1. Các hoạt động hợp tác giữa 3 Bộ:
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 3962, 3 Bộ đã có một số hoạt động triển khai, phối hợp triển khai hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Các hoạt động tập trung vào:
- Xây dựng lộ trình và lập kế hoạch nguồn lực hỗ trợ triển khai thực hiện Kế hoạch 3962: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 4782/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 13/12/2022 phê duyệt Kế hoạch triển khai Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025. Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3023/QĐ-BCT về việc phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí thực hiện Kế hoạch 03 Bộ với tổng kinh phí ngân sách nhà nước năm 2023 là 1,5 tỷ đồng. Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối, phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Công Thương (Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách, Vụ Thị trường Châu Á- Châu Phi, Vụ Thị trường Châu Âu- Châu Mỹ) triển khai thực hiện 5 đề án. Việc thúc đẩy hỗ trợ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản tiềm năng cũng được gắn với các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
- Tập trung hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số nông sản tại một số thị trường: Theo Kế hoạch số 3962, các sản phẩm được hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nhãn Sông Mã (Sơn La), xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Các đơn vị liên quan cũng triển khai nghiên cứu phương án hỗ trợ quảng bá và hướng đến xây dựng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm cà phê, tiêu, trái cây (sầu riêng, thanh long, xoài, bưởi). Cho đến nay, vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Nhãn lồng Hưng Yên và xoài Đồng Tháp hiện đang được hỗ trợ kiện toàn công tác quản lý, kiểm soát sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhằm đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản, Trung Quốc để đăng ký bảo hộ tại các quốc gia này.
- Nâng cao năng lực cho các tác nhân tham gia vào các chuỗi nông sản xuất khẩu: Các Bộ đều đã triển khai các hội thảo, hội nghị tập huấn, nâng cao nhận thức về đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với cơ quan sở hữu trí tuệ Trung Quốc tổ chức 3 hội thảo tập huấn về đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc (tại Sơn La, Tiền Giang, Hà Nội); xây dựng và phát hành tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sang các thị trường xuất khẩu trọng điểm (Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ…). Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản đã chủ trì, phối hợp với một số tổ chức quốc tế tổ chức 02 Hội thảo (về Xây dựng và Bảo hộ nhãn hiệu sản nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam; và Phổ biến nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý lý nông sản Việt Nam tại thị trường quốc tế) và 01 lớp tập huấn (với chủ đề “Hướng dẫn, phổ biến quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ, quản trị và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU”).
2. Một số hạn chế, tồn tại trong triển khai
Thời gian qua, ngày càng có nhiều hơn sản phẩm nông sản của nước ta đã được bảo hộ tại nước ngoài dưới các hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu thông thường. Việc bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý cho vài thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận ở Nhật Bản cho thấy doanh nghiệp và nông dân Việt Nam có đủ năng lực sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn của những thị trường khó tính. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai hoạt động đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản ở nước ngoài:
- Số lượng đăng ký nhãn hiệu quốc tế, nhãn hiệu có nguồn Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với số lượng các doanh nghiệp thành lập, hoạt động;
- Quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù mang địa danh của nhiều quốc gia rất chặt chẽ, đặc biệt là quy định về năng lực cán bộ và cơ sở vật chất của tổ chức tập thể (Hiệp hội, Hợp tác xã…); quy định về tính thống nhất, ổn định, minh bạch thông tin trong quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm; quy định về vấn đề kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, chất lượng, quy trình sản xuất. Do đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp mang địa danh của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được quy định về điều kiện bảo hộ ở nước ngoài;
- Một số quốc gia yêu cầu một trong những điều kiện để bảo hộ ở nước ngoài là sản phẩm phải được kinh doanh tại quốc gia sở tại với bao bì tem nhãn của chủ thể/quốc gia đăng ký, trong khi nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa được xuất khẩu chính ngạch, chưa phân phối, kinh doanh trực tiếp ở nước ngoài với bao bì tem nhãn của Việt Nam.
3. Một số đề xuất giải pháp, kiến nghị
- Việc lựa chọn các sản phẩm nông sản để bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đặc biệt tại nước ngoài, cần xem xét đến các vấn đề chế biến, bảo quản (rất quan trọng trong việc đảm cho việc xúc tiến xuất khẩu sản phẩm tại các thị trường khó tính sau này) và chất lượng và năng lực sản xuất (đảm bảo khả năng cung cấp cho thị trường).
- Nghiên cứu tính khả thi việc xây dựng phát triển các chỉ dẫn quốc gia đối với các sản phẩm nông sản nổi bật (nước mắm Việt Nam, chè Việt Nam,…).
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp thông qua các hoạt động thường xuyên hoặc chương trình, đề án;
- Nâng cao năng lực cho các tổ chức tập thể như Hiệp hội, Hợp tác xã để bảo đảm đủ điều kiện năng lực quản lý, kiểm soát các sản phẩm do hội viên sản xuất, kinh doanh. Tập huấn, hỗ trợ cho các nhà sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm, vấn đề kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, chất lượng theo các yêu cầu của các cơ quan sở hữu trí tuệ nước ngoài;
- Cần tiếp tục có sự vào cuộc, hỗ trợ từ cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan quản lý về nông nghiệp, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để tiến hành thủ tục pháp lý đăng ký bảo hộ ra nước ngoài.
Đặng Phúc Giang
(Trung tâm Phát triển nông thôn/Ipsard)