Xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản

22/09/2023

Phát triển nông nghiệp của Việt Nam thời gian quan đạt được nhiều thành tựu nổi bật và có vai trò ngày càng quan trọng, đóng góp chung vào phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Việt Nam hiện là một trong các quốc gia xuất khẩu sản phẩm nông sản hàng đầu thế giới với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 53 tỷ Đô la Mỹ, sản phẩm nông sản tiếp cận đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó đóng góp lớn của ngành trồng trọt và thủy sản. Để đáp ứng yêu cầu của ngày càng cao về chất lượng sản phẩm sản phẩm nông sản của thị trường trong nước và quốc tế, công tác xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có ý nghĩa quan trọng với nâng cao năng suất và chất lượng, thương mại quốc tế và hội nhập, và nâng cao chất lượng đời sống, sức khỏe con người.

 

1.                Thực trạng xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực trồng trọt và thủy sản

                Khung pháp lý cho công tác xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thời gian quan được xây dựng, ban hành ngày càng đồng bộ và hoàn thiện (với các Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Trồng trọt, Luật Thủy sản) và Nghị định, Thông tư hướng dẫn, đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước và thực tiễn sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực quản lý của Bộ. Tính đến tháng 12/2021, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 1.213 Tiêu chuẩn quốc gia và 232 Quy chuẩn quốc gia, trong đó lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng và an toàn thực phẩm có 420 Tiêu chuẩn quốc gia và 35 Quy chuẩn quốc gia. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt và nông sản thực phẩm đã có tương ứng 47 Tiêu chuẩn quốc gia và 112 Tiêu chuẩn quốc gia và 56 Quy chuẩn quốc gia; lĩnh vực thủy sản có 177 Tiêu chuẩn quốc gia và 44 Quy chuẩn quốc gia.

                Các Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản đã được ban hành bao phủ khá toàn diện từ đầu vào sản xuất, chế biến, thương mại (giống, khảo nghiệm, thức ăn, bệnh thủy sản, vật liệu và thiết bị khai thác thủy sản, quy trình sản xuất, chế biến, chất lượng sản phẩm, hoạt động kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, phương pháp thử…). Tiếp cận xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã và đang chuyển đổi theo hướng hài hòa với Tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và yêu cầu của thương mại quốc tế.

                Công tác rà soát Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được quan tâm để phù hợp với các quy định hiện hành. Các Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt, thủy sản nói riêng không còn phù hợp với Luật đã và đang được các đơn vị của Bộ rà soát và tiến hành thủ tục hủy bỏ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, có 142 Quy chuẩn quốc gia có nội dung không phù hợp Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các Luật chuyên ngành phải làm hồ sơ để hủy bỏ, trong đó lĩnh vực trồng trọt là 48 Quy chuẩn quốc gia, lĩnh vực thủy sản là 14 Tiêu chuẩn quốc gia và 8 Quy chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, đến tháng 6/2022, theo báo cáo của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, chưa Quy chuẩn quốc gia nào được các Tổng cục, Cục trình hồ sơ hủy bỏ theo quy định.

2.                Thực trạng áp dụng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực trồng trọt và thủy sản

                Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, việc áp dụng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tại các địa phương còn một số khó khăn như nội dung của Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa phù hợp với điều kiện của địa phương; sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương, sản phẩm mới đã được sản xuất phổ biến nhưng chưa có Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (ví dụ gạo đặc sản, giống thực sinh, giống ghép, chè trắng, chè lên men bán phần); năng lực, hiểu biết của cán bộ địa phương về Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia còn hạn chế; cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu (như chưa có phòng thử nghiệm ở địa phương, mẫu phân tích phải gửi sang các địa phương khác).

                Đối với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng, thủy sản đều tuân thủ chặt chẽ Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giống liên quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp đánh giá một số hạn chế trong các Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, bao gồm Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa bao phủ hết các đối tượng sản xuất kinh doanh (nên doanh nghiệp phải xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở); một số phương pháp, chỉ số, chỉ tiêu trong Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa phù hợp khi triển khai trên thực tế hoặc còn thiếu,….Việc áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia của doanh nghiệp có một số khó khăn như tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn quốc gia; nhận thức và năng lực của doanh nghiệp về Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia còn hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng của doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ; lợi ích không bù đắp chi phí khi áp dụng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia không phù hợp với nhu cầu và thị trường mục tiêu của doanh nghiệp.

                Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp (tổ chức chứng nhận, tổ chức thử nghiệm...), việc áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia phương pháp thử gặp một số khó khăn như điều kiện về hệ thống quản lý, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất (máy móc, thiết bị, dụng cụ thử nghiệm) không đáp ứng được yêu cầu của phép thử; chưa đáp ứng nhu cầu thị trường đối với phép thử. Đối với các phương pháp thử quá chuyên biệt cũng không khuyến khích các tổ chức đăng ký hoạt động chứng nhận Tiêu chuẩn quốc gia đó vì có thể phải đầu tư chi phí lớn để được cấp phép chứng nhận nhưng thị trường lại không có nhu cầu. Các Tiêu chuẩn quốc gia quy định về các thiết bị không đồng bộ, hoặc hóa chất không thông dụng cũng có thể hạn chế việc áp dụng các Tiêu chuẩn phương pháp thử.

3.                Một số tồn tại, bất cập trong xây dựng và áp dụng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực trồng trọt, thủy sản

                Đối với công tác xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Việt Nam chưa có chiến lược tổng thể về định hướng công tác tiêu chuẩn hóa quốc gia làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương áp dụng (hiện nay Bộ Khoa học và công nghệ đang trong quá trình xin ý kiến Dự thảo Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030). Ngân sách xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia chủ yếu do nhà nước bố trí nên số lượng, tính đa dạng của Tiêu chuẩn quốc gia được công bố hàng năm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, tổ chức, doanh nghiệp. Một số Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được xây dựng dựa trên tham khảo tài liệu thứ cấp, bố trí thực nghiệm còn hạn chế dẫn đến có điểm chưa sát với thực tế nên ít được áp dụng. Sau khi Luật Trồng trọt và Luật Thủy sản được ban hành, công tác triển khai xây dựng mới, sửa đổi, hủy bỏ Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định tại các Luật này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

                Đối với việc áp dụng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quản lý chất lượng: Doanh nghiệp gặp lúng túng trong xác định Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cần phải áp dụng, đặc biệt là đối với sản phẩm phối chế từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau do thiếu Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan, cách hiểu nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn không thống nhất. Việc thực thi pháp luật về Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia còn hạn chế do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực các phòng thử nghiệm ở một số địa phương chưa đáp ứng nhu cầu thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa; thiếu các thiết bị kiểm tra nhanh phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra; hầu hết xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là biện pháp hành chính, mức xử phạt còn thấp không đủ sức răn đe, ngăn ngừa hành vi xâm phạm, tình trạng tái phạm xảy ra rất phổ biến.

                Đối với việc áp dụng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong hoạt động đánh giá sự phù hợp: Các Tiêu chuẩn quốc gia hết hiệu lực nhưng chưa có Tiêu chuẩn quốc gia thay thế có thể gây khó khăn cho các phòng kiểm nghiệm trong việc áp dụng. Một số chỉ tiêu phân tích mới phát sinh theo sự phát triển của xã hội, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến an toàn thực phẩm được thị trường quan tâm tuy nhiên lại chưa có Tiêu chuẩn quốc gia hướng dẫn. Một số quy định về ngưỡng giới hạn các hoạt chất còn gây khó hiểu và không thống nhất. Có hoạt chất nằm trong danh mục được phép sử dụng nhưng không có quy định ngưỡng giới hạn cho phép để so sánh, hoặc có ngưỡng giới hạn nhưng không quy định cho sản phẩm được lấy mẫu phân tích.

4.                Một số đề xuất chính sách, giải pháp trong xây dựng, áp dụng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực trồng trọt, thủy sản

                Đối với công tác xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia: Cần tập trung vào: (i) Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường sự tham gia thực chất của các bên liên quan vào xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; (ii) Chuyển đổi tư duy xây dựng tiêu chuẩn theo hướng tôn trọng, ưu tiên đáp ứng nhu cầu thị trường; (iii) Đổi mới, thiết lập phương pháp xác định đối tượng xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; (iv) Cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng, ban hành và áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở phù hợp với các quy định, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm nhằm nâng cao chất lượng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; (v) Đẩy mạnh hoạt động hoạt động nghiên cứu khoa học làm cơ sở cho xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; (vi) Nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến dự thảo Tiêu chuẩn, quy chuẩn  quốc gia theo hướng đưa dự thảo tiếp cận với đa dạng đối tượng, đặc biệt là đối tượng áp dụng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đa dạng hình thức lấy ý kiến, trong đó cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; (vii) Đẩy nhanh việc hủy bỏ Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo danh sách đã được phê duyệt nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Đối với lĩnh vực trồng trọt, nên ưu tiên xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lần lượt cho sản phẩm nhóm cây trồng chính, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn, sản phẩm có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm (sản phẩm tiêu thụ tươi sống, sản phẩm qua xử lý nhiệt…). Đối với lĩnh vực thủy sản, nên ưu tiên tiếp cận chấp thuận Tiêu chuẩn quốc tế, xem xét giảm bớt nguồn lực xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến chất lượng sản phẩm thủy sản do phần lớn doanh nghiệp sẽ áp dụng Tiêu chuẩn quốc tế nhằm hướng đến thị trường xuất khẩu. Đối với Tiêu chuẩn quốc gia áp dụng hoàn toàn Tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc nước ngoài, nên chú trọng hướng dẫn áp dụng các Tiêu chuẩn đó thông qua xây dựng và phổ biến tài liệu hướng dẫn áp dụng một cách rộng rãi đến các đối tượng.

Đối với việc nâng cao hiệu quả áp dụng Tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia:

(i) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các Tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia tới cả cơ quan nhà nước địa phương và đối tượng áp dụng qua nhiều kênh khác nhau; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao hiểu biết, năng lực cho các cơ quan quản lý địa phương về công tác Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xây dựng tài liệu hướng dẫn áp dụng Tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đối với các Tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia quan trọng, có ảnh hưởng rộng; (ii) Nâng cao năng lực tư vấn áp dụng Tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong tư vấn, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp nhỏ áp dụng các Tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia hoặc tham khảo Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm; (iii) Tăng cường thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ quy định về Quy chuẩn quốc gia; (iv) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chất lượng, giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo Quy chuẩn quốc gia để hạn chế tối đa sản phẩm, hàng hoá không đáp ứng yêu cầu chất lượng đưa ra tiêu thụ trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ, an toàn người tiêu dùng; (v) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá các tổ chức chứng nhận, tổ chức thử nghiệm được chỉ định nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đánh giá sự phù hợp của các tổ chức này.

 

Trung tâm Phát triển nông thôn/Ipsard

 


Tin khác