Thực trạng và Nguyên nhân hàng nông sản xuất khẩu vẫn gặp tình trạng bị trả về?

22/09/2023

Việt Nam là nước xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn trên thế giới, năm 2022 xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới. Theo Báo cáo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2022, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 53,22 tỷ Đô la Mỹ, tăng 9,3% so với năm 2021; trong đó nông sản chính đạt 22,59 tỷ Đô la Mỹ, tăng 4,8 %; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ Đô la Mỹ, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ Đô la Mỹ, tăng 22,9%; chăn nuôi đạt 400 triệu Đô la Mỹ, giảm 7,1%. Tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ Đô la Mỹ, trong đó có 08 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên 02 tỷ Đô la Mỹ (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ), bao gồm 07 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ Đô la Mỹ (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 15,85 tỷ Đô la Mỹ; tôm 4,33 tỷ Đô la Mỹ; cà phê 3,94 tỷ Đô la Mỹ; gạo 3,49 tỷ Đô la Mỹ; cao su 3,31 tỷ Đô la Mỹ; rau quả 3,34 tỷ Đô la Mỹ; hạt điều 3,07 tỷ Đô la Mỹ). Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ Đô la Mỹ, tăng 30% so với năm 2022.

 

                Những năm gần đây tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhập khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản của các nước ngày càng khắt khe hơn, trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã xóa bỏ thuế nhập khẩu. Để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng các nước đang siết chặt hơn đối với các hàng rào kỹ thuật phí thuế quan, quan tâm hơn tới chất lượng sản phẩm, truy suất nguồn gốc, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hàng xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức trong đáp ứng những yêu cầu, quy định mới về an toàn, chất lượng, tiêu chuẩn và quy chuẩn. Trong khi đó, hệ thống sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước chưa hoàn thiện, quy mô sản xuất nhỏ, khó khăn trong ứng dụng các tiêu chuẩn tiên tiến đảm bảo chất lượng sản phẩm.

                Trong thời gian qua, số lượng các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam bị trả về vẫn còn xảy ra và đang ngày càng gia tăng. Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), 2023, trong số tổng các trường hợp bị từ chối của nông sản Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, thị trường Hoa Kỳ có tỷ lệ bị từ chối cao nhất chiếm 42%, tỷ lệ bị từ chối thấp nhất là 9% đối với thị trường Úc. Tỷ lệ trường hợp bị từ chối ở thị  trường Trung Quốc so với tổng số trường hợp bị từ chối đã tăng mạnh từ 10% vào năm 2010 lên 44% vào năm 2020.

Bảng: Tổng số trường hợp bị từ trối nhập khẩu

Thị trường

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Tổng

Cơ cấu %)

Úc

46

36

38

36

42

47

27

62

62

15

72

483

9%

Trung Quốc

63

63

48

36

104

73

71

113

80

119

236

1,006

18%

EU-28

70

107

67

75

120

80

63

69

55

49

38

793

14%

Nhật Bản

115

157

122

68

55

67

59

62

54

59

65

883

16%

Hoa Kỳ

338

227

215

174

236

150

217

183

169

283

126

2,318

42%

Tổng

632

590

490

389

557

417

437

489

420

525

537

5,483

100%

Nguồn: Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc, 2023

                Các lý do bị từ chối phổ biến nhất tại thị trường Hoa Kỳ là điều kiện/kiểm soát vệ sinh, tại thị trường Trung Quốc và EU là nhiễm khuẩn, tại Nhật Bản là dư lượng thuốc thú y, và với Úc là ghi nhãn. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ có tỷ lệ từ chối lớn nhất (42%). Bốn thị trường còn lại có tỷ lệ từ chối tương tự (từ 9 đến 18%).

Nguyên nhân chính của các trường hợp bị từ chối của Việt Nam trong năm 2020 là nhiễm khuẩn (22%) và điều kiện/kiểm soát vệ sinh (18%). Các nguyên nhân khác gồm ghi nhãn (14%), dư lượng thuốc thú y (13%), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (10%) và phụ gia (7%).  Như vậy, Việt Nam cần tăng cường năng lực về kỹ thuật đánh giá cũng như kiểm soát an toàn, vệ sinh để tuân thủ quy định quốc tế đối với các nguyên nhân bị từ chối chính: nhiễm khuẩn, điều kiện/kiểm soát vệ sinh, và dư lượng thuốc thú y.

Nguồn: Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc, 2023

                Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc, nếu so sánh từ chối nhập khẩu của hàng nông sản Việt Nam với các nước Thái Lan, Philippines và Malaysia. Trong đó, từ chối nhập khẩu tại cửa khẩu của Hoa Kỳ chiếm tỉ lệ cao nhất trong năm thị trường đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, Thái Lan và Philippin (từ 38% đến 66%). Đối với Malaysia, phần lớn các trường hợp từ chối đều từ thị trường Trung Quốc (53%). Đối với các nước khác, từ chối nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc chiếm nhiều nhất là 1/5 tổng số trường hợp bị từ chối trong giai đoạn 2010 - 2020 (7% đối với Philippin, 18% đối với Việt Nam và 20% đối với Thái Lan).

                Tỷ lệ phần trăm từ chối nhập khẩu vì lý do ghi nhãn đối với cả 4 nước đều khá cao (từ 14 đến 27% tổng số trường hợp bị từ chối). Việt Nam là nước có tỷ lệ thấp nhất (14%) trong khi Thái Lan, Philippin và Malaysia nằm ở mức 23 - 27%. Số trường hợp bị từ chối do nhiễm khuẩn cũng cao đối với cả 4 nước (14 - 22%), trong đó Việt Nam có mức cao nhất là 22% khi so với 3 nước còn lại.

                Đối với thị trường Trung Quốc, tỷ lệ bị từ chối do điều kiện/kiểm soát vệ sinh cũng khá cao: 18% đối với Việt Nam, 24% đối với Thái Lan, 25% đối với Philippin; trong khi Malaysia có vẻ như đã giải quyết được vấn đề này nên chỉ có 4% tổng số trường hợp bị từ chối.

Đề xuất giải pháp để giảm tỷ lệ hàng nông sản xuất khẩu bị từ chối

Tăng cường các hệ thống giám sát an toàn thực phẩm quốc gia, đào tạo về phân tích nguy cơ mất vệ sinh thực phẩm và học cách áp dụng Thực hành Sản xuất Tốt (GMP) và Thực hành Vệ sinh Tốt (GHP) trong các chuỗi thực phẩm khác nhau. Kiến thức về các tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP, tiêu chuẩn hữu cơ cho sản xuất sơ cấp, ISO 22000, HACCP, SQF, IFS cho doanh nghiệp chế biến, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại như QR code, blockchain...;

Rà soát và cải thiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ liên quan đến an toàn thực phẩm và xuất khẩu thương mại như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công Thương  và các cơ quan và ban ngành có liên quan;

Có kế hoạch thường xuyên giám sát và công bố mức giới hạn dư lượng tối đa thực tế của một số thị trường mục tiêu về thuốc bảo vệ thực vật và chất gây ô nhiễm thực phẩm nhằm cải thiện công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật;

Tập trung hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc (quản lý mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói); Thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật;

                Bên cạnh đó, cần nâng cao tính tuân thủ, khả năng cạnh tranh và tính bền vững của ngành thông qua việc sử dụng công cụ kỹ thuật số, cung cấp thông tin chính xác về thuế quan ưu đãi, các biện pháp phi thuế quan, quy tắc xuất xứ và các dữ liệu liên quan đến thương mại khác; cung cấp nhiều khuyến khích tài chính và tài khóa hơn cho người sản xuất cho phép họ đầu tư để tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế; tư vấn cho nông dân về công nghệ bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc an toàn và kiểm soát dư lượng.

                Rà soát, xây dựng chính sách pháp luật rà soát lại một số luật quan trọng như Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn. Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về hàng hóa và nhãn mác cần.

Nâng cao nhận thức về chất lượng sản phẩm khắc phục tình trạng thiếu nhận thức về tầm quan trọng của chất lượng và an toàn thực phẩm cho các DN, HTX, người dân bằng cách tiến hành các chiến dịch thông tin về các tiêu chuẩn, quy định và cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia.

Vũ Huy Phúc/Ipsard


Tin khác