Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu thảo luận đề chính sách từ “Nghiên cứu trường hợp điển hình Lao động trẻ em trong hộ gia đình nông nghiệp tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam” do Viện Chính sách và Chiến lược PTTTNT (IPSARD) phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) tổ chức đã diễn ra ngày 30/11/2021 tại Hà Nội.
Lao động trẻ em là một thách thức toàn cầu, với 152 triệu lao động trẻ em trên toàn thế giới, và phần lớn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm khoảng 71% tương đương 108 triệu trẻ). Ở châu Á và Thái Bình Dương, có khoảng 62 triệu lao động trẻ em, chỉ đứng sau khu vực có số lao đông trẻ em nhiều nhất là châu Phi. Tại Việt Nam, Khảo sát quốc gia về Lao động trẻ em gần nhất (2018) cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực về tình hình lao động trẻ em thời gian qua. Quy mô và xu hướng lao động trẻ em đã giảm mạnh (từ 9,6% năm 2012 xuống 5,4% năm 2018) nhưng Việt Nam hiện vẫn có trên 1 triệu lao động trẻ em. Trẻ em tham gia lao động ở cả 3 khu vực của nền kinh tế nhưng so với kết quả điều tra năm 2012, lao động trẻ em tập trung nhiều hơn vào khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ và giảm mạnh ở khu vực nông nghiệp. Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp vẫn thu hút một lượng lớn lao động trẻ em tham gia (chiếm khoảng 53,6% tổng số lao động trẻ em tại Việt Nam năm 2018).
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Phó Viện trưởng IPSARD phát biểu tại Hội thảo
Nghiên cứu trường hợp điển hình Lao động trẻ em trong hộ gia đình nông nghiệp tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam, tập trung vào hai chuỗi cung ứng thủy sản và trái cây được Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT triển khai năm 2021, tiếp theo nghiên cứu tương tự đã được tiến hành tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ phổ biến, tình trạng trẻ em tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại miền Bắc và miền Trung thấp hơn so với trẻ em tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trẻ em tại các vùng miền núi, trẻ em người dân tộc thiểu số có xu hướng bắt đầu tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp ở lứa tuổi nhỏ hơn, thời gian kéo dài hơn và công việc nặng nhọc hơn. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em và phụ huynh, thầy cô giáo đều cho rằng công việc các em tham gia không ảnh hưởng tới sự tiếp cận giao dục, hoạt động thể chất, sức khỏe của các em. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhận thức, kiến thức của trẻ em cũng như hầu hết phụ huynh trong mẫu khảo sát về vấn đề lao động trẻ em, các quy định có liên quan hay ảnh hưởng của việc tham gia lao động sớm tới sự phát triển lâu dài của trẻ em đều rất hạn chế. Lý do học nghề, làm quen với công việc là nguyên nhân chính dẫn tới trẻ em tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu đưa ra đề xuất về nâng cao nhận tức, năng lực và trách hiệm của chính quyền các cấp, các tổ chức có liên quan, giáo viên, người sử dụng lao động và cộng đồng về các quy định, nguyên nhân, ảnh hưởng của lao động trẻ em trong sự phát triển lâu dài và bền vững cùa trẻ em cũng như của địa phương. Ngoài ra, cần có các điều chỉnh đối với các chương trình dạy nghề trong các trường học theo tính hiệu quả, thực tiễn.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản phát biểu tại Hội thảo
Theo Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Phó Viện trưởng IPSARD, Chủ trì hội thảo,
“Việt Nam vừa tham gia một loạt các Hiệp định Thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEFT...) và một trong các điều kiện thương mại của các nước là loại bỏ lao động trẻ em tham gia chuỗi cung ứng. Vấn đề lao động trẻ em có thể ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu các ngành hàng nông sản. Để chuẩn bị tốt hơn cho quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng này, ngành nông nghiệp Việt Nam cần có đánh giá, rà soát lại thực trạng và đề ra các giải pháp nhằm dần loại bỏ lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng nông sản.” – .
Hội thảo được tổ chức kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của động đảo các các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đại diện một số tỉnh thuộc khu vực miền Bắc và miền Trung, các tổ chức trong và ngoài nước khác như Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Tổ chức lao động quốc tế, Tổ chức cứu trợ trẻ em.