Phát triển kinh tế tuần hoàn không thể bàn mãi về lý thuyết

21/11/2023

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 với chủ đề “Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu ý kiến.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Cùng tham dự diễn đàn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đối tác phát triển, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu về kinh tế tuần hoàn.

Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2023 là cơ hội để trao đổi và thảo luận về cách tiếp cận phù hợp và cơ chế tài chính để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại các ngành, lĩnh vực từ cấp trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường.

Tại diễn đàn, giới thiệu các mô hình kinh tế tuần hoàn được triển khai; các cơ chế tài chính thúc đẩy thị trường carbon, nguồn tài chính đổi mới cho đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái cũng như huy động sự tham gia của tư nhân trong hoạt động quản lý chất thải được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện kinh tế tuần hoàn thời gian tới.

Phát triển kinh tế tuần hoàn không thể bàn mãi về lý thuyết ảnh 1

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn.

Phát biểu đề dẫn và khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Trong gần 40 năm qua, phát triển dựa vào các nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.

Trước những vấn đề đặt ra đó, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách khá kịp thời. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, các Nghị quyết của Đảng về các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp hóa, đô thị hóa, nông nghiệp - nông thôn - nông dân, phát triển các vùng... đã có định hướng.

Phát triển kinh tế tuần hoàn không thể bàn mãi về lý thuyết ảnh 2

Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2023.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định kinh tế tuần hoàn là “Mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường”. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ đã quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, biện pháp, trách nhiệm, lộ trình và các cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết thêm, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” để cụ thể hóa lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn được giao tại Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trước 31/12/2023.

Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổ biên tập và nhóm chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn”. Kế hoạch được xây dựng trên nguyên tắc căn bản là: Phải đúng với định hướng của Đảng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu được đề ra có liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Mặt khác, phù hợp với kinh nghiệm và xu hướng chung của quốc tế, khu vực ASEAN; tạo ra không gian mở và không tạo ra các rào cản để các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn vào trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu dùng một cách thuận lợi nhất.

Dự thảo kế hoạch đã xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, đến 2030 cho thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Dự thảo đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp độ quốc gia phân theo ba nhóm, gồm: Nhóm chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; nhóm chỉ tiêu về kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; nhóm chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế-xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững... Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động như hiện nay.

Phát triển kinh tế tuần hoàn không thể bàn mãi về lý thuyết ảnh 3

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu ý kiến tại Diễn đàn.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chia sẻ: Nếu như cách đây 5 năm, kinh tế tuần hoàn là một điều rất xa, chỉ nằm trên nghiên cứu, nhưng nay là giải pháp, là bước tiến trên chặng đường phát triển bền vững. Chúng ta không thể phát triển như trước, nếu dựa vào khai thác tài nguyên. Bởi vậy, con đường đi và xu thế, dòng chảy chính của thời đại không thể khác được.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc phát triển kinh tế tuần hoàn không thể bàn mãi về lý thuyết, nếu không có mục tiêu rõ ràng thì không thể thực hiện. Phải phát triển và giữ được tài nguyên mãi mãi trường tồn, ở đây phải là tài nguyên tái tạo, tài nguyên tri thức. Đòi hỏi chúng ta phải chuyển lý luận thành chính sách và khuôn khổ pháp lý, đặt ra mục tiêu cụ thể cho mỗi bên liên quan. Mọi chi phí, kết quả kinh tế phải được hạch toán, để thấy rằng tiếp cận kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích như thế nào?. Do vậy, Chính phủ, doanh nghiệp, các nhà khoa học và mỗi người dân đều phải biến những điều phức tạp thành đơn giản, tạo ra sức mạnh cộng hưởng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, để thúc đầy kinh tế tuần hoàn, cần phải có một kế hoạch rõ ràng, các mục tiêu cụ thể và có sự đồng thuận lớn của toàn xã hội. Đồng thời, cần phải có một hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp là động lực trung tâm, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Những chính sách cụ thể sẽ là bệ đỡ, bệ phóng cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp thực hành kinh doanh kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả nhất.

Phát triển kinh tế tuần hoàn không thể bàn mãi về lý thuyết ảnh 4

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đại biểu tham quan triển lãm của các doanh nghiệp tại Diễn đàn.

Ngoài ra, trong bản kế hoạch hành động quốc gia phải định hình về mặt tư duy, về định hướng, về ưu tiên, nhưng bản kế hoạch đó chỉ thực hiện được khi và chỉ khi từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực có mục tiêu cụ thể. Bản kế hoạch này chỉ thành công khi các lĩnh vực, các doanh nghiệp bắt tay với nhau và xây dựng cho mình những bản kế hoạch mang tính chất những lĩnh vực có thể hợp tác với nhau hiệu quả để phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và đề xuất khuyến nghị từ các tổ chức quốc tế cho Việt Nam để thúc đẩy chuyển sang kinh tế tuần hoàn nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với các vấn đề biến đổi khí hậu…

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ một số nội dung như: Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn; cách tiếp cận phù hợp và cơ chế tài chính để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại các ngành, lĩnh vực từ cấp trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường; các cơ chế tài chính thúc đẩy thị trường carbon, nguồn tài chính đổi mới cho đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái; huy động sự tham gia của tư nhân trong hoạt động quản lý chất thải để thực hiện kinh tế tuần hoàn; các mô hình kinh tế tuần hoàn được triển khai thời gian qua.


Tin khác