Lúa gạo và vấn đề an ninh lương thực tại Việt Nam

14/09/2023

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng nêu bật vai trò của lúa gạo đối với an ninh lương thực tại Việt Nam.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngành trồng trọt nói chung và ngành hàng lúa gạo nói riêng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực của mỗi quốc gia, đặc biệt là ở Việt Nam nơi nông nghiệp vẫn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.

Trước tiên, xin ông làm rõ về khái niệm an ninh lương thực?

Theo Tổ chức nông lương Thế giới (FAO), an ninh lương thực được đảm bảo khi mọi hộ gia đình đều được tiếp cận lương thực thực phẩm (LTTP) an toàn và đầy đủ dinh dưỡng ở cả hai mặt thể chất và kinh tế, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho sinh hoạt và sức khỏe.

Đảm bảo an ninh lương thực gồm 4 yếu tố, đầu tiên là sự sẵn có về LTTP (sản xuất đủ yêu cầu tiêu dùng LTTP của xã hội). Yếu tố thứ hai là sự ổn định cung cấp LTTP (cung cấp, lưu thông, phân phối LTTP thường xuyên, ổn định).

Thứ ba là khả năng tiếp cận, chi trả của các hộ gia đình (khả năng kinh tế người dân để tiếp cận, mua LTTP). Yếu tố cuối cùng là đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (tính đa dạng hoá các loại LTTP trong bữa ăn hàng ngày của người dân để đảm bảo dinh dưỡng và đảm bảo chất lượng, sự an toàn vệ sinh thực phẩm của các loại LTTP).

Để đảm bảo an ninh lương thực không chỉ là đề cập đến đủ lượng lúa gạo mà còn bao gồm các sản phẩm lương thực thực phẩm khác như thịt cá, rau quả, cây lương thực khác.

Tuy nhiên, gạo có vai trò rất lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, là nguồn cung cấp lương thực, dinh dưỡng chính gồm cơm và các sản phẩm có nguồn gốc từ gạo. Gạo là lương thực chính của gần một nửa trong số 8 tỷ người trên thế giới, và trên 90% số gạo này được tiêu thụ ở châu Á, nơi mà gạo là lương thực thiết yếu cho phần lớn dân số.

Việt Nam có dân số gần 100 triệu và bình quân mỗi người tiêu thụ khoảng 83kg/năm và như vậy tổng lượng gạo cho tiêu dùng của hộ là khoảng 8,5 triệu tấn gạo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việt Nam có dân số gần 100 triệu và bình quân mỗi người tiêu thụ khoảng 83kg/năm và như vậy tổng lượng gạo cho tiêu dùng của hộ là khoảng 8,5 triệu tấn gạo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vậy cụ thể vai trò của gạo trong đảm bảo an ninh lương thực được thể hiện thế nào đối với các hộ tiêu dùng Việt Nam thưa ông?

Hiện nay mặc dù có nhiều sự thay đổi trong cơ cấu tiêu dùng của các hộ khi kinh tế ngày càng phát triển, khi người dân có nhiều lựa chọn cho bữa ăn của mình.

Chính vì thế lượng gạo tiêu dùng trong bữa ăn của hộ cũng có xu hướng giảm xuống. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, lượng gạo tiêu dùng bình quân đầu người/tháng có xu hướng giảm dần từ 8,8 kg/người/tháng năm 2016 xuống còn 6,9 kg/người/tháng năm 2022, giảm bình quân 4%/năm.

Các hộ gia đình sống ở vùng nông thôn thường tiêu thụ nhiều gạo hơn (7,7 kg/người/tháng) so với các hộ gia đình thành thị (5,7 kg/người/tháng). Những hộ gia đình nhóm nghèo nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm giàu nhất (7,8 so với 6,1kg/người/tháng).

Lương thực thực phẩm chủ yếu của người dân Việt Nam gồm nhóm chính là gạo, lương thực quy gạo, các loại thịt, tôm cá, rau, quả, trứng, sữa, đồ uống (rượu, bia, đồ uống khác), mỡ dầu ăn, nước mắm, nước chấm, lạc, vừng, đỗ các loại,…

Theo số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2022 (VHLSS), khối lượng LTTP tiệu thụ bình quân đầu người Việt Nam là 20,2kg/người/tháng. Do thu nhập và mức sống người dân được cải thiện, sở thích tiêu dùng thay đổi dần theo hướng giảm lượng gạo, tăng các thức ăn có dinh dưỡng cao hơn như thịt, trứng, sữa, hải sản.

Giai đoạn 2016-2022, Khối lượng tiêu dùng thịt và quả có xu hướng tăng lên (VHLSS, 2016-2022), lượng thịt tiêu dùng bình quân tăng từ 2,1kg/người/tháng lên 2,6kg/người/tháng (tăng 23,8% so với năm 2016); lượng quả tăng từ 0,9kg/người/tháng lên 1,2kg/người/tháng (tăng 33,3% so với năm 2016).

Mặc dù lượng gạo tiêu dùng có xu hướng giảm nhưng tính về số lượng, gạo vẫn chiếm hơn 1/3 tổng khối lượng lương thực thực phẩm chủ yếu. Tiếp đến mới là nhóm thịt, nhóm rau và nhóm quả.

Năm 2022, khối lượng tiêu dùng gạo chung cả nước chiếm 34,2% tổng khối lượng tiêu dùng LTTP, tỷ lệ này đối với nhóm người dân nông thôn là 37,2% và nhóm nghèo nhất (20% người dân có thu nhập thấp nhất) là 43,9%. Như vậy xét về tổng thể, lúa gạo vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực các hộ gia đình.

Nếu duy trì mức sản xuất như hiện nay và không xảy ra bão lũ, mất mùa trên diện rộng, Việt Nam sẽ đảm bảo các nhu cầu tiêu dùng trong nước và vẫn có thể xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo mỗi năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nếu duy trì mức sản xuất như hiện nay và không xảy ra bão lũ, mất mùa trên diện rộng, Việt Nam sẽ đảm bảo các nhu cầu tiêu dùng trong nước và vẫn có thể xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo mỗi năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đấy là xét về mặt lượng, vậy xét trên khía cạnh về giá trị thì chi cho tiêu dùng gạo và LTTP của người dân Việt Nam hiện nay chiếm bao nhiêu % trong tổng chi tiêu của hộ?

Theo VHLSS 2022, về mặt giá trị, trung bình chi tiêu cho gạo của người dân Việt Nam khoảng 120.000 đồng/người/tháng, chỉ chiếm 9,4% tổng chi tiêu cho lương thực thực phẩm và chiếm khoảng 4,3% tổng chi tiêu bình quân đầu người/tháng.

Đối với nông thôn, bình quân 1 tháng, người dân nông thôn chi khoảng 135.000 đồng/người cho gạo, chiếm khoảng 11,5% tổng chi cho LTTP và 5,4% tổng chi tiêu chung. Đối với thành thị, người dân chi khoảng gần 100.000 đồng/người/tháng cho gạo, chiếm khoảng 6,8% tổng chi cho LTTP bình quân đầu người/tháng và 3,1% tổng chi tiêu chung bình quân đầu người/tháng.

Tỷ lệ chi tiêu cho gạo thì thấp nhưng chi cho tiêu dùng LTTP của người Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu của hộ gia đình. Theo số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2022, chi tiêu bình quân của hộ gia đình xấp xỉ 2,8 triệu đồng/người/tháng, trong đó chi cho ăn uống LTTP xấp xỉ 1,3 triệu đồng, chiếm 46%. Tỷ trọng chi tiêu cho LTTP của người dân nông thôn chiếm 47% tổng chi tiêu, cao hơn của người dân thành thị (45% chi tiêu cho LTTP).

Với mức tiêu dùng gạo như vậy có thể nói sản xuất lúa gạo Việt Nam luôn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, kể cả trong thời gian tới khi dân số tăng lên và thế giới có nhiều biến động?

Hiện nay, Việt Nam có dân số gần 100 triệu và bình quân mỗi người tiêu thụ khoảng 83kg/năm và như vậy tổng lượng gạo cho tiêu dùng của hộ là khoảng 8,5 triệu tấn gạo.

Bên cạnh tiêu dùng của hộ gia đình, gạo còn được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp thực phẩm khác, làm bánh bún, dự trữ và có một phần thóc để làm giống.

Việt Nam đủ khả năng đảm bảo an ninh lương thực với sản lượng lúa gạo hiện nay. Ảnh: Tùng Đinh.

Việt Nam đủ khả năng đảm bảo an ninh lương thực với sản lượng lúa gạo hiện nay. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay, theo tính toán của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thì các nhu cầu này mỗi năm vào khoảng 16-17 triệu tấn gạo. Sản xuất gạo đáp ứng nhu cầu trong nước và hàng năm Việt Nam còn xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo/năm. Như năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn.

Dự báo đến những năm 2030, dân số Việt Nam tăng lên khoảng 105 triệu người. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng gạo bình quân đầu người cũng sẽ giảm nên ước tính lượng gạo đáp ứng nhu cầu của LTTP của người dân ở mức tối đa khoảng 10 triệu tấn gạo.

Lượng gạo dùng để chế biến và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống...) khoảng 8-9 triệu tấn gạo. Nếu duy trì mức sản xuất như hiện nay và không xảy ra bão lũ, mất mùa trên diện rộng, Việt Nam sẽ đảm bảo các nhu cầu tiêu dùng trong nước và vẫn có thể xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo mỗi năm.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên thì khi đề cập đến vấn đề sản xuất lúa gạo, chúng ta mới chủ yếu đề cập đến yếu tố thứ nhất và thứ hai của “An ninh lương thực”. Ngoài ra còn hai yếu tố nữa rất quan trọng là khả năng chi trả và đảm bảo dinh dưỡng cho người dân thì cần phải đảm bảo họ luôn có tiền để mua được LTTP và các thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng.

Xin cảm ơn ông!


nongnghiep.vn

Tin khác