Tại Anh, lạm phát vào tháng 10/2022 lên tới 13%, trong khi tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), dao động quanh mức 10%. Khoảng 1/3 trong số hàng chục triệu doanh nghiệp tại Đức đã phải cắt giảm, thậm chí là ngừng sản xuất, vì giá năng lượng quá cao Giá lương thực thực phẩm liên tục tăng cao, giá lương thực và đồ uống trong tháng 2/2023 tại Eurozone đã đạt mức tăng kỷ lục 15% (theo Ủy ban Liên minh châu Âu).
Trước tình hình đó, ngày 23/3/2022, Ủy ban Liên minh châu Âu đề xuất các nước thành viên tiến tới giảm thuế giá trị gia tăng để “nâng cao khả năng tiếp cận thực phẩm” cho người dân và khuyến khích kiềm chế giá thực phẩm (theo báo cáo của Laaninen, 2022). Theo các quy tắc hiện hành về thuế VAT nói chung, các quốc gia thành viên có thể áp dụng một mức thuế suất tiêu chuẩn cho tất cả hàng hóa và dịch vụ từ 15% trở lên.
Tuy nhiên trong tình huống đại dịch hoặc khủng hoảng, các quốc gia có thể giảm thuế giá trị gia tăng ở mức thấp nhất là 5%”. Theo đó, Bồ Đào Nha đã đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng là 6% tại tất cả các quận (so với mức 23% và 13% hiện tại), 5% và 4% lần lượt tại hai vùng tự trị Madeira và Azores. Các mặt hàng áp dụng mức giảm này gồm ngũ cốc, thịt, cá, các sản phẩm từ sữa, dầu ô liu, muối, rau và trái cây. Bên cạnh đó, Ủy ban Liên minh châu Âu tạm thời cho phép canh tác đất bỏ hoang để sản xuất thức ăn chăn nuôi và đáp ứng sự thiếu hụt hàng xuất khẩu từ Ukraina và Nga từ ngày 23/3/2022.
Đồng thời, Ủy ban Liên minh châu Âu cũng ban hành một khung hỗ trợ tình hình khẩn cấp tạm thời để cho phép các Quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng và đã thành lập một nhóm chuyên gia trong cơ chế ứng phó và phản ứng khẩn cấp về an ninh lương thực châu Âu (EFSCM), như một phần của kế hoạch phòng chống khủng hoảng lương thực có hiệu lực đến 31/12/2023. Theo khung hỗ trợ, các quốc gia thành viên có thể (i) cấp viện trợ lên tới 35.000 Euro cho các công ty bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản và lên tới 400.000 Euro cho mỗi công ty bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hoạt động trong tất cả các lĩnh vực khác ngành; hỗ trợ được cấp dưới mọi hình thức, bao gồm trợ cấp trực tiếp; (ii) hỗ trợ doanh nghiệp luôn đảm bảo tính thanh khoản; cụ thể cung cấp bảo lãnh của Nhà nước để đảm bảo các ngân hàng tiếp tục cung cấp các khoản vay cho tất cả các công ty bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hiện nay; và cung cấp các khoản vay công và tư với lãi suất ưu đãi; (iii) với bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, hỗ trợ các công ty về chi phí bổ sung phát sinh do giá điện và khí đốt quá cao. Tổng viện trợ cho mỗi người thụ hưởng không vượt quá 30% chi phí khi đủ điều kiện, tối đa là 2 triệu Euro tại bất kỳ thời điểm nào. Đối với việc thua lỗ trong hoạt động, các quốc gia thành viên cung cấp mức viện trợ lên tới 25 triệu Euro cho những người sử dụng nhiều năng lượng và lên tới 50 triệu Euro cho các công ty hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như sản xuất nhôm và các kim loại khác, sợi thủy tinh, bột giấy, phân bón hoặc hydro và nhiều hóa chất cơ bản.
Các nước Đông Âu như Bulgaria, Ba Lan, Slovakia, Romania và Hungary có mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Ukraina trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2022, Liên minh Châu Âu đã tự do hóa tất cả hàng nhập khẩu từ Ukraina để giúp nước này chống lại cuộc xung đột với Nga. Năm quốc gia Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã trở thành tuyến đường trung chuyển ngũ cốc của Ukraina. Tuy nhiên, điều này đã gây dư thừa các loại ngũ cốc – khiến nông sản tại 5 nước bị giảm giá. Người nông dân các nước này cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dư thừa ngũ cốc và giá giảm mạnh. Trước tình hình này, vào tháng 5/2023, 4 mặt hàng ngũ cốc gồm lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương xuất khẩu từ Ukraina bị tạm cấm nhập khẩu tại 5 quốc gia Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia để bảo vệ ngành nông nghiệp của các quốc gia này khỏi những biến động thị trường do hàng nhập khẩu giá rẻ cho đến ngày 15/9/2023. Tuy nhiên, 4 sản phẩm trên vẫn được phép lưu thông tự do ở các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu khác; riêng tại 5 quốc gia này, lúa mỳ, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương vẫn được phép quá cảnh để xuất khẩu đi nơi khác, kể cả sang các nước Liên minh Châu Âu khác. Ủy ban Liên minh châu Âu cũng cung cấp gói hỗ trợ trị giá 100 triệu Euro cho nông dân địa phương của 5 quốc gia Liên minh Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia.
Ukraina được biết đến là quốc gia chiếm đến 15% sản lượng ngô, 10% sản lượng lúa mì và sản xuất khoảng một nửa lượng dầu hướng dương của thế giới. Xuất khẩu nông sản của nước này đã bị đình trệ kể từ khi xung đột diễn ra khi các cảng biển bị phong tỏa và bị phá hủy nghiêm trọng. Điều này khiến giá nhiều mặt hàng lương thực thiết yếu tăng vọt do nguồn cung khan hiếm và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Để ứng phó với tình hình này, nhiều quốc gia đã đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm bảo vệ an ninh lương thực nội địa, có thể kể đến như 23/5/2022, Malaysia ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa và giá cả leo thang. Động thái trên khiến Singapore quan ngại vì nước này phụ thuộc lớn vào nguồn cung lương thực của Malaysia với khoảng 33% lượng thịt gà nhập khẩu của Singapore trong năm 2021 là từ Malaysia; Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì và hạn chế cả xuất khẩu đường; Indonesia cũng giới hạn bán dầu cọ và một số quốc gia khác ban hành hạn ngạch ngũ cốc (Nguyên Hạnh, 2022). Các diễn biến này đã khiến các quốc gia thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận lương thực, và tạo nhiều thách thức cho an ninh lương thực thế giới. “Sáng kiến ngũ cốc biển Đen” là thỏa thuận giữa Nga và Ukraina đã được ký kết vào tháng 7/2022, dưới sự chứng kiến của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm nối lại việc xuất khẩu lương thực của Ukraina và phân bón của Nga ra thị trường quốc tế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 2022). Thỏa thuận tạo điều kiện xuất khẩu lương thực Ukraina qua đường Biển Đen, và đã được gia hạn 3 lần vào 11/2022, 3/2023, 5/2023 và đã hết hạn vào ngày 17/7/2023. Theo đó, Nga dỡ bỏ phong tỏa với các tàu ngũ cốc Ukraina từ các cảng Odessa, Yuzhne và Chornomorsk ven biển Đen tới eo biển Bosphorus ở Thổ Nhĩ Kỳ, lấy đó làm điểm trung chuyển để xuất khẩu ra thế giới (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 2022). Kể từ khi thỏa thuận được ký kết, hơn 490 tàu chở 11,8 triệu tấn ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác đã được chở tới điểm đến trên khắp thế giới, bao gồm nhiều quốc gia thu nhập thấp đang gặp vấn đề về khủng hoảng lương thực (Ngọc Thạch, 2023).
Với Trung Quốc, Ukraina là một nguồn cung cấp quan trọng cho một số sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, lúa mì và đậu nành. Điều này đã tạo áp lực cho Trung Quốc để tìm nguồn cung cấp thay thế khi giá cả thực phẩm leo thang, chuỗi cung ứng đứt gãy. Để đáp ứng nhu cầu lương thực trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraina, Trung Quốc đã triển khai một số biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định và giảm sự phụ thuộc vào Nga và Ukraina. Trước tiên, Trung Quốc đã nới lỏng các rào cản đối với nhập khẩu lúa mì từ Nga để đáp ứng nhu cầu trong nước. Qua việc mở rộng quy mô nhập khẩu, Trung Quốc nhằm đảm bảo có đủ nguồn cung lương thực để bình ổn giá và duy trì tính ổn định trong thị trường nội địa. Từ 02/2022, Trung Quốc đã dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm đối với lúa mì nhập khẩu từ Nga trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina leo thang, cho thấy mối quan hệ giữa Moskva-Bắc Kinh đang được thắt chặt khi Mỹ và các đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Trước đó, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu lúa mì của Nga do lo ngại về kiểm dịch thực vật. Trong tuyên bố gần đây của cơ quan hải quan Trung Quốc, Nga cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp để giảm thiểu rủi ro cây nhiễm bệnh (Bảo Hà, 2022). Thứ hai, Trung Quốc đã tăng cường đa dạng hóa nhập khẩu lương thực. Bằng cách tăng cường nhập khẩu từ các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Brazil, Argentina và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Châu Phi, Trung Quốc hy vọng giảm sự phụ thuộc vào Nga và Ukraina. Điều này sẽ đảm bảo nguồn cung ứng lương thực đa dạng và ổn định trong thời gian xung đột. Thứ ba, Trung Quốc đã mở rộng hợp tác nông nghiệp với các quốc gia khác, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á và Châu Phi. Điều này bao gồm việc đầu tư vào các dự án nông nghiệp, thu mua đất và chia sẻ công nghệ và kỹ thuật nông nghiệp. Năm 2021, Trung Quốc mở rộng vùng sản xuất bằng việc thuê đất tại Lào và Campuchia để chủ động nguồn cung, với 12 nghìn hecta đất nông nghiệp tại Lào với mục đích trồng sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (Thiên Minh, 2023). Trong chiến lược đa dạng hóa thị trường nhằm đảm bảo an ninh lương thực, Trung Quốc cũng đã thúc đẩy hợp tác với các nước châu Phi, mở luồng xanh cho nông sản châu Phi xuất khẩu sang Trung Quốc như bơ Kenya, đậu tương từ Zambia; các nước khác như Ethiopia, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Rwanda. Nam Phi hiện cũng đang tiến hành xuất khẩu các sản phẩm từ hoa hồng, cà phê, thịt bò, phụ phẩm và trái cây sang thị trường Trung Quốc. (Kim Long, 2022). Bằng cách này, Trung Quốc hy vọng có thể tăng cường nguồn cung lương thực từ các nguồn khác nhau và giảm sự phụ thuộc vào Nga và Ukraina. Trung Quốc cũng tăng cường năng lực sản xuất nông nghiệp trong nước để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Bằng cách nâng cao năng suất nông nghiệp, đẩy mạnh công nghệ và cải tiến trong nông nghiệp, cũng như khuyến khích việc sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, Trung Quốc mong muốn có thể tự cung tự cấp lượng lớn lương thực trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu.
Indonesia, Bangladesh và Ai Cập là một trong những quốc gia tiêu thụ lúa mì Ukraina lớn nhất. Nga và Ukraina chiếm một nửa lượng lúa mì nhập khẩu của Bangladesh. 39% lúa mì của Pakistan đến từ Ukraina. Giá các mặt hàng chủ lực tại Indonesia như mì, bột mì, dầu ăn, hạt tiêu, trứng, ớt và trà tăng nhanh. Sự gián đoạn nguồn cung lúa mì có thể đã góp phần khiến các ki-ốt bán mì ở Indonesia tăng giá hơn 10%, với giá mặt hàng chủ lực ăn liền tăng tới 20% (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 2022). Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng cao, Chính phủ đã tăng gấp ba lần chi tiêu trợ cấp năng lượng trong năm 2022 từ ngân sách ban đầu lên 502,4 nghìn tỷ rupiah (33,83 tỷ Đô la Mỹ) để giữ giá nhiên liệu bao gồm xăng và dầu diesel và một số biểu giá điện không thay đổi. Điều này dẫn đến chênh lệch giá ngày càng lớn giữa nhiên liệu được trợ cấp và không được trợ cấp, khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng nhiên liệu rẻ hơn. Sau đó, 9/2022, Chính phủ đã phải tăng giá nhiên liệu được trợ cấp khoảng 30% để bảo vệ ngân sách nhà nước (Trần Phương, 2022). Thay vào đó, phân phối trợ cấp xã hội như là một hình thức trợ giá nhiên liệu tăng. Từ tháng 9/2022, Chính phủ Indonesia cũng bắt đầu phân phối tiền mặt từ quỹ bảo trợ xã hội bổ sung trị giá 1,6 tỷ đô la để giảm bớt áp lực giá cả cho người nghèo do tăng giá nhiên liệu (Fransiska Nangoy, 2022). Theo đó, khoảng 20,6 triệu hộ gia đình nghèo, người thu nhập thấp trên khắp đất nước trong diện được nhận hỗ trợ, chia làm 2 giai đoạn, mỗi hộ gia đình nghèo được hỗ trợ 300.000 rupiah (tương đương 472.000 đồng) (Võ Giang, 2022). Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu trong nước trong bối cảnh xung đột tại Ukraina làm gián đoạn nguồn cung, Chính phủ Indonesia cũng tìm kiếm các loại ngũ cốc thay thế sau khi một số nước sản xuất lúa mì như Ấn Độ và Kazakhstan tạm dừng xuất khẩu và mở rộng diện tích trồng cao lương nhằm thay thế lúa mì nhập khẩu (Thông tấn xã Việt Nam, 2022).
Nhìn chung, để ngăn chặn hoặc hạn chế các tác động của xung đột Nga-Ukraina đối với lĩnh vực lương thực và nông nghiệp, các nước cần nỗ lực duy trì thương mại quốc tế về lương thực và hàng hóa. Các chuỗi cung ứng cần được duy trì hoạt động đầy đủ, bao gồm bằng cách bảo vệ cây trồng, vật nuôi, cơ sở hạ tầng chế biến thực phẩm và tất cả các hệ thống hậu cần. Tìm kiếm nguồn cung thay thế cũng là biện pháp được nhiều quốc gia áp dụng. Ví dụ, khi cung dầu hướng dương cung cấp bị gián đoạn, đã có sự chuyển đổi sang dầu cọ và dầu đậu nành. Với phân bón, Canada đã trở thành một lựa chọn tốt thay thế Nga - xuất khẩu phân bón của Canada sang Brazil đã tăng 70% trong 6 tháng đầu năm 2022 (Hoài Thanh, 2022). Các giải pháp ứng phó của mỗi nước cũng là kinh nghiệm cho Việt Nam tham khảo và có kế hoạch thích ứng dài hạn,
Tác giả: Bùi Thị Việt Anh – Trần Thị Hương Giang – Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp (CAP/IPSARD)
– Tổng hợp của nhóm tác giả dựa vào các tài liệu nghiên cứu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Fransiska Nangoy. (2022). Explainer: Indonesia bites the bullet on fuel prices as subsidies soar. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/indonesia-bites-bullet-fuel-prices-subsidies-soar-2022-09-03/
Hoài Thanh. (2022). Canada nổi lên là “lựa chọn thay thế” đối với nguồn cung hàng hóa từ Nga. Báo Tin Tức. https://baotintuc.vn/the-gioi/canada-noi-len-la-lua-chon-thay-the-doi-voi-nguon-cung-hang-hoa-tu-nga-20220330110041007.htm
Kim Long. (2022, August). Trung Quốc mở luồng xanh nông sản 300 tỷ USD cho châu Phi. https://nongnghiep.vn/trung-quoc-mo-luong-xanh-nong-san-300-ty-cho-chau-phi-d330634.html
Laaninen, T. (2022). Russia’s war on Ukraina: EU food policy implications. http://www.europarl.europa.eu/thinktank
Ngọc Thạch. (2023, May). Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc qua Biển Đen. https://vov.vn/the-gioi/tho-nhi-ky-thao-luan-ve-viec-gia-han-thoa-thuan-ngu-coc-qua-bien-den-post1019291.vov
Nguyên Hạnh. (2022). Đã có 30 quốc gia hạn chế xuất khẩu lương thực, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. https://tuoitre.vn/da-co-30-quoc-gia-han-che-xuat-khau-luong-thuc-chu-nghia-bao-ho-troi-day-20220525100145163.htm
Thiên Minh. (2023, March). Trung Quốc đầu tư trồng 12 nghìn hecta sầu riêng tại Lào. https://cafef.vn/vu-svb-bi-hai-nhung-founder-startup-phai-voi-tap-xe-vao-le-duong-de-rut-tien-khoi-ngan-hang-20230312203615211.chn
Thông tấn xã Việt Nam. (2022, August 5). Indonesia trồng cao lương thay lúa mì nhập khẩu. https://tuoitre.vn/indonesia-trong-cao-luong-thay-lua-mi-nhap-khau-20220824182550994.htm
Trần Phương. (2022, September 3). Indonesia tăng giá nhiên liệu 30% vì không chịu nổi trợ giá. https://tuoitre.vn/indonesia-tang-gia-nhien-lieu-30-vi-khong-chiu-noi-tro-gia-20220903162844244.htm
VCCI. (2022). Xung đột Nga-Ukraina và tác động đến thương mại toàn cầu. 30–31. https://aecvcci.vn/Uploaded/Users/banthuky/files/2023/7_%20Xung%20dot%20Nga%20-%20Ukraina.pdf
Võ Giang. (2022, September 5). Tăng giá nhiên liệu, Indonesia hỗ trợ tiền mặt cho dân nghèo. https://vov.vn/the-gioi/tang-gia-nhien-lieu-indonesia-ho-tro-tien-mat-cho-dan-ngheo-post967840.vov
Bảo Hà. (2022, February 25). Trung Quốc dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm nhập khẩu lúa mì của Nga. https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-do-bo-toan-bo-lenh-cam-nhap-khau-lua-mi-cua-nga-20220225065010652.htm