân sinh sống ở nông thôn.

Hình: Như thế nào là nông thôn mới?

Khi xây dựng nông thôn mới đối mặt với những vấn đề mới, câu hỏi mới, mà chúng ngày càng xoáy sâu vào tính thực chất, hiệu quả, bền vững, vào cốt lõi nhân văn, đạo đức, ý nghĩa xã hội và yêu cầu kết nối hài hòa giữa phát triển nông thôn với đô thị hóa bền vững thì không ít các vấn đề mới đang lần lượt nổi lên. Một số câu hỏi lớn được tác giả đặt ra để cùng tìm lời giải đáp, đó là:

1. Phải chăng đạt chuẩn nông thôn mới đã là mới?

Câu hỏi thường trực trong mọi giai đoạn xây dựng nông thôn mới luôn là: “Nông thôn như thế nào là mới?”. Được công nhận đạt 19 tiêu chí nông thôn mới trong điều kiện cụ thể ở địa phương đã đúng là “mới” chưa? Đây là câu hỏi thiên về chất lượng của “mới”. Chất lượng này một mặt bị chi phối bởi Bộ tiêu chí nông thôn mới, mà chúng ngày càng có tính linh hoạt cho phù hợp với điều kiện các địa phương (chỉ tiêu mới ở địa phương này có thể thấp hơn ở địa phương khác) và được giới hạn trong từng giai đoạn nhất định (mới bây giờ có thể hết mới ở giai đoạn sau). Mặt khác, chất lượng “mới” cũng phải “liệu cơm gắp mắm” ở mức độ nào đó so với nguồn lực, tiềm năng thực tế, đảm bảo tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch trong những kỳ nước rút cần thiết…

Nói một cách công bằng, sự phát triển của nông thôn nước ta vừa qua đã khẳng định các xã nông thôn mới về cơ bản là “mới” so với trước đây, với nhiều thay đổi có tính toàn diện. Thế nhưng cũng còn những vấn đề về chất lượng. Có xã, huyện chưa thực sự “mới” khi được công nhận. Họ sẽ phải tiếp tục được làm mới trong quá trình xây dựng nông thôn mới “không có điểm dừng”, để thực sự là “mới” so với chính họ trước đây và với xung quanh hiện tại. Nhưng điều chỉnh chỉ tiêu cứng như thế nào? Áp các chỉ tiêu mềm với sự hài lòng của người dân ra sao? Mức độ đầu tư và huy động những nguồn lực từ đâu là chính? Áp lực thành tích không còn như khi chưa đạt chuẩn thì quyết tâm chính trị của chính quyền và khát vọng của người dân như thế nào?...

2. Phải chăng “mới” có nghĩa là thay thế hết cái “cũ”?

Câu hỏi tự vấn khác không kém quan trọng và thiết thực khi bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới là: “Mới có phải là thay thế hết cái cũ không?”. Đây là câu hỏi nhấn mạnh về bản chất, tính kế thừa và tính hợp lý của mô hình “mới”. Nhiều thứ ở nông thôn cũ thường hay bị gắn cái nhãn lạc hậu, lỗi thời, tiêu cực, cổ hủ, kìm hãm phát triển… Không nhiều người nhận ra giá trị bền vững cần giữ lại của những cái cũ. Cũng không ít người vận dụng cứng nhắc kinh nghiệm bài trừ cổ hủ, áp đặt cái mới từ địa phương, dân tộc này sang địa phương, dân tộc khác. Việc cải tạo cảnh quan, môi trường, xây dựng hạ tầng nông thôn nhiều nơi cũng bị ảnh hưởng của cách làm rập khuôn, khiến xuất hiện các ý kiến phê phán tình trạng “đô thị hóa nông thôn, đồng bằng hóa miền núi, bê tông hóa làng quê”...

Ai cũng biết sự rập khuôn, hình thức trong bất cứ việc gì đều không đem lại mức hài lòng cao cho người hưởng thụ kết quả việc làm đó, trong khi lại lãng phí nguồn lực cho những cái chưa thực sự cần thiết. Nhưng thực tế luôn tồn tại những mâu thuẫn khó giải quyết giữa nội dung và hình thức. Mặc dù chúng ta đã điều chỉnh Bộ tiêu chí nông thôn mới đến ba lần trong 10 năm (2010-2020) và vừa rồi là điều chỉnh lần thứ tư cho giai đoạn 2021-2025, nhưng các tiêu chí, nhất là tiêu chí định lượng rạch ròi, vẫn luôn là những khung khổ khá cứng, khó khắc phục hết tính “đồng phục”. Việc bám theo đó để xác định mức độ đầu tư, phân bổ nguồn lực, xác lập kế hoạch triển khai và huy động sức dân là cần thiết. Nhưng bám chặt vào đó để định hình diện mạo, bồi đắp hồn cốt làng quê, phát triển cộng đồng người dân, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì không thể tránh khỏi tính hình thức.

3. Để là nông thôn mới có nhất thiết phải đồng thời đạt ngay tất cả các tiêu chí nông thôn mới không?

Mặc dù đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới chưa chắc đã thực sự mới, nhưng cuộc sống vẫn đặt ra câu hỏi: “Để đáp ứng nguyện vọng người dân, ngày hôm nay có nhất thiết phải đạt đồng thời, toàn diện tất cả các tiêu chí nông thôn mới không”? Đây là câu hỏi về cách làm, bước đi hợp lý của xây dựng nông thôn mới.

Mong muốn thì nhiều. Nội hàm của mô hình“mới” chạm đến nhiều lĩnh vực, đòi hỏi nông thôn phải mới toàn diện. Nhất là khi Chương trình xây dựng nông thôn mới đặt quyết tâm tạo ra những bước ngoặt phát triển có tính đột phá cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, mà người dân là trung tâm. Nhưng thực tế lực luôn bất tòng tâm. Các chuyên gia khoa học và quản lý khi tham gia nhận diện nội hàm cơ bản của mô hình nông thôn mới nước ta đều thống nhất về tính tương đối của “mới”, tính khả thi của nó đối với đa số địa bàn các xã trong điều kiện cụ thể ở các vùng miền. Khi xây dựng và vận hành Bộ tiêu chí nông thôn mới, chúng ta cũng đã từng bước điều chỉnh định lượng của các chỉ tiêu, ứng với chất lượng mong muốn ở từng giai đoạn. Chúng ta đã phải chấp nhận một cách biện chứng lộ trình mới từng bước, từng mặt, từng nơi…

Tuy nhiên, bị cuốn vào phong trào xây dựng nông thôn mới đang dâng cao ngày càng mạnh mẽ trong cả nước, không ít nơi xuất hiện tư tưởng nóng vội, nâng cao các chỉ tiêu phấn đấu với hy vọng tạo ra đột phá. Dẫn đến những xã buộc phải đạt 19 tiêu chí để là mới chính danh, mà thực chất là mới trước tuổi, chín ép, nợ tiêu chí... Có thể có cách tiếp cận khác cho các trường hợp này: để lại một số tiêu chí phấn đấu đạt sau, tập trung vào những chỉ tiêu cần ưu tiên, cấp thiết hơn theo nguyện vọng người dân, có tác động trực tiếp đến sinh kế, việc làm, thu nhập, đời sống cộng đồng. Nếu được vậy, chất lượng phát triển của xã đó sẽ thực chất hơn, người dân hài lòng hơn, chỉ khác là chưa có danh hiệu chính thức theo 19 tiêu chuẩn.

Vậy có danh hiệu nông thôn mới nào khác, cách tôn vinh nào khác cho những trường hợp chưa toàn diện, nhưng lại thực chất, với những thay đổi có chất lượng cao, được người dân thực sự hài lòng không? Cần có cơ sở pháp lý nào, cách làm như thế nào để chính quyền địa phương và cộng đồng người dân được lựa chọn đúng các ưu tiên, bước đi, được “may áo” với thước đo vừa tuổi mình; để xã, thôn/bản/ấp được coi là nông thôn mới (theo từng bước), đáp ứng sát hơn Bộ tiêu chí của người dân?

Họp mặt Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông  thôn mới giai đoạn 2011-2021 | Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Ảnh: Họp mặt Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2021 (nguồn: vaas.vn)

4. Có cần phải đảm bảo tính mới và kết quả xây dựng nông thôn mới công bằng như nhau cho tất cả mọi nơi không?

Trước hết, không thể nào đòi hỏi công bằng tuyệt đối về chất mới của nông thôn mới phải như nhau trong cả nước. Sự khác biệt về chất nông thôn mới giữa các vùng miền, địa phương là cần thiết, nhưng đến mức nào thì chấp nhận được? Câu trả lời của thực tế đã được thể hiện qua Bộ tiêu chí nông thôn mới, mà ở đó các chỉ tiêu có sự khác biệt giữa các vùng miền, có độ mở để phân cấp cho các bộ, ngành, các tỉnh thành được quyền cụ thể hóa phù hợp với điều kiện địa phương. Trong khi ràng buộc tính công bằng nhất định đó bằng Bộ tiêu chí, thì bản thân Bộ tiêu chí đã thực sự đảm bảo tính công bằng chưa? Câu trả lời là Chưa.

Vậy có thể không cần dựa trên những “barem” cứng của Bộ tiêu chí mà vẫn thỏa mãn được yêu cầu công bằng kép về đầu tư và kết quả: cân đối được nguồn lực đầu tư hợp lý cho các vùng miền, địa phương trong xây dựng nông thôn mới (chọn đúng mức Nhà nước cần đầu tư cho từng nơi), đồng thời thực hiện được chủ trương không bỏ ai ở lại phía sau (nghèo cũng cần được hưởng thụ thỏa đáng thành quả xây dựng nông thôn mới); và kết quả đạt nông thôn mới trong cả nước có tính công bằng? Câu trả lời cho đến nay vẫn là Không. Nghĩa là vẫn cần đến công cụ là Bộ tiêu chí định lượng.

Việc đảm bảo tính công bằng nhất định về hàm lượng mới của nông thôn trong cả nước (theo Bộ tiêu chí) là yêu cầu xác đáng và nhân văn, để hình thành cơ cấu phân bổ nguồn lực hợp lý cho các địa phương khó khăn. Tuy nhiên, với tất cả cố gắng, Nhà nước và các địa phương thường không đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu đó, trong khi các tiêu chí lại đặt ra khoảng chênh quá lớn khó vượt qua cho các địa phương nghèo. Đồng thời, nó cũng đòi hỏi người dân các địa phương nghèo phải đóng góp quá sức. Hơn nữa, để đáp ứng yêu cầu “công bằng như nhau”, các địa phương phải điều chỉnh lại cơ chế “nâng đầu đỡ cuối” theo hướng giảm đầu tư cho các xã “đầu”, để tăng cho “cuối”, chấp nhận tiến độ chậm đạt các mục tiêu (về số lượng) của Chương trình xây dựng nông thôn mới… Đó là những thách thức không nhỏ.

Vấn đề là cần có các chuẩn mực hợp lý hơn về tính “công bằng như nhau”, để chấp nhận sự khác biệt thỏa đáng hơn của mô hình nông thôn mới, xác định cơ cấu đầu tư phù hợp hơn, có khung đánh giá khách quan hơn kết quả xây dựng nông thôn mới cho các vùng, miền. Không nhất thiết phải có sự “công bằng như nhau” về cấp độ và tốc độ “mới” của nông thôn giữa các địa phương. Làm thế nào để thoát ra khỏi “sự độc quyền” của một Bộ tiêu chí định lượng hiện nay; và làm thế nào để Bộ tiêu chí định lượng hiện nay có sự khác biệt hợp lý, đảm bảo sự công bằng khách quan về tiêu chí, kế hoạch phấn đấu xây dựng nông thôn mới giữa các địa bàn?

5. Phải chăng nông thôn mới đã có tính bền vững?

Cùng với phát triển, mọi cái mới sẽ trở thành cũ. Những mô hình nông thôn “mới” theo chuẩn mực cố định đã đạt được ở hôm nay, sớm hay muộn cũng sẽ trở thành “cũ”. Không thể nào sau mỗi năm chúng ta lại nghĩ ra những danh hiệu mới cho nông thôn mới theo những định nghĩa cố định mới. Những “barem” nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu mà chúng ta đặt ra làm mục tiêu phấn đấu liên tục cũng chỉ là tương đối theo thời gian và luôn vấp phải câu hỏi: “Chúng mới đến bao giờ”?

Việc đề ra chủ trương “xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng” là rất đúng đắn, giúp tạo ra động lực phấn đấu làm mới nông thôn liên tục. Nhưng kèm theo đó cần phải giải quyết vấn đề của tiêu chí “mới”. Nếu không đảm bảo hiệu lực lâu dài và tính tự mới theo thời gian của định nghĩa nông thôn mới, thì không thể tạo ra thế chủ động và động lực liên tục, không thể duy trì được tính kế thừa của kết quả xây dựng nông thôn mới. Chỉ bằng một quyết định ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới, được điều chỉnh cho giai đoạn mới, có thể khiến hàng loạt xã nông thôn mới sau “một đêm” trở thành hết mới. Các xã chưa đạt mới trước đó thì ngày càng cách xa chuẩn mới. Tương tự như vậy, việc sáp nhập hai xã nông thôn mới làm một cũng khiến một số công trình hạ tầng thiết yếu không còn đáp ứng chuẩn mới nữa. Đó là hệ lụy của tính định lượng cứng nhắc, thiếu biện chứng của một số tiêu chí nông thôn mới hiện nay.

Vậy tính định lượng cần thiết lập sao cho biện chứng hơn? Có thể chỉ coi các tiêu chí nông thôn mới là tham khảo phục vụ tính toán nguồn vốn, còn nông thôn là mới hay chưa mới phải dựa vào tác động thiết thực của nó đến chất lượng nông thôn và đời sống người dân? Nhà văn hóa xã có thể và cần khác nhau giữa miền xuôi với miền ngược cả về quy mô, kiến trúc, cách quản lý… nhưng ý nghĩa, công dụng thực tế và tác động văn hóa, xã hội của chúng phải đạt tới các yêu cầu có tính thống nhất cao. Cùng với đó, chúng ta cũng cần tiếp tục hoàn thiện định nghĩa và cách nhận diện khoa học hơn về mô hình nông thôn mới bền vững. Trong đó, cái mới, tính mới phải là “mở” và “động”, chứ không cố định, chốt cứng theo thời điểm. Phải chăng gợi ý dưới đây đáng được quan tâm, làm cơ sở đi sâu nghiên cứu tiếp các tiêu chí khác nhau của nông thôn mới: “Nông thôn mới là nông thôn đạt được sự phát triển hài hòa trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, tạo ra những động lực mới, chuyển biến mới, tích cực hơn, toàn diện hơn và bền vững hơn qua từng giai đoạn, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, qua đó không ngừng nâng cao chất lượng đời sống cũng như năng lực, nhận thức và vai trò chủ thể của người dân nông thôn” (Nguyễn Thị Ánh Tuyết & Nguyễn Ngọc Luân, 2021).

Khoa học công nghệ là ''trụ cột'' đưa nông thôn mới đi vào chiều sâu, chất  lượng

Ảnh: Hội nghị tổng kết Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025 (nguồn: hanoimoi.vn)

6. Phải chăng cách làm nông thôn mới đã thông minh và hiệu quả?

Xây dựng nông thôn mới 10 năm qua thực chất là quyết tâm vượt khỏi những lối mòn phát triển nông thôn trong các thời kỳ trước, vượt qua “cái bóng” thành tựu đã đạt trong 30 năm đổi mới (1981-2010); là đổi mới của đổi mới, được tuyên bố thông qua cách tiếp cận mới thực hiện một chiến lược mới. Vậy chúng ta đã triển khai Chương trình nông thôn mới với tâm thế, tư duy, cách làm đổi mới của đổi mới chưa?

Khi phải đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn toàn diện, tốc độ chuyển biến cao, thì tác động của cách tiếp cận không phù hợp, của chỉ đạo nóng vội, chủ quan sẽ rất lớn. Hiện nay có hai luồng duy nghĩ. Một là, thành tựu to lớn vừa qua đủ để khẳng định cách làm của chúng ta là hoàn hảo. Hai là, các sai lầm, hạn chế trong thực hiện một Chương trình lớn chưa từng có như xây dựng nông thôn mới là tất yếu, không thể tránh được, vì thế xem nhẹ, lãng quên các phản biện, cảnh tỉnh trước đây?...

Thực tế cho thấy, rất cần những thước đo đánh giá khách quan, đúng mực, để những thành tựu không bị xem nhẹ, bị chối bỏ bởi các phê phán cực đoan. Ngược lại, những hạn chế, khuyết tật cũng không bị bỏ qua, che mờ bởi các hào quang thắng lợi. Đối với xây dựng nông thôn mới, điều đặc biệt quan trọng là nhận diện một cách khoa học các vấn đề có tính “gốc rễ”, như cách hiểu, cách làm, cách đánh giá…

Khi nói đến cách tiếp cận, phương thức tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới không nên chung chung, mà cần quy về việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể. Trong đó, hai chủ thể quan trọng nhất là Chủ thể Nhà nướcChủ thể người dân. Chủ thể Nhà nước có vai trò là “Người cầm lái, kiến tạo”, tạo ra tác động vô cùng lớn thông qua lựa chọn cách tiếp cận xây dựng nông thôn mới. Nếu chọn đúng cách tiếp cận và phương thức tổ chức thực hiện sẽ khai thác được tối đa nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể của người dân. Phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân sẽ tạo nên động lực then chốt, bền vững cho xây dựng nông thôn mới. Với tư cách là chủ thể xây dựng nông thôn mới, người dân hoặc tự mình, hoặc thông qua cộng đồng, các tổ chức – đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp của mình, tham gia tất cả các công việc, từ đề xuất nhu cầu, xây dựng và điều chỉnh kế hoạch thực hiện, đến đóng góp nguồn lực thực hiện các tiêu chí, kiểm tra, giám sát và hưởng thụ thành quả. Không phát huy được vai trò người dân có thể dẫn đến thiếu động lực, lệch định hướng, thiếu nguồn lực, chậm tiến độ, kém bền vững, dễ bị mắc căn bệnh hình thức, chạy theo thành tích, lãng phí nguồn lực…

Phương thức xây dựng nông thôn mới cũng cần đổi mới kịp thời theo giai đoạn, vùng miền, dân tộc. Tuy nhiên, trong mọi biến động luôn có cái cốt lõi “bất biến”, mà ở đây nó là tính khoa học và sáng tạo. Cốt lõi này chính là một loại chìa khóa thành công của xây dựng nông thôn mới 10 năm qua. Vậy cần đánh giá cách tiếp cận nông thôn mới trong thực tế đã thực sự khoa học và sáng tạo, thông minh và hiệu quả chưa? Lời giải có lẽ cần tìm ở thể chế xây dựng nông thôn mới (vai trò Nhà nước) và mức độ tham gia của cộng đồng (vai trò người dân).

7. Phải chăng chúng ta đã phát huy tốt vai trò chủ thể người dân?

Vấn đề phát huy vai trò chủ thể, trách nhiệm xã hội của người dân trong xây dựng nông thôn mới luôn có tính thường trực trong mọi giai đoạn. Các góc cạnh của vấn đề này đã được nghiên cứu khá cặn kẽ cả về lý luận và thực tiễn bởi tính chất phức tạp và ý nghĩa  to lớn của nó.

Sự thành công của xây dựng nông thôn mới cần dựa trên nền tảng quan trọng của xây dựng hạ tầng thiết yếu, đổi mới diện mạo làng quê, bảo vệ môi trường, phát triển mạnh mẽ kinh tế, văn hóa và quản lý xã hội nông thôn cùng với hoàn thiện hệ thống chính trị. Sự chuyển biến trong tất cả các lĩnh vực đó đều phải dựa vào nguồn lực không thể thiếu của người dân, không thể chỉ trông chờ từ bên trên và bên ngoài.

Nguồn lực tài chính của người dân nông thôn vốn bị hạn chế, trong khi kinh tế nông thôn nước ta - nền tảng tạo nên nguồn lực người dân, thì chủ yếu vẫn là kinh tế hộ quy mô nhỏ, kém hiện đại, năng suất và giá trị gia tăng thấp.

Như vậy, để có thể đóng góp đắc lực cho xây dựng nông thôn mới, người dân cần có thu nhập cao hơn. Để giàu có nhanh hơn 30 năm đổi mới trước đây, người dân và các chủ thể kinh tế cần có nền tảng thuận lợi của nông thôn mới như những điều kiện cần. Về hình thức, đây không phải là kiểu câu hỏi “quả trứng - con gà”, nhưng về logic thì hai vế này gắn với nhau, nhân quả và bổ trợ cho nhau, không thể chỉ đòi hỏi một phía: đóng góp, đóng góp và đóng góp.

Trong thực tế, mặc dù thu nhập còn thấp, mức sống chưa cao so với đô thị, nhưng người dân nông thôn đã rất tâm huyết, đóng góp tiền bạc, đất đai, vật liệu, cây cối, công sức lao động và nhiều tài sản khác cho kiến thiết quê hương. Không chỉ xây dựng, mà còn duy tu, duy trì, bảo dưỡng, vận hành các tài sản công, tham gia các phong trào đời sống và hoạt động cộng đồng… đó là những đóng góp sau đầu tư, “phi tài chính” vô tận của cộng đồng người dân, tạo nên những đổi thay của nông thôn theo hướng bền vững.

Mặc dù việc tìm kiếm giải pháp huy động sự đóng góp của người dân và cộng đồng nông thôn vẫn còn nhiều “dư địa”, cần tiếp tục, nhưng chúng ta phải tập trung nhiều hơn nữa đến việc tạo ra ngày càng đầy đủ những điều kiện cần, giúp người dân nâng cao tiềm năng nguồn lực của họ, quan tâm nhiều hơn nữa đến sinh kế và nguyện vọng sinh hoạt của họ. Hãy làm cho họ thực sự trở thành chủ thể mạnh mẽ về kinh tế, thực hiện đúng logic: “dân giàu thì nước mạnh, xã hội văn minh”. Sự quan tâm đó vừa phải thể hiện ở phương châm, khẩu hiệu hành động đi vào lòng người, vừa biến thành các dự án dân làm dân thụ hưởng.

Tương tự như vậy là cách đặt vấn đề về vai trò chủ thể của người dân đối với văn hóa. Đối với phát triển nông thôn, văn hóa có tính nền tảng và bao trùm xét theo cả chiều rộng và chiều sâu của phát triển kinh tế, quản lý xã hội, phát triển nhân lực, nâng cao đời sống con người. Đó là “nguồn lực mềm” vô hạn hơn các “nguồn lực cứng”. Làm đầy đủ nhận thức và đồng bộ các giải pháp phát huy vai trò chủ thể, trách nhiệm xã hội của người dân trong lĩnh vực văn hóa là các nhiệm vụ có tính đòi hỏi rất cao.

Bên cạnh đó, ngoài các chủ thể truyền thống là nông dân rất cần thúc đẩy sự hình thành và phát triển các “chủ thể mới” ở nông thôn, như doanh nhân, tiểu chủ, nghệ nhân, thợ thủ công, công nhân, người làm thuê… Hay nói cách khác, chúng ta phải nhận thức lại, thay đổi tư duy về “nông dân” của nông thôn mới. Họ đã và đang thay đổi mạnh cả về lượng, chất và cấu trúc thành phần. Một bộ phận lớn nông dân đã trở thành công nhân theo đúng nghĩa đen: sử dụng máy móc cơ giới hóa ngày càng hiện đại. Sản xuất nông nghiệp ngày càng thay đổi bản chất, phát triển theo hướng chuyên môn hóa cao hơn, chuyên nghiệp hơn, có sự phân công khá rõ nét trong lực lượng lao động. Các chủ hộ chuyển dần tư duy từ “nông dân sản xuất” sang “chủ kinh tế hộ” đúng nghĩa, hạch toán thuê mướn các dịch vụ, tính toán hiệu quả đầu vào, tham gia liên kết, vươn tới thị trường… Nhiều kinh tế hộ trở thành trang trại, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hoạt động trong nhiều ngành nghề. Họ cũng có cổ phần, tham gia thành lập các doanh nghiệp hợp tác xã… Nông dân đang thoát khỏi tiểu nông “chân lấm tay bùn” để trở thành lực lượng sản xuất tiên tiến hơn, đa ngành nghề và năng động hơn. Khi chúng ta chuyển đổi mạnh mẽ được chủ thể, sẽ thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động và chất lượng của nông thôn. Nói đến nông thôn không chỉ có nông dân và nông nghiệp như trước. Từ góc nhìn này, vấn đề phát huy vai trò chủ thể người dân trong xây dựng nông thôn mới trở nên bao trùm và nền tảng. Và ở đây, một câu hỏi xuất hiện: Chúng ta đã hiểu và thực hiện như thế nào chiến lược “Xây dựng nông thôn mới dựa vào cộng đồng”?

Hình: Quan điểm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Các câu hỏi lớn trên đây có thể tách ra thành nhiều vấn đề cần giải quyết, nhiều chuyên đề cần nghiên cứu. Trong kỷ nguyên VUCA ngày nay (VUCA là viết tắt của: Volatility- Biến động; Uncertainty - Bất định; Complexity - Phức tạp; Ambiguity - Mơ hồ), cần đặc biệt coi trọng và tôn trọng các đề tài nghiên cứu khoa học để giải đáp những vấn đề lớn được đặt ra và thường xuyên biến động. Nguồn lực khoa học và công nghệ nếu chỉ tập trung cho các dự án, mô hình để kỳ vọng vào những lợi ích nhãn tiền thì có lẽ sẽ có một câu hỏi lớn hơn hết được đặt ra: Phải chăng sẽ cần có một cuộc “Đổi mới lần thứ ba”?

Nguyễn Ngọc Luân (Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp),

Bạch Quốc Khang (Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020)


Tin khác