MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU Ở CẤP HUYỆN

27/09/2023

Xây dựng nông thôn mới “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, huyện cần tiếp tục hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đó là quan điểm được đề cập đến trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, nông thôn mới đạt chuẩn và nâng cao đã có các tiêu chí cụ thể ở cấp xã và cấp huyện, tuy nhiên nông thôn mới kiểu mẫu mới có quy định áp dụng đối với cấp xã, còn nông thôn mới kiểu mẫu ở cấp huyện chưa có quy định cụ thể mà mới chỉ đang triển khai thí điểm tại 04 huyện: huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định); huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An); huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng); huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Bài viết này bàn luận một số vấn đề nhằm gợi ý cho việc xây dựng quy định/hướng dẫn xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

 

1. Quan điểm, cách tiếp cận xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Trước hết, chủ trương xây dựng nông thôn mới cấp huyện là thực sự cần thiết, tiếp thu các yêu cầu của thực tiễn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 10 năm qua thành công là nhờ chọn đúng cấp xã làm đơn vị cơ sở để triển khai, đưa Chương trình về gần dân nhất, phát huy tốt sức mạnh của hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy không ít xã nông thôn mới đơn thuần chỉ là những mô hình được công nhận đạt chuẩn trên cơ sở hoàn thành 19 tiêu chí, còn huyện đạt nông thôn mới cơ bản chỉ là phép cộng, khi có 100% xã đạt nông thôn mới. Giữa các xã trên cùng một địa bàn còn thiếu sự kết nối hữu cơ, hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ; phạm vi từng xã khó thu hút được đầu tư do hạn chế về quy mô và năng lực, nhiều bất cập nảy sinh về quy hoạch, hạ tầng, môi trường… Chính vì thế, chủ trương xây dựng NTM ở phạm vi cấp huyện là sự thay đổi tư duy, phù hợp với thực tiễn, nhằm phát huy vai trò của huyện trong hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến, thu gom nông sản, phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ, du lịch; tạo ra sự kết nối liên xã, liên vùng, nông thôn - đô thị.

Thứ hai, chủ trương xây dựng huyện nông thôn mới chất lượng cao với tên gọi phù hợp, thể hiện cấp độ cao hơn mức đạt chuẩn là đúng đắn, logic với tiến trình phát triển không ngừng. Tương tự như ở cấp xã, các huyện sau đạt chuẩn nông thôn mới phải tiếp tục nâng cao kết quả đạt được, hướng đến cấp độ cao hơn, một mặt giữ vững tinh thần thi đua, trách nhiệm và sáng tạo, mặt khác thôi thúc phát huy những tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, tạo ra động lực phát triển liên tục, thực hiện mục tiêu cốt lõi nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Thứ ba, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu phải hướng đến cách làm mới, nghĩa là phải làm tốt theo cách mới, không phải theo cách cũ. Kiểu mẫu” có nghĩa là đưa ra được mô hình nông thôn mới chất lượng cao với cách làm mới, để làm mẫu cho các địa phương học hỏi về phương pháp, cách làm, góp phần đổi mới tư duy, làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn xây dựng nông thôn mới, chứ không đơn giản chỉ là nâng cao tiêu chuẩn theo cách làm cũ, cố dồn sức xây dựng điển hình, rồi sau khi đạt được danh hiệu và hết nguồn đầu tư sẽ không còn sức để duy trì những thành quả đạt được.

Thứ tư, chủ trương thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu là đúng đắn, là cách tiếp cận kết hợp khoa học với thực tiễn. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở phạm vi huyện là mới mẻ, chưa ở đâu làm, vì thế rất cần thí điểm. Hơn nữa không thể rập khuôn cách làm của cấp xã: xã có tính chất mô hình, phạm vi hẹp, gắn với cộng đồng thôn bản, theo vùng miền. Huyện cần có cách làm khác. Mỗi huyện với phạm vi rộng lớn, gồm nhiều xã, tính chất kiểu mẫu khác biệt cả về lượng và chất, rất cần có thời gian nghiên cứu lựa chọn mô hình phù hợp.

Thứ năm, việc lựa chọn 04 huyện thí điểm theo các lĩnh vực thí điểm kiểu mẫu ở 04 vùng như hiện nay là phù hợp. Huyện Hải Hậu thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp” để phát triển bền vững; huyện Nam Đàn thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch; huyện Đơn Dương thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh”; huyện Xuân Lộc thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”. Cả 04 huyện đều là những huyện đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở từng vùng, nhưng không có các điều kiện kinh tế - xã hội quá vượt trội, hoặc được ưu đãi quá mức. Mỗi huyện lại có những đặc trưng rất nổi bật, có các lĩnh vực “kiểu mẫu” là những nội dung trọng tâm của xây dựng nông thôn mới (về môi trường, cảnh quan, văn hóa, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao). Do đó, kết quả thí điểm từ 04 huyện là những kinh nghiệm thực tiễn phù hợp để có thể nhân rộng.

Ảnh: Mô hình ngôi nhà trí tuệ ở huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) - một trong những huyện cũng đang hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025

2. Đánh giá nhanh điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở 04 huyện

Về tính xác đáng của nội dung các đề án: Đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của 04 huyện được thông qua từ năm 2018, 2019. Nội dung các đề án được xây dựng công phu, đã đánh giá sâu sát thực trạng, lợi thế, tiềm năng của địa phương đối với lĩnh vực kiểu mẫu; đưa ra các quan điểm, mục tiêu tổng thể, mục tiêu cụ thể, tiêu chí kiểu mẫu, nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình triển khai, nhu cầu nguồn lực, dự án ưu tiên, giải pháp thực hiện…

Về xác định các nhiệm vụ thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu: Các huyện đều đưa ra 02 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: (i) Nâng cao toàn diện chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; (ii) Các hoạt động cụ thể xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là 02 nhóm nhiệm vụ xác đáng và cần thiết, bởi nền tảng của nông thôn mới kiểu mẫu phải là nông thôn mới nâng cao, có tính toàn diện, sau đó mới tập trung vào lĩnh vực được chọn để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Về bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đề án của 04 huyện đã xây dựng được 04 Bộ tiêu chí đối với lĩnh vực kiểu mẫu được chọn. Điểm nổi bật là mỗi Bộ tiêu chí đã chia thành các nhóm nội dung, có tính sáng tạo và bao quát tốt, cơ bản thể hiện được các vấn đề cần quan tâm của lĩnh vực kiểu mẫu: (1) Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu về “Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp” của huyện Hải Hậu gồm 03 nhóm nội dung: Sáng về hạ tầng; Xanh, Sạch về môi trường; Đẹp về văn hóa. (2) Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu về “Văn hóa gắn với du lịch” của huyện Nam Đàn gồm 05 nhóm nội dung: Hạ tầng văn hóa; Con người và gia đình văn hóa; Môi trường văn hóa; Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao; Kết nối văn hóa và du lịch. (3) Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu về “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh” của huyện Đơn Dương gồm 05 nhóm nội dung: Quy mô sản xuất; Kết cấu hạ tầng; Tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm; Ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh; Hiệu quả và bền vững. (4) Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu về “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” của huyện Xuân Lộc gồm 06 nhóm nội dung: Quy mô; Kết cấu hạ tầng; Tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm; Ứng dụng khoa học công nghệ; Hiệu quả và bền vững; Xây dựng mô hình kiểu mẫu.

Về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các huyện: Các huyện đều xác định xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Công tác chỉ đạo được thực hiện quyết liệt, kết hợp với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động... Việc được chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã khơi dậy tinh thần thi đua và sự tham gia sôi nổi của cộng đồng dân cư, điều mà dường như có vẻ đã bị “lắng xuống” sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Về nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới: Các huyện đã duy trì thường xuyên công tác nâng cao các tiêu chí nông thôn mới từ cấp thôn, cấp xã cho đến phạm vi toàn huyện, tạo sự phát triển đồng đều trên các lĩnh vực. Những kết quả nâng cao tiêu chí nông thôn mới cấp xã và cấp huyện là tiền đề để 04 huyện có thể trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, là bước đệm để trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Về kết quả thực hiện các nội dung xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mặc dù thời gian triển khai chưa đủ dài, nhưng nhiều hoạt động đã được tập trung cho lĩnh vực kiểu mẫu. Trên nền tảng sẵn có về thế mạnh đối với lĩnh vực kiểu mẫu của mình, các huyện đã từng bước hoàn thiện hơn, tô điểm thêm cho bức tranh nông thôn mới của mình bằng những mô hình thực sự có tính kiểu mẫu. Tiêu biểu như mô hình làng Kim Liên ở Nam Đàn; mô hình đường hoa, cây xanh, cột điện đèn led ở Hải Hậu; mô hình rau, hoa, bò sữa ở Đơn Dương; mô hình kinh tế tuần hoàn ở Xuân Lộc…

Ảnh: Mô hình trồng dưa lưới của Công ty Trang trại Việt (Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai)

3. Một số vấn đề cần nhận diện thêm

Về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đây là yêu cầu quan trọng nhất, cần làm mẫu trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, vì nội dung, lĩnh vực kiểu mẫu có thể khác nhau giữa các địa phương, nhưng công tác chỉ đạo (là cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức thực hiện) là bài học kinh nghiệm có tính phổ quát nhất.

Nhìn chung, qua báo cáo của các địa phương chưa thấy được tư duy đổi mới, sáng tạo trong công tác chỉ đạo (chủ yếu vẫn giống như phương thức chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nói chung trong 10 năm qua). Trong chỉ đạo, các địa phương chưa quan tâm đến việc theo dõi, đánh giá thường xuyên để kịp thời có các điều chỉnh cần thiết, hoặc phát hiện những vấn đề còn mang hình thức, thành tích, nôn nóng...

Vấn đề cần quan tâm từ kết quả thí điểm là những phân tích về hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên những phân tích này còn chung chung, lặp lại, giống như các báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới lâu nay vẫn thực hiện. Chưa thấy các bài học mẫu mực nào để trả lời câu hỏi: “Đâu là bài học kinh nghiệm có tính sáng tạo trong chỉ đạo xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu?”. Ví dụ, ở đâu cũng có khó khăn khách quan, kéo dài từ năm này qua năm khác, nhưng địa phương đã có cách làm sáng tạo gì để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đó? Đã là huyện kiểu mẫu của cả một tỉnh, một vùng thì “sống chung” nhưng phải tạo ra sự khác biệt. Đơn cử như ở Đồng bằng sông Hồng luôn luôn và mãi mãi là đất chật, người đông, bình quân ruộng đất thấp, quy mô kinh tế hộ nhỏ… Việc chưa tìm thấy lối thoát khỏi hoàn cảnh đó chính là nguyên nhân chủ quan của hạn chế, yếu kém. Bài học kinh nghiệm trong báo cáo của các huyện chủ yếu là bài học thành công, chưa có những cảnh báo, bài học thất bại có thể vấp phải.

Về mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu. Mục tiêu của nhiều huyện đề ra có vẻ thiếu khả thi, chưa sát với điều kiện thực tế, dẫn đến cho đến nay 3/4 huyện chưa đạt mục tiêu đề ra (trừ huyện Xuân Lộc). Đồng thời trong mục tiêu cũng như trong nội dung chưa rõ được tính kế thừa, tính toàn diện của nông thôn mới kiểu mẫu. Bước xây dựng nông thôn mới nâng cao có vẻ chưa được quan tâm đúng mức, chỉ là bước đệm làm nhanh để kịp tiến lên kiểu mẫu và trong nông thôn mới kiểu mẫu thì chỉ tập trung vào các chỉ tiêu của lĩnh vực làm mẫu. Trong khi đó nông thôn mới nâng cao mới chính là chất lượng thực chất của nông thôn mới, là mục tiêu quan trọng số một, là nền tảm, làm động lực của “xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng”.

Trong mục tiêu cũng chưa thể hiện rõ tính kết nối, tính bền vững, tính đặc trưng của nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện nông thôn mới kiểu mẫu có thể bao gồm nhiều xã nông thôn mới kiểu mẫu (trên các lĩnh vực khác nhau, tùy từng xã). Nhưng điều quan trọng là việc liên kết hữu cơ các Xã Mẫu để thành Huyện Mẫu thì chưa rõ, khiến mục tiêu Huyện Mẫu có vẻ lặp lại khiếm khuyết của tư duy cũ: cộng cơ học xã kiểu mẫu thành huyện kiểu mẫu, chưa rõ các chỉ tiêu có tính kết nối giữa: (i) các thôn trong xã, (ii) các xã trong huyện, và (iii) các chỉ tiêu chỉ có huyện mới thực hiện được.

Về Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Tương tự như các hạn chế của mục tiêu, Bộ tiêu chí kiểu mẫu của 04 huyện tuy có nội hàm khá tốt, nhưng chưa thể hiện ở phạm vi huyện. Điều này làm cho tính chất, bóng dáng kiểu mẫu ở phạm vi cấp huyện chưa tạo ra sự khác biệt. Nhiều tiêu chí/chỉ tiêu chủ yếu đo đếm bằng tỷ lệ hộ, thôn, xã, nặng về tiểu tiết, thể hiện qua số lượng, diện mạo là chính, chưa phản ánh thực chất mục đích cần hướng đến của kiểu mẫu.

Về kết quả thực hiện. Do thời gian thí điểm còn ngắn nên chưa đủ để làm rõ những chuyển biến ở cấp huyện của cả 04 địa phương. Trừ Nam Đàn là huyện điểm của Trung ương, có một số Bộ, ngành quan tâm hỗ trợ, 03 huyện còn lại cơ bản vẫn chỉ là triển khai các hoạt động xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch chung của tỉnh, chưa nhận thấy sự thay đổi khác biệt từ khi thực hiện Đề án huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Nói cách khác, mặc dù được chọn thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng các huyện đều thiếu vốn, thiếu cơ chế, thiếu sự quan tâm sâu sát,… nên đến nay bức tranh của huyện được gọi là “kiểu mẫu” còn rất nhạt nhòa, chỉ lấp lánh một vài điểm sáng mang tính mô hình ở các xã, thôn làm điểm…

Ảnh: Nông thôn mới đem lại niềm vui, tiếng cười, hạnh phúc cho người dân

4. Một số vấn đề đối với xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ nhất, thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu cần quan tâm những gì?

Như đã phân tích ở trên, sau gần 5 năm thí điểm chúng ta vẫn thấy rằng huyện nông thôn mới kiểu mẫu là một điều gì đó rất “mông lung”, kết quả thí điểm đến nay còn nhiều băn khoăn, chưa được nhận diện thấu đáo. Điều quan trọng của thí điểm là phải rút ra những bài học kinh nghiệm cụ thể, sáng tạo, thiết thực, xác định được điều kiện và tính khả thi trong nhân rộng (về đối tượng, phạm vi, địa bàn, lĩnh vực, nguồn lực…). Do đó, việc thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu tại 04 huyện trong hai năm còn lại của giai đoạn 2021-2025 cần quan tâm đến: (i) thí điểm về phương thức chỉ đạo và bước đi không ngừng từ thấp đến cao, từ xã đến huyện; (ii) thí điểm về huy động nguồn lực xã hội, rút ra kết luận cần thiết về suất đầu tư cho kiểu mẫu; (iii) thí điểm về mức phát huy cao nhất vai trò chủ thể của người dân; (iv) thí điểm về sức mạnh sáng tạo, năng động thoát khỏi các khó khăn, hạn chế của hoàn cảnh để phát triển bền vững; (v) thí điểm về kết nối các xã, hình thành vùng nông thôn mới chất lượng cao, phát huy được thế mạnh của phạm vi huyện, gắn với kết nối nông thôn - đô thị của cả vùng…

Thứ hai, trong quá trình tiếp tục thí điểm, vấn đề gì cần phải chú trọng nhất?

- Một là, phải tuân thủ tính kế thừa, tính toàn diện, tránh nóng vội đốt cháy giai đoạn. Nông thôn mới kiểu mẫu phải được xây dựng từ nông thôn mới nâng cao. Phải thực sự coi trọng chuẩn nâng cao, chứ không phải chỉ là bước đệm cho nông thon mới kiểu mẫu. Nông thôn mới kiểu mẫu phải đáp ứng yêu cầu toàn diện cả về bình đẳng giới, kết nối nông thôn - đô thị, phát huy vai trò cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế tuần hoàn…

- Hai là, phải đảm bảo tính bền vững, tránh đạt được danh hiệu kiểu mẫu rồi thì dừng lại, dần đánh mất vai trò làm mẫu, trong khi mặt bằng nông thôn mới ngày một nâng cao. Nông thôn mới kiểu mẫu phải thực sự bền vững, cả về kinh tế - xã hội - môi trường, gắn với phòng chống rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, với phát huy tối đa nhưng không khai thác cạn kiệt, hủy hoại lợi thế, tiềm năng, với giải quyết tốt những thách thức về hội nhập, thị trường, dịch bệnh…

- Ba là, phải đảm bảo tính đặc trưng của mô hình. Nông thôn mới kiểu mẫu phải thể hiện được những đặc trưng nổi bật, mang tính điển hình cho mỗi vùng miền và địa phương, hoặc có những mẫu mực về một hoặc một vài lĩnh vực nào đó liên quan đến cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, mô hình sản xuất, sản phẩm đặc trưng, ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, hoạt động văn hóa, tổ chức cộng đồng…

- Bốn là, phải tránh căn bệnh hành chính, thành tích. Không nên có tư duy hành chính cứng nhắc: đã có xã kiểu mẫu thì phải có huyện kiểu mẫu, tỉnh kiểu mẫu, cả nước kiểu mẫu, xa rời cách tiếp cận đúng đắn ban đầu của Chương trình xây dựng nông thôn mới là: hướng về cơ sở, đưa Chương trình về cơ sở cấp xã là trục chính. Cũng cần tránh tư tưởng thành tích: đạt danh hiệu này rồi thì lập tức phải có danh hiệu mới, chạy theo danh hiệu. Tư duy thành tích cùng với tư duy hành chính cứng nhắc sẽ phát sinh nóng vội, làm méo mó tư tưởng “xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng”, tập trung quá mức nguồn lực cho tốp đầu để chạy về các đích danh hiệu, thiếu nguồn lực cho tốp cuối, khiến khó thực hiện được chủ trương “không có ai bị bỏ lại phía sau”.

Thứ ba, Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu nên xây dựng như thế nào?

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là xây dựng mô hình trình diễn cho một lĩnh vực, một nhóm tiêu chí nông thôn mới nào đó. Đó là mô hình làm mẫu, phổ biến kinh nghiệm, chứ không nên, không thể trở thành mẫu hình nông thôn mới phổ biến toàn huyện, toàn tỉnh, toàn quốc. Nếu đâu đâu cũng phổ cập kiểu mẫu, thì không nên gọi là kiểu mẫu, mà cần thay bằng tên gọi khác.

Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu phải là “Bộ tiêu chí thực tế”, có tính trực quan cao, rất rõ nét, dễ học, dễ làm theo, mà không cần phải thể hiện bằng “Bộ tiêu chí văn bản”. Các Bộ tiêu chí văn bản thường có những hạn chế đặc trưng do việc phổ quát hóa thực tế và khái quát hóa các chỉ tiêu. Quá trình nhào nặn đó thường dẫn đến cách xa thực tế, làm mất đi tính cụ thể và ít linh hoạt, dễ dẫn đến “tư duy tiêu chí”, rập khuôn.

Vì vậy, cần rất thận trọng khi phổ quát hóa các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu của các địa phương thành tiêu chí quốc gia. Chúng tôi nghĩ rằng, trong quá trình thí điểm không nhất thiết cần thiết lập Bộ tiêu chí kiểu mẫu để phổ biến toàn quốc. Điều quan trọng là cần khảo sát, đánh giá kỹ kết quả thí điểm, rút ra cách làm kiểu mẫu hiệu quả nhất, hướng dẫn các tỉnh, thành phố tự xây dựng một cách linh hoạt các mô hình kiểu mẫu, đại diện cho hầu hết các nhóm tiêu chí cơ bản, trên cơ sở đó hoàn thiện, nâng chất khung khổ của Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao quốc gia, chứ không phải bộ tiêu chí kiểu mẫu.

Ngoài những ý kiến trên, cần lưu ý rút ra bài học kinh nghiệm thực chất về huy động nguồn lực, tính bền vững, điều kiện nhân rộng và đặc biệt những bài học thất bại. Cần có những cảnh tỉnh cần thiết, kịp thời từ những hạn chế, khiếm khuyết của các mô hình, chứ không đợi thất bại rồi mới rút kinh nghiệm, “mất bò mới lo làm chuồng”.

Nguyễn Ngọc Luân - Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp/ Ipsard

 

 

 


Tin khác