Nghiên cứu và đề xuất giải pháp phục hồi sinh kế cho hộ nông dân trồng xoài ở ĐBSCL trong bối cảnh đại dịch COVID-19

29/03/2023

Sản xuất trái cây là một ngành hàng chiến lược của nông nghiệp Việt Nam. Trong 5 năm qua, sản xuất và xuất khẩu trái cây đã tăng liên tục, đóng góp đáng kể vào giá trị xuất khẩu nông sản, giúp đa dạng sinh kế cho nông dân và đặc biệt góp phần vào thành công của tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Với tổng diện tích trồng cho thu hoạch khoảng 89.000 ha (năm 2021), trong đó Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 47%, xoài là ngành hàng trái cây chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai trong các loại trái cây, chỉ sau thanh long.

Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Ngoài tác động liên quan đến sức khỏe, dịch bùng phát đã là nguyên nhân của suy thoái kinh tế, tác động đến toàn bộ hệ thống kinh tế xã hội. Ở trong nước, ngành hàng trái cây nói chung và xoài nói riêng đã phải đối mặt với những thay đổi đáng kể, sinh kế của hộ nông dân cũng như lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại, chế biến và xuất khẩu xoài bị ảnh hưởng khá nặng nề.

Quỹ Tài trợ Cựu sinh viên Australia (AAGF) do Aus4Skills điều hành đã hỗ trợ một nhóm nghiên cứu của IPSARD thực hiện “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp phục hồi sinh kế cho hộ nông dân trồng xoài ở ĐBSCL trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.

Nghiên cứu đã xem xét, phân tích

- Các vấn đề do COVID-19 gây ra đối với ngành xoài nói chung và nông dân trồng xoài nói riêng.

- Tác động của COVID-19 đến sinh kế của hộ nông dân trồng xoài ở ĐBSCL và triển vọng bối cảnh ngành hàng xoài sau đại dịch

- Đề xuất giải pháp khôi phục sinh kế cho nông dân trồng xoài và ngành xoài phát triển bền vững.

Có thể thấy, mặc dù gây ra nhiều tác động tiêu cực đến ngành hàng xoài như làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm thu nhập và ảnh hưởng đến sinh kế của hộ sản xuất, song đại dịch cũng tạo ra những cơ hội quan trọng đối với ngành hàng xoài Việt Nam. Thực tế, xuất khẩu xoài của Việt Nam trong giai đoạn đại dịch COVID-19 xảy ra vẫn tăng trưởng 8,0%/năm về lượng và 8,0% về giá trị, trong đó, xuất khẩu xoài tươi tăng  8,42%/năm về lượng và 2,4%/năm về giá trị bất chấp năm 2020 có sụt giảm 7,8% về lượng và 10,2% về giá trị so với năm 2019. Xuất khẩu xoài và các sản phẩm xoài của Việt Nam cũng hướng tới tăng tỷ trọng các sản phẩm xoài chế biến và giảm tỷ trọng xuất khẩu xoài tươi. Xuất khẩu xoài Việt Nam cũng đa dạng thị trường xuất khẩu hơn, giảm tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mặc dù, xuất khẩu xoài tươi vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường này.

Trong bối cảnh đó, hộ trồng xoài phải đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề của sự gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng. Đối với việc cung cấp đầu vào, COVID-19, cùng với những biện pháp giãn cách xã hội đã gây ra những khó khăn trong việc tiếp cận đầu vào như cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các phụ liệu phục vụ sản xuất…, việc này đã gây ra nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cho hộ. Thêm vào đó, những khó khăn về mặt tài chính do hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng để đầu tư và phát triển hoạt động sản xuất, những trì hoãn trong việc tiếp cận các dịch vụ khuyến nông, phòng trừ sâu bệnh và thiếu hụt nguồn lao động, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện chính sách giãn cách xã hội, đã khiến chi phí trồng xoài tăng trung bình 22% so với giai đoạn trước đại dịch.

Đối với đầu ra, trong bối cảnh đại dịch COVID, khi các lệnh hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới được áp dụng, các lệnh giãn cách nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh, các lệnh hạn chế đối với các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ như du lịch, nhà hàng, căng tin… được thực thi, đã khiến hộ trồng xoài gặp rất nhiều khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm. Do vậy thu nhập và lợi nhuận của hộ trồng xoài đã giảm khoảng 67% so với giai đoạn trước.

Trong khi đó xoài lại là nguồn thu nhập chính của hộ, nên hộ rất khó khăn trong việc ứng phó, biện pháp chính mà hộ đã áp dụng là giảm tiêu dùng (trong đó chủ yếu là tiêu dùng thiết yếu), bán tài sản và sử dụng tiết kiệm. Những biện pháp ứng phó tự thân và rất bị động này của hộ về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức chống chịu và tính bền vững của hộ.

Nghiên cứu cũng đã xem xét những nhu cầu và tiềm năng của thị trường và ngành hàng xoài sau COVID, trên cơ sở đó có đề xuất cho từng nhóm đối tượng: hộ sản xuất, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước nhằm giúp hộ hồi phục sinh kế trong ngắn hạn, đồng thời phát triển bền vững trong dài hạn.

 

E:\MINH DUNG\PROJECTS\2022\Xoài Aus4skills\Sản phẩm\Interview with farmer in Dong Thap2.jpg

E:\MINH DUNG\PROJECTS\2022\Xoài Aus4skills\Ảnh\Interview company in Tien Giang.jpg

E:\MINH DUNG\PROJECTS\2022\Xoài Aus4skills\Ảnh\Selecting mango before packing in Dong Thap.jpg

E:\MINH DUNG\PROJECTS\2022\Xoài Aus4skills\Ảnh\Packing mango in Dong Thap.jpg

E:\MINH DUNG\PROJECTS\2022\Xoài Aus4skills\HT\ảnh\Representative of Crop and Plant Protection Dept of Dong Thap province make the presentation.jpg

E:\MINH DUNG\PROJECTS\2022\Xoài Aus4skills\HT\ảnh\Discussion at the workshop.jpg

Một số hình ảnh khảo sát tại Tiền Giang, Đồng Tháp và hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu tại Đồng Tháp


Tin khác