Một thỏa thuận giữa Thái Lan và Việt Nam để nâng giá gạo sẽ “không khả thi”, theo lãnh đạo hàng đầu của ngành gạo cho hay – một góc nhìn khác với kế hoạch mà chính phủ Thái Lan dự định đề xuất về thành lập cartel gạo giữa bối cảnh khủng hoảng thực phẩm toàn cầu. Chính phủ Thái Lan hồi cuối tuần trước bày tỏ kế hoạch hợp tác với Việt Nam tạo thành một khối giữa nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới để củng cố sức mạnh đàm phán và giúp giảm nhẹ gánh nặng chi phí sản xuất đang tăng. Việt Nam vẫn chưa xác nhận kế hoạch như vậy đã được thảo luận.
Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho rằng hiệp hội không được tham vấn và ý tưởng này rất tồi. “Thái Lan và Việt Nam không phải là các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, tổng cộng thậm chí còn ít hơn tổng xuất khẩu gạo của Ấn Độ và các khách hàng có thể chuyển sang mua gạo từ các đối thủ cạnh tranh”, ông Chookiat cho biết thêm gạo không thể bảo quản dài ngày đủ để chờ giá tăng. “Các chính trị gia không hiểu thị trường gạo và không thảo luận vấn đề này với hiệp hội”, ông cho hay. Các bình luận của ông tương đồng với người đứng đầu hiệp hội lương thực Việt Nam – tuần trước cho rằng giá tăng vào thời điểm bất ổn thực phẩm toàn cầu là không hợp lý. Các Bộ Nông nghiệp Thái Lan và Việt Nam không phản hồi các yêu cầu bình luận từ báo giới.
Khó tạo cartel
Nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ chiếm tới 40% nguồn cung toàn cầu và giá gạo Ấn Độ chạm mức thấp nhất trong 5 năm qua vào tuần trước do đồng rupee yếu đi và nguồn cung dồi dào từ các nước xuất khẩu hàng đầu. Các nhà chức trách nước này tuần trước cũng cho biết Ấn Độ không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo.
Giá gạo trắng Ấn Độ 5% tấm rẻ hơn giá gạo Việt Nam ít nhất 50 USD/tấn và giá gạo Thái Lan ít nhất 100 USD/tấn, theo các thương nhân cho hay. Trong những năm gần đây, thậm chí Việt Nam nhập khẩu một lượng gạo Ấn Độ để sản xuất bia và thức ăn chăn nuôi. “Một cơ chế giá như vậy sẽ không hoạt động nếu thiếu sự tham gia của Ấn Độ. Gạo Ấn Độ đang rẻ hơn rất nhiều nên nếu các nước khác tăng giá thì người mua sẽ chuyển sang gạo Ấn Độ”, một thương nhân tại Mumbai cho hay.
Thương nhân này cho biết Việt Nam và Thái Lan đã mất thị phần và nên giảm giá để giành lại thị phần. Một thương nhân tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết một cartel như vậy khó hình thành bởi có “quá nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này”, và bởi Thái Lan, Việt Nam đều không phải nước xuất khẩu gạo lớn nhất. “Nếu Ấn Độ hạn chế xuất khẩu thì giá sẽ tăng mà không cần Thái Lan và Việt Nam hình thành cartel”.
Việt Nam và Thái Lan chiếm chưa đầy 10% tổng sản lượng gạo và khoảng 26% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo toàn cầu, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Một trong những bên thiệt hại lớn nhất từ một cartel như trên là Philippines. Sản lượng lúa năm 2021 của Philippines là 20 triệu tấn, không đủ để cung cấp cho dân số 110 triệu người. Người phát ngôn Bộ Nông nghiệp nước này hôm đầu tuần bày tỏ sự tự tin rằng công nghệ có thể giúp sản xuất đạt mức cao kỷ lục và có hiệu quả chi phí hơn.
Theo Reuters