|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, phát triển khu vực kinh tế tập thể là chủ trương xuyên suốt và nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đều khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: “Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển”.
Qua ba lần ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã, số lượng hợp tác xã không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên, người lao động trong hợp tác xã dần được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị cho xã hội.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, thực tiễn phát triển khu vực kinh tế tập thể tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như điều kiện kinh tế - xã hội của thành viên thấp, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa số còn yếu, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của hợp tác xã nghèo nàn; các chính sách của nhà nước về cơ bản chưa hỗ trợ được nhiều cho các hợp tác xã; các hợp tác xã gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, về khoa học công nghệ, thị trường.
Trong bối cảnh mới, phong trào hợp tác xã vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức từ sự phát triển bùng nổ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi khu vực hợp tác xã phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng...
Các thách thức này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với khu vực kinh tế tập thể để thay đổi, phát huy các lợi thế liên kết, cùng nhau hợp tác theo mô hình hợp tác xã. Qua đó, tăng quy mô, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế và đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển, ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 thay thế Luật HTX số 23/2012/QH13. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng 3 trong số 4 văn bản hướng dẫn thi hành này, trong đó có Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hợp tác xã.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo là đại diện các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan, đại diện các hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, liên hiệp hợp tác xã của 6 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng tập trung thảo luận về các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, trong đó có các nội dung liên quan trực tiếp đến các chính sách hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể. Đồng thời bày tỏ mong muốn thông qua các chính sách, công cụ, khoản hỗ trợ từ nhà nước sẽ giúp chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất của hợp tác xã, cải thiện đời sống hợp tác xã, tiến tới mỗi hợp tác xã đạt được mục tiêu xuyên suốt là phát triển bền vững, dài lâu.
Tại Hội thảo, ông Đỗ Mạnh Khởi, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày tóm tắt những điểm mới của Luật Hợp tác xã 2023 và giới thiệu một số nội dung chính dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hợp tác xã. Luật Hợp tác xã gồm 12 Chương, 115 Điều, trong đó, nhóm các quy định về chính sách hỗ trợ bổ sung nguyên tắc thực hiện hỗ trợ; bổ sung quy định chi tiết 08 chính sách; bổ sung quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên làm rõ hơn 07 nguyên tắc cơ bản về tổ cức, hoạt động của HTX; mở rộng đối tượng tham gia HTX, LHHTX; bổ sung quy định Quỹ chung không chia; Quản lý quỹ chung không chia và tài sản chung không chia. Nhóm Chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên bổ sung đối tượng hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài; Quy định quyền và nghĩa vụ của từng loại thành viên...
Dự thảo Nghị định gồm 5 Chương, 23 Điều: Chương I. Những quy định chung; Chương II. Chính sách của Nhà nước về phát triển THT, HTX, LHHTX. Chương III. Tài sản, tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Chương IV. Tổ Hợp tác. Chương V. Điều khoản thi hành.
Hội thảo cũng được nghe chia sẻ trực tiếp về kinh nghiệm quản lý và các chính sách đối với phát triển hợp tác xã tại Thái Lan và Philippines. Đây là hai nước cùng khu vực Đông Nam Á, có điều kiện, văn hóa khá tương đồng với Việt Nam, có khu vực hợp tác xã phát triển mạnh, hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành viên, lan tỏa tác động tích cực tới cộng đồng, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn. Qua đó, giúp Ban soạn thảo, Tổ biên tập có thêm các thông tin để hoàn thiện dự thảo Nghị định cũng như hoàn thiện chính sách phát triển khu vực hợp tác xã của các nước; mang lại những sự thay đổi căn bản, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được những ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu về vấn đề kiểm toán, quy định về góp vốn của thành viên liên kết, trích lợi nhuận, chính sách miễn thuế...
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cảm ơn ý kiến phát biểu của các đại biểu với nhiều ý kiến quý báu giúp cho Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và cụ thể hóa dần vào những quy định, hoàn thiện các văn bản với chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn, góp phần tạo chuyển biến lớn cho khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác trong thời gian tới./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư