Trong giai đoạn 2013-2023, tỉnh Sơn La đã có nhiều nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hóa chủ lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2022, tỉnh đã duy trì phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, 241 vùng trồng với diện tích là 3600ha. Thông qua nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, tỉnh đã lựa chọn được nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên và sản xuất của tỉnh. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, mở rộng diện tích tại chỗ và nhân rộng sang các vùng lân cận. Nhiều sản phẩm được xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường tạo nên các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Sơn La vẫn còn một số khó khăn trong triển khai hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống bị hạn chế do là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt phức tạp. Các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ và năng lực công nghệ sản xuất còn thấp, năng lực tài chính để đầu tư đổi mới công nghệ còn hạn chế. Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở còn gặp nhiều vướng mắc trong hoạt động. Vì vậy, nội dung nghiên cứu khoa học của đề tài chưa sát với thực tế, chưa có nhiều đề xuất từ doanh nghiệp, có rất ít dự án sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ và tạo ra sản phẩm; mối quan hệ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp chưa chặt chẽ; vẫn còn một số đề tài, dự án chậm ứng dụng mở rộng trong sản xuất; việc lan tỏa, ứng dụng kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ đối với vùng dân tộc thiểu số còn chưa cao; các trang thiết bị máy móc khoa học công nghệ của các doanh nghiệp và hợp tác xã đa phần là tự mua từ các doanh nghiệp chứ không phải từ chuyển giao công nghệ của các tổ chức khoa học công nghệ công lập.
Đoàn công tác cùng với cán bộ Sở Nông nghiệp tỉnh Sơn La làm việc tại công ty mía đường Sơn La
Tại buổi làm việc ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, bà Phạm Thu Hà - đại diện của Sở Khoa học công nghệ, ông Phạm Văn Thọ - đại diện Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, và các đơn vị liên quan khác cho rằng “thời gian tới cần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và liên kết liên doanh, liên kết, hợp tác của các doanh nghiệp tư nhân với các tổ chức khoa học công nghệ, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc như chất lượng hội đồng nghiệm thu, ban hành các cơ chế đặc thù và sửa đổi các quy định chưa phù hợp với thực tế. Để làm được điều này cần nâng cao chất lượng Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, xét giao trực tiếp và nghiệm thu tổng kết các nhiệm vụ khoa học công nghệ; Có chế tài xử lý đối với các đơn vị chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ trong triển khai thức hiện nhiệm vụ nghiệm thu, thanh quyết toán chậm; Có cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích hơn nữa đối với hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ đặc biệt là đối với vùng miền núi”.
Cao Đức Sơn - Bộ môn Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược/Ipsard.